Nhiều ngân hàng hụt hơi chỉ tiêu lợi nhuận 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi nhuận quý III/2023 của nhiều ngân hàng giảm mạnh so với cùng kỳ, lũy kế kết quả kinh doanh 9 tháng vẫn cách mục tiêu cả năm quá xa.
9 tháng đầu năm, ABBank báo lãi trước thuế hơn 708 tỷ đồng, tương đương 25% kế hoạch cả năm 9 tháng đầu năm, ABBank báo lãi trước thuế hơn 708 tỷ đồng, tương đương 25% kế hoạch cả năm

Hụt hơi lợi nhuận

Quý III vừa qua, lợi nhuận sau thuế lũy kế của NCB giảm 47 tỷ đồng so với cùng kỳ các năm trước, chủ yếu do thu nhập lãi thuần trong quý 3 chỉ ghi nhận lãi 7 tỷ đồng.

BaoVietBank báo lãi trước thuế quý III vẻn vẹn hơn 9 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý III chạm mốc 3,98% buộc nhà băng này phải trích lập dự phòng gần 300 tỷ đồng, cao gấp 7,6 lần so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, BaoVietBank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 623 tỷ đồng, tăng gấp 7,8 lần so cùng kỳ, khiến lãi trước thuế chỉ còn gần 34 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Như vậy, sau ba quý đầu năm, Ngân hàng mới thực hiện được 36% mục tiêu lợi nhuận cả năm (95 tỷ đồng).

Tại ABBank, thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đạt 2.215 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 2,88% hồi đầu năm lên 3,51% vào cuối tháng 9, vì thế, Ngân hàng phải dành ra gần 1.051 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 99% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, Ngân hàng chỉ còn lãi hơn 708 tỷ đồng trước thuế sau 3 quý đầu năm, giảm 59% so với cùng kỳ. So với kế hoạch lợi nhuận 2.826 tỷ đồng đề ra cho năm nay, nhà băng này mới thực hiện được 25%.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của ABBank, tuy vậy, Ngân hàng đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, kiên trì cải thiện các mảng hoạt động. Hiện ABBank cũng chưa điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023.

Tại VietABank, có đến 96% nợ xấu có khả năng mất vốn nên dự phòng ăn mòn lợi nhuận. Lãi trước thuế quý III/2023 của Ngân hàng chỉ đạt hơn 63 tỷ đồng, giảm tới 67% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế của VietABank đạt hơn 592 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ, tương đương 46% kế hoạch cả năm.

Tương tự, sau 9 tháng, VietBank mới thực hiện được gần 44% kế hoạch lãi trước thuế cả năm (ở mức 960 tỷ đồng). Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng giảm tới 58% so với cùng kỳ, chỉ còn trích lập gần 89 tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 32%, còn hơn 507 tỷ đồng, nên lãi trước thuế giai đoạn này chỉ đạt gần 419 tỷ đồng, giảm 22% so cùng kỳ năm trước.

Tổng nợ xấu tính đến 30/9/2023 của VietBank là gần 2.891 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 3,65% hồi đầu năm lên 4,06%.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, tuy các ngân hàng chưa điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh 2023 song khả năng lợi nhuận ngân hàng năm nay chỉ tăng trưởng trên dưới 10% so với năm 2022. Nguyên nhân căn bản là tín dụng khó đạt mục tiêu ngành đề ra là 14%, mà chỉ có thể đạt khoảng 10 - 12%.

Vì tín dụng chậm

Các tổ chức tín dụng nhận định, dư nợ toàn hệ thống sẽ tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2023.

Việc sụt giảm lợi nhuận của nhiều ngân hàng chủ yếu do cầu tín dụng thấp, chi phí trích lập dự phòng gia tăng, cùng những tác động từ việc thực hiện giảm lãi suất, giảm phí để hỗ trợ nền kinh tế từ đầu năm đến nay theo chủ trương của Chính phủ.

Hiện nhiều ngân hàng đã liên tiếp hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ và mới, cùng việc tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi. Dự báo lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm 0,25%/năm trong quý cuối năm, giúp lãi suất cho vay bình quân cả năm 2023 giảm khoảng 1,5 - 2%/năm. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì biên lợi nhuận ở nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục suy giảm trong quý IV/2023 và khó hoàn thành chỉ tiêu cả năm nay.

Cụ thể, tại ABBank, tín dụng đến cuối tháng 9/2023 chỉ tăng 4% so với đầu năm. Trong cùng thời gian, dư nợ tín dụng của VietABank tăng 7%; dư nợ tín dụng của BVBank, Saigonbank đều chỉ tăng 4,3%... Ngay ở những nhà băng quy mô vừa như Eximbank, tín dụng 3 quý đầu năm nay chỉ tăng 4%; Sacombank, ACB tăng lần lượt 8% và 8,2%...

Đáng chú ý, sau khi khởi sắc đáng mừng trong quý III, tín dụng bất ngờ sụt giảm trong tháng 10. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây, tín dụng đã tăng nhanh hơn. Tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 29/9/2023 là 6,92%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong tháng 10/2023 (tính tới 24/10) đã giảm mức tăng 0,11%.

Tín dụng giảm bất chấp từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã giảm trung bình hơn 2%/năm so với cuối năm 2022. Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, có 3 nguyên nhân lớn khiến tín dụng tăng chậm: Thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn chung, các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng. Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi... Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các tổ chức tín dụng đánh giá cao hơn, khi khách hàng vay không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2023 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, các tổ chức tín dụng nhận định rằng, dư nợ toàn hệ thống sẽ tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2023. Mức kỳ vọng này thấp hơn 0,2% so với kết quả trong kỳ điều tra quý III/2023 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm là khoảng 14 -15%.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục