Những “tay đua” còn rất xa vạch đích

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả lợi nhuận 9 tháng của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cơ bản được hé lộ. Trong đó, nhiều công ty vẫn còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Doanh nghiệp cao su thiên nhiên kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận tích cực hơn trong quý IV nhờ giá bán mủ tăng Doanh nghiệp cao su thiên nhiên kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận tích cực hơn trong quý IV nhờ giá bán mủ tăng

Đường về đích còn xa

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 với doanh thu đạt 593,69 tỷ đồng, giảm 60,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 140,4 tỷ đồng, chỉ bằng 10% kế hoạch năm.

Năm nay, DIC Corp đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.400 tỷ đồng, tăng 604% so với mức thực hiện trong năm 2022. Với bối cảnh thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, khả năng về đích lợi nhuận năm của doanh nghiệp này là dấu hỏi lớn.

Thực tế, câu chuyện DIC Corp “vỡ kế hoạch” năm vẫn thường xảy ra. Năm 2021, Công ty lên kế hoạch lãi 1.444 tỷ đồng nhưng thực hiện được 1.281,6 tỷ đồng, đạt 88,75%. Năm 2022, Công ty lên kế hoạch lãi 1.900 tỷ đồng nhưng chỉ ghi nhận 198,78 tỷ đồng, tương đương 10,5% kế hoạch.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT) ghi nhận doanh thu 752,64 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 24,84 tỷ đồng, giảm 81,1% so với cùng kỳ và chỉ tương đương 10,1% kế hoạch cả năm. Năm 2023, Công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 2.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 412 tỷ đồng, lần lượt tăng 89,1% và 282,9% so với năm ngoái.

Năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) đặt kế hoạch doanh thu đạt 135.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng, các chỉ tiêu này lần lượt tăng 1% và 2% so với năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm, MWG báo lãi sau thuế 77,51 tỷ đồng, giảm 97,8% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 1,8% kế hoạch năm.

Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF) đặt kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị BAF, kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá heo hơi đạt 55.000 đồng/kg. Trong 3 quý đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 3.625,42 tỷ đồng, giảm 25,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 52,84 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 17,5% kế hoạch cả năm.

Theo thống kê của FiinTrade, gần 1.000 doanh nghiệp, đại diện cho 92,5% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2023. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này tăng 0,3% so với cùng kỳ. Dù mức tăng rất thấp nhưng đánh dấu quý đầu tiên lợi nhuận khối doanh nghiệp trên sàn chứng khoán tăng trưởng với cùng kỳ, sau 3 quý liên tục sụt giảm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của khối tài chính ghi nhận mức tăng 2,1% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sự khởi sắc về hiệu quả hoạt động của nhóm chứng khoán và bảo hiểm, còn nhóm ngân hàng giảm nhẹ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của khối phi tài chính tiếp tục giảm so với cùng kỳ (với mức giảm 3,6%), nhưng tốc độ suy giảm thu hẹp đáng kể so với các quý trước đó.

Xét theo ngành, nhóm công nghệ thông tin, du lịch và giải trí duy trì đà tăng trong các quý gần đây, trong khi đó dầu khí và thép là hai ngành ghi nhận tăng trưởng đột biến trong quý III, chấm dứt mạch suy giảm nhiều quý trước đó. Những ngành có lợi nhuận đảo chiều từ tăng trưởng sang suy giảm bao gồm bất động sản, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, dược phẩm. Những ngành duy trì giảm về lợi nhuận bao gồm bán lẻ, tiện ích (điện, nước, khí đốt), hóa chất, hàng cá nhân và gia dụng, viễn thông.

Tính theo chu kỳ, cũng như có yếu tố “mùa vụ”, nhóm bất động sản, vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ có lợi nhuận sẽ tốt hơn ở quý cuối năm và thông tin từ một số doanh nghiệp ngành này cho thấy triển vọng quý IV có phần sáng hơn so với bình quân 3 quý đầu năm.

Kỳ vọng bứt tốc trong quý IV

Nền kinh tế được cho là vẫn biến động phức tạp, khó lường, tuy vậy, nhiều doanh nghiệp đang rất kỳ vọng về một quý IV sáng sủa hơn so với 3 quý đầu năm.

Không tiết lộ con số chi tiết nhưng lãnh đạo DIC Corp khẳng định, lợi nhuận quý cuối năm của Tổng công ty sẽ cao hơn nhiều so với bình quân 3 quý đầu năm.

Ông Nguyễn Quang Tín, Tổng giám đốc DIC Corp chia sẻ về tiến độ một số dự án trọng điểm. Cụ thể, dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên City với quy mô 191 ha tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực về mặt pháp lý, hiện đã hoàn thành hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án lên tới 23.256 tỷ đồng. DIC Corp dự kiến sẽ tiếp tục mở bán sản phẩm tại dự án này trong quý IV/2023 và đặt mục tiêu thu về hơn 524 tỷ đồng trong năm 2023.

Trong quý IV, doanh nghiệp cũng tập trung mở bán các sản phẩm đủ điều kiện kinh doanh tại các dự án DIC Lantana City (Hà Nam), Đại Phước Lotus (Đồng Nai) và DIC Victory City (Hậu Giang)…

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Long (mã NLG), dù mới thực hiện 23% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng, song dự báo sẽ đạt tới 98% kế hoạch lợi nhuận trong năm nay, nghĩa là doanh nghiệp rất tự tin vào một quý IV “rực rỡ”.

Theo dự phóng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong quý IV/2023, Nam Long có thể ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao 193 căn giai đoạn 1A1 của dự án Izumi (đã mở bán từ năm 2021 và chưa bàn giao vào năm 2022) với doanh thu ước đạt 1.512 tỷ đồng và thu nhập tài chính 238 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại Paragon Đại Phước, do dự án hiện đang trong quá trình thực hiện thủ tục cập nhật giấy chứng nhận đầu tư. Tính chung cả năm, tổng doanh thu và lãi ròng của Tập đoàn có thể đạt lần lượt là 3.964 tỷ đồng và 573 tỷ đồng, hoàn thành 98% kế hoạch kinh doanh cả năm đã đề ra.

Trong quý III vừa qua, Nam Long ghi nhận 480 tỷ đồng doanh thu từ bàn giao 383 căn hộ tại dự án Ehome Southgate - giai đoạn 2 và 58 tỷ đồng thu nhập từ công ty liên kết (đến từ việc bàn giao 227 căn hộ tại block Flora Panorama).

Bất động sản khu công nghiệp cũng là nhóm được dự báo đạt lợi nhuận cao trong quý cuối năm, đặc biệt với những doanh nghiệp có nhiều “của để dành”. Ba quý đầu năm 2023, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) ghi nhận doanh thu 4.797,92 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.086,98 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 52,2% so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận quý cuối năm cũng như năm 2024 của KBC dự báo là con số khả quan, khi nhìn vào quỹ đất của doanh nghiệp này.

Nhiều doanh nghiệp coi quý IV này là giai đoạn tăng tốc, nhưng có về đích lợi nhuận được hay không là dấu hỏi lớn khi 3 quý đầu năm rất ì ạch.

Hiện quỹ đất công nghiệp mà KBC có thể kinh doanh còn lại khoảng 142 ha. Trong đó, 58 ha thuộc Khu công nghiệp Tân Phú Trung (TP.HCM), 84 ha thuộc Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh).

Với làn sóng đầu tư nước ngoài mới đang đổ vào Việt Nam, nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế tạo nói chung cũng như đất khu công nghiệp nói riêng dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, dự kiến hai khu công nghiệp trên của KBC sẽ được lấp đầy trong 2 năm 2024 và 2025. Trong lúc đó, doanh nghiệp này sẽ chờ đợi sự sẵn sàng của các khu công nghiệp đang phát triển và mở rộng tại Hải Phòng và Long An. Mặc dù tiến độ chậm hơn dự kiến, KBC tự tin cho biết có thể triển khai dự án này trong năm sau và bàn giao không muộn hơn quý IV/2024.

Một số doanh nghiệp dự báo cũng có kết quả kinh doanh tích cực hơn trong quý cuối năm nhờ biến động giá nguyên liệu cơ bản. Đơn cử, giá cao su tự nhiên tăng liên tục đầu tháng 9/2023 đến nay, chưa kể nhu cầu trên toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc được cải thiện tích cực. Trung Quốc hiện là thị trường chiếm tới 99% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023.

Từ nay đến cuối năm 2023, giá cao su tự nhiên được dự báo tăng lên mức 145,46 US Cents/kg và tăng thêm khoảng 5% trong thời gian 12 tháng tới. Nhóm doanh nghiệp cao su ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đầu năm không mấy sáng sủa, nhưng với xu hướng biến động tích cực của giá cao su, dự báo nhóm này sẽ đạt được lợi nhuận cao hơn trong quý IV/2023.

Tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR), trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 14.503 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 994 tỷ đồng, mới hoàn thành gần 53% mục tiêu doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Theo lãnh đạo GVR, trong quý III/2023, Tập đoàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 493 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, do các loại mủ cao su giảm sâu, trong khi chi phí đầu vào vẫn tăng. Với việc giá mủ cao su tăng trong 2 tháng qua và đang ở mức khá tích cực, lợi nhuận quý IV/2023 của Tập đoàn dự báo cải thiện so với 3 quý đầu năm. Dẫu vậy, mục tiêu lợi nhuận cả năm vẫn là một thách thức rất lớn với Ban lãnh đạo GVR.

Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã DPR), hiện sở hữu hơn 9.800 ha cao su tại Bình Phước và Đắk Nông, gần 6.500 ha tại nông trường Kratie ở Campuchia và 2 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 22.000 tấn/năm, được đánh giá hưởng lợi từ việc giá cao su tăng. Phần lớn diện tích cây cao su của Đồng Phú đang trong tuổi khai thác, cho năng suất cao, góp phần gia tăng sản lượng và bù đắp phần sụt giảm từ thanh lý cây cao su già. Điều này giúp Công ty tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 820 tỷ đồng doanh thu và 220 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Rút ngắn cự ly

Sau ba phần tư chặng đường của năm, các doanh nghiệp cơ bản có thể ước tính được kết quả kinh doanh năm. Lường trước khả năng không về đích kế hoạch kinh doanh năm, một số doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu theo hướng thấp hơn.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Hoá dầu Petrolimex (mã PLC) vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2023. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu được điều chỉnh về 8.395,86 tỷ đồng, giảm 5,7% so với kế hoạch đầu năm; lợi nhuận sau thuế 112 tỷ đồng, giảm 30% so với kế hoạch ban đầu.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, Hóa dầu Petrolimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế 81,27 tỷ đồng, thực hiện chưa đầy 51% mục tiêu cả năm. Nếu phương án kinh doanh mới được thông qua, Công ty thực hiện được 72,6% kế hoạch cả năm.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), Công ty giảm 17,5% chỉ tiêu doanh thu so với kế hoạch đầu năm, về 4.870 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với kế hoạch đầu năm, về 300 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, với lợi nhuận trước thuế đạt 215,95 tỷ đồng, Thực phẩm Sao Ta đã hoàn thành 72% so với kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh và hoàn thành 54% so với kế hoạch ban đầu.

Có thể thấy, nhờ việc điều chỉnh giảm, kế hoạch kinh doanh của cả Hoá dầu Petrolimex và Thực phẩm Sao Ta đã trở nên khả thi hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính làm đẹp báo cáo tài chính, mà không có nhiều ý nghĩa đối với cổ đông cũng như hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

Hoàng Minh - Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục