Ngân hàng vừa và nhỏ đuối sức với chỉ tiêu lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi các nhà băng quy mô lớn công bố lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng cao, khả năng hoàn thành mục tiêu cả năm không quá khó, thì không ít ngân hàng nhỏ và vừa hiện mới thực hiện được một nửa kế hoạch năm.
Các nhà băng đang phải đối mặt nguy cơ biên lãi ròng giảm khi mặt bằng lãi suất huy động tăng liên tục từ tháng 92022 đến nay. Ảnh: Dũng Minh Các nhà băng đang phải đối mặt nguy cơ biên lãi ròng giảm khi mặt bằng lãi suất huy động tăng liên tục từ tháng 92022 đến nay. Ảnh: Dũng Minh

Lợi nhuận quý III giảm mạnh

Quý III/2022, BaoVietBank ghi nhận lãi trước thuế vỏn vẹn 9,7 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ, dù Ngân hàng giảm mạnh chi phí dự phòng. Điểm sáng duy nhất trong hoạt động kinh doanh quý III của BaoVietBank là thu nhập lãi thuần đạt gần 137 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ, nhờ thu nhập lãi cho vay khách hàng và thu phí từ nghiệp vụ bảo lãnh tăng mạnh.

Ngược lại, các nguồn thu ngoài lãi của nhà băng này đều sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, hoạt động kinh doanh ngoại hối chỉ thu về 374 triệu đồng tiền lãi, giảm 91% so cùng kỳ, do thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay giảm 56%, còn 1,739 tỷ đồng và thu từ công cụ tài chính phái sinh tiền tệ giảm 66%, còn 1,092 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh chỉ thu được 485 triệu đồng tiền lãi, giảm 98% so với cùng kỳ. Thậm chí, mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ hơn 8 tỷ đồng và hoạt động khác lỗ hơn 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi.

Trong quý III/2022, BaoVietBank đã giảm 74% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 39 tỷ đồng, nhưng do hoạt động kinh doanh sụt giảm nên lãi trước thuế chỉ đạt 9,7 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tất cả nguồn thu của BaoVietBank đều sụt giảm so với cùng kỳ nên chỉ thu được hơn 36 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 21%. So với kế hoạch lãi trước thuế 90 tỷ đồng đặt ra cho năm 2022, Ngân hàng mới thực hiện được 40%.

Đáng lưu ý, tại NCB, ngân hàng này lỗ 199 tỷ đồng trong quý III/2022, trong khi cùng kỳ lãi gần 80 tỷ đồng. Nguyên nhân là do thu nhập lãi thuần âm 2,1 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước đạt gần 440 tỷ đồng); lãi thuần mảng mua bán chứng khoán đầu tư giảm 55,7%, chỉ mang về 24,2 tỷ đồng. Trong khi đó, các mảng hoạt động khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối chiếm tỷ trọng không đáng kể. Trong kỳ, NCB đã giảm phần dự phòng rủi ro đến 64%, chỉ còn gần 48 tỷ đồng, nhưng hoạt động kinh doanh lỗ thuần hơn 151 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, thu nhập lãi thuần của NCB giảm 59%, còn gần 451 tỷ đồng. Các khoản thu ngoài lãi tăng trưởng, nhưng cũng không thể giúp lợi nhuận thuần tránh được mức giảm 86%, xuống gần 75 tỷ đồng. Cộng thêm khoản trích gần 215 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và 40 tỷ đồng xử lý theo phương án cơ cấu lại ngân hàng, kết quả NCB lỗ trước thuế gần 180 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 164 tỷ đồng và mục tiêu năm 2022 là lãi 608 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9/2022, số dư nợ xấu của Ngân hàng tăng 5,3 lần so với cùng kỳ, từ 1.249 tỷ đồng lên 6.648 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu từ 3% cuối năm 2021 tăng lên 14,72%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng hơn 3 lần, lên 1.353 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng từ 181 tỷ đồng lên 2.831 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 4 lần, từ 603 tỷ đồng lên 2.462 tỷ đồng.

NCB cho biết, nợ xấu tăng có một phần nguyên nhân là do nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng, khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực ngày 30/6/2022.

9 tháng mới thực hiện được một nửa mục tiêu năm 2022

Trong quý III/2022, lợi nhuận của BaoVietBank giảm mạnh, còn NCB thua lỗ...

Tính đến cuối tháng 9/2022, nguồn thu chính của VietBank tăng 70% so với cùng kỳ, đạt gần 1.336 tỷ đồng. Nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng: lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 32%, lên gần 82 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 84%, lên 63 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác tăng 71%, đạt gần 198 tỷ đồng, nhờ thu nhập từ đặt cọc chuyển nhượng bất động sản và thu hồi các khoản nợ đã được xử lý rủi ro. Ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 84%, chỉ còn hơn 62 tỷ đồng và Ngân hàng trích gần 209 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lãi trước thuế chỉ tăng 36%, đạt 536 tỷ đồng, thực hiện được 49% kế hoạch năm 2022 là 1.090 tỷ đồng.

Tại ABBank, trong quý III/2022, thu nhập lãi thuần đạt gần 980 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận từ hoạt động khác và thu nhập từ vốn góp, mua cổ phần lần lượt gấp 12,1 lần và 4,3 lần cùng kỳ, đạt gần 85 tỷ đồng và 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, các mảng kinh doanh khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều ghi nhận lỗ hoặc giảm mạnh. Ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 310 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ và trích lập hơn 86 tỷ đồng cho quỹ dự phòng chung. Kết quả, lợi nhuận trước thuế giảm 79% so với cùng kỳ, còn gần 86 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất hàng trong 4 năm trở lại đây. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, ABBank ghi nhận lãi trước thuế tăng 9%, đạt hơn 1.748 tỷ đồng, thực hiện được 57% kế hoạch cả năm là 3.079 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, trong quý III, hoạt động ngành ngân hàng chịu nhiều áp lực, biên lãi ròng (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có diễn biến tăng, cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm 2022. Để đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2022, ABBank xác định luôn sẵn sàng thích ứng và có những quyết sách linh hoạt với sự biến đổi của thị trường.

Trong quý IV/2022, ABBank sẽ đẩy mạnh phục vụ các nhu cầu phi tín dụng, phát triển dịch vụ ngân hàng số nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và hướng tới mục tiêu tăng vị thế trong phân khúc bán lẻ.

Đối với Saigonbank, lợi nhuận trong quý III/2022 tăng 4% so cùng kỳ, đạt 60 tỷ đồng, một phần là do Ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro. Trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tăng gần gấp đôi, lên 20,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, chi phí dự phòng rủi ro của Saigonbank tăng gần 5 lần, nên tổng lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 21,6%, ghi nhận 236 tỷ đồng.

Theo lý giải của lãnh đạo Saigonbank, sở dĩ Ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro là bởi chất lượng tín dụng có dấu hiệu xấu. Tính đến cuối tháng 9/2022, tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank là hơn 2,1%. Trong đó, nợ xấu nhóm 5 tăng 43%, lên 253 tỷ đồng, chiếm 1,38% (cùng kỳ chiếm 1,07%). Con số này chưa bao gồm nợ xấu gửi tại VAMC.

Theo TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, với các ngân hàng lớn hiện đã thực hiện được 70 - 80% mục tiêu lợi nhuận cả năm thì việc hoàn thành kế hoạch năm 2022 không quá khó. Ngược lại, các nhà băng quy mô vừa và nhỏ không dễ đạt được mục tiêu, do sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, rủi ro nợ xấu gia tăng, chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động...

Thực tế, các nhà băng đang phải đối mặt nguy cơ NIM giảm khi mặt bằng lãi suất huy động tăng liên tục từ tháng 9/2022 đến nay, đặc biệt tăng mạnh từ ngày 26/10, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Mức lãi suất huy động cao nhất hiện lên tới 9,5%/năm.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục