Bài 1: Tấp nập thay tên, đổi chủ và sự bối rối của thị trường
Năm 2014, thị trường bán lẻ Việt Nam có 3 sự kiện gây rúng động, tạo nên những phản ứng trái chiều. Nhưng nhìn lại, đây không phải là thảm họa trên trời rơi xuống, mà là hệ quả của những toan tính chiến lược không ngoan của những ông lớn, cùng với đó là sự hỷ - nộ bất thường của các doanh nghiệp trong nước và các cơ quan chức năng.
Ngoại vung tiền, nội so găng
Đầu tiên phải kể đến sự rút chân của Tập đoàn Metro Cash&Carry (Đức) ra khỏi thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam bằng tuyên bố bán lại toàn bộ việc kinh doanh hệ thống MetroCash & Carry Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC Thái Lan) với giá 876 triệu USD vào
Thương vụ này diễn ra giữa lúc Giám đốc điều hành Metro Cash&Carry, ông Olaf Koch, đang tìm cách tiết giảm sự kém hiệu quả trong hoạt động của Metro trên toàn cầu, nhằm cải thiện lợi nhuận trong năm tài chính 2014-2015.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, thông tin trên thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam trở nên hỗn loạn. Giới truyền thông nỗ lực lý giải về những gì Metro để lại Việt Nam cũng như kế hoạch của người thế chân mang tên BJC.
Có quan điểm đặt nghi ngờ, phải chăng Metro đã có một chiến lược ma mãnh ngay từ đầu để tạo nên cuộc tháo chạy đúng thời điểm mà trúng hai đích: hớt chênh lệch thuế đất do Việt Nam ưu đãi và trốn thuế. Những người theo trường phái này đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Nhưng cũng có người cho rằng, Metro Cash&Carry buộc phải rút khỏi thị trường Việt Nam vì thất bại trong kinh doanh, cũng có thể do nền kinh tế Việt Nam đã mất động lực, môi trường kinh doanh không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi mọi sự vẫn chưa ngã ngũ, ông Philippe Bacac, Tổng giám đốc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam đã xuất hiện trên Báo Đầu tư ngày 18/8/2014 với lời khẳng định: “Chúng tôi là câu chuyện thành công tại tất cả các quốc gia nơi Metro hoạt động. Chúng tôi tuyệt đối tuân thủ quy định công ty, luật pháp và quy định của các nước sở tại. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đều có đầy đủ thông tin liên quan tới hoạt động kinh doanh của Metro tại Việt Nam”.
Cơn bão dư luận về các dấu hỏi quanh Metro vừa lắng xuống thì thị trường lại nóng lên với siêu bão mới, đó là sự biến mất của thương hiệu mới đình đám Ocean Mart sau khi Tập đoàn Vingroup mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail (thành viên của OceanGroup - Tập đoàn Đại Dương).
Vingroup đã đồng loạt khai trương 9 siêu thị và cửa hàng tiện ích đầu tiên mang tên VinMart. Những siêu thị và cửa hàng tiện ích này đều nằm tại các khu vực đông dân cư và có vị trí giao thông thuận lợi, như Trung tâm thương mại Royal City, Trung tâm thương mại Times City, Khu đô thị Trung Hòa, Khu đô thị Xa La Hà Đông, Làng Quốc tế Thăng Long, Trung tâm văn hóa thể thao giải trí StarBowl, Mỹ Đình…
Trong kế hoạch của người khổng lồ Vingroup, trong vòng 3 năm tới, hệ thống chuỗi 100 siêu thị VinMart và 1.000 cửa hàng tiện ích VinMart+ trên cả nước sẽ được tập đoàn này rốt ráo thực hiện, có thể họ sẽ tự đầu tư, hoặc thông qua các giao dịch M&A.
Chưa biết, Vingroup sẽ viết tiếp câu chuyện bán lẻ của mình như thế nào, nhưng hiệu ứng ngay trước mắt đã được thể hiện rõ quyết tâm thâm nhập nhanh và sâu của thương hiệu này trong lĩnh vực bán lẻ sau khi đã đã “hô phong hoán vũ” ở mảng bất động sản, trung tâm thương mại (TTTM), giáo dục và y tế.
Cùng thời điểm này, Công ty Đông Hưng (sở hữu thương hiệu Citimart) sau 20 năm chinh phục thị trường đã công bố thương hiệu mới, Aeon–Citimart. Mối lương duyên giữa Citimart - là thương hiệu siêu thị đầu tiên mở đầu cho cách kinh doanh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam và Aeon – thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Nhật Bản có doanh thu 60.000 tỷ Yên/năm cũng dấy lên những nghi vấn về việc Citimart rơi vào tay đối thủ Nhật Bản.
Tất nhiên, người trong cuộc, Chủ tịch Công ty Đông Hưng, ông Lâm Minh Huy cho rằng, đây là hợp tác toàn diện hai bên cùng có lợi. Thậm chí, quyết định “cặp đôi” với nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon có thể sẽ tạo nên nấc thăng hoa mới của Citimart…
Chuyện của nhà quản lý
Trong khi các nhà đầu tư đã toan tính những bước đi cụ thể, thì dường như các cơ quan quản lý vẫn trong trạng thái mơ hồ. Sự mơ hồ thể hiện qua những quan điểm không rõ ràng sau những biến động của thị trường.
Khoảng gần một tháng trước, nghị trường của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII dậy sóng bởi câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về sự lấn át của dòng vốn ngoại và sự yếu thế của nhà đầu tư trong nước tại thị trường đầy tiềm năng này.
Cùng cần phải nói rõ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa còn là Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op (Co.opmart), người đang tạo dựng và duy trì vị thế của Saigon Co.op trên thị trường bán lẻ Việt Nam trong giai đoạn sóng gió hiện tại. Hơn ai hết, ông hiểu rõ luật của cuộc chơi này.
Chính bởi vậy, dù là người được hưởng lợi và lớn lên từ khi cánh cửa của thị trương phân phối, bán lẻ bắt đầu mở, đang là một bên trong đối tác với nhà bán lẻ hàng đầu Singapore, Tập đoàn NTUC FairPrice, ông Hòa vẫn không nguôi mối lo về sự thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường phân phối bán lẻ của Việt Nam của các các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài. Trong con mắt của ông, một mặt họ liên tục mở rộng thêm nhiều cửa hàng, siêu thị và mạng lưới trên cả nước. Mặt khác, họ tăng cường việc chuyển nhượng, mua, bán, sáp nhập các hệ thống phân phối hiện đại của Việt Nam.
“Xin hỏi bộ trưởng hệ thống phân phối bán lẻ nội địa sẽ như thế nào trước diễn biến này, tình hình này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sản xuất trong nước, việc tiêu thụ hàng hóa Việt Nam sẽ ra sao khi chúng ta không làm chủ được hệ thống phân phối, liệu chúng ta có bị thua trên sân nhà hay không, đặc biệt khi Việt Nam thực hiện các hiệp định tự do thương mại với các nước trên thế giới?”, ông Hòa chất vấn bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại nghị trường.
Những câu hỏi thẳng thắn của ông Hòa, đã được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp lại bằng tinh thần bình tĩnh, thậm chí khá lạc quan. Theo ông Hoàng, lĩnh vực phân phối, bán lẻ là hết sức nhạy cảm, quan trọng nên chủ trương của Việt Nam là mở cửa thị trường nhưng có lộ trình để tạo điều kiện về thời gian cho các doanh nghiệp thương mại trong nước vươn lên đứng vững và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Và lộ trình sắp tới sẽ tiếp tục giữ nguyên tắc mở cửa từ từ.
“Hiện tỷ trọng bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 3,4%, giảm so với mức 3,7% cách đây 5 năm và tỷ trọng này cho thấy doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn phát triển. Việc lo lắng về sự thậm nhập của DN bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam là có. Nhưng với kinh nghiệm trong 8 năm thực hiện WTO, chúng ta vẫn có thể làm chủ được thị trường”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Như vậy, bức tranh mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẽ ra mang màu sắc tươi sáng hơn rất nhiều cơn giông tố mà ông Hòa lo ngại. Theo Bộ trưởng Hoàng, với lộ trình mở cửa và các điều khoản, rào cản theo cam kết WTO, Việt Nam hoàn toàn xử lý được những băn khoăn, lo lắng mà ông Hòa đề cập.
Nhưng niềm tin của của vị Bộ trưởng chưa đủ để thuyết phục được ông chủ của Saigon Co.op. Ông Hòa cho rằng, nếu chỉ nhìn vào con số hơn 70 cơ sở bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài so với con số hàng nghìn, thậm chí hàng vạn nhà bán lẻ nội, bản chất của thị trường này sẽ bị sai lệnh. Vì doanh nghiệp ngoại trong thị trường không chỉ lớn gấp 4 - 5 lần doanh nghiệp Việt về quy mô mà còn hơn hẳn về đẳng cấp trong quản trị, điều hành doanh nghiệp...
Cần phải nhắc lại, khi thực hiện các cám kết với WTO, các nhà quản lý đã tìm mọi cách để bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Đáng lẽ sẽ cho phép doanh nghiệp nước ngoài được thành lập 100% vốn tại Việt Nam ngay từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, nhưng thời điểm chính thức được lựa chọn là năm 2009. Mọi người hy vọng quãng thời gian này đủ để các doanh nghiệp trong nước vươn vai như Phù Đổng...
Sự trở tay... bối rối
Sự vận động khác nhau cả về quan điểm, nhận định trong thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam vào lúc này khiến thị trường trở nên bối rối.
Điều đáng nói là sự bối rối này đã bắt đầu ngay từ khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO. Theo cam kết WTO kể từ ngày 1/1/2009, Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp nước ngoài được lập các công ty phân phối tại thị trường nội địa.
Việt Nam cũng đã cam kết mở cửa cho phép nhà cung cấp nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam ở hầu hết các phân ngành trong ngành dịch vụ phân phối, bao gồm cả đại lý hoa hồng, bán buôn, bán lẻ, bán hàng đa cấp, nhượng quyền thương mại.
Nhưng vào năm 1998, Big C khai trương địa điểm đầu tiên. Năm 2002, Metro Cash & Carry đã tiếm được địa điểm cách trung Hà Nội tới gần 30 km. Một điều ít ai để ý đến là các hạn chế về loại hàng hóa được phép phân phối trong WTO chỉ áp dụng với các nhà phân phối vào Việt Nam sau ngày 1/1/2007. Đối với các nhà phân phối nước ngoài đã vào Việt Nam từ trước đó thì thực hiện theo giấy phép đầu tư, trong khi thời điểm đó, Việt Nam chưa có hạn chế gì đáng kể về loại sản phẩm được phép phân phối cả.
Điều này lý giải sự lấn chân như vũ bão của cả hai ông lớn trong 2 mảng quan trọng của thị trường là bán sỉ và bán lẻ.
Cũng phải nhắc lại địa điểm đang được nhìn nhận là kim cương của cả Big C và Metro cách đây hơn 10 năm được xác định là vùng ngoại ô và là nơi “quá xa để phát triển thương mại”.
Tưởng rằng vị trí heo hút, không hề có trong tầm ngắm của cả nhà quản lý và các doanh nghiệp nội đủ để cản mọi ý định chèn lấn các nhà đầu tư ngoại với thị trường phân phối, bán lẻ nội địa. Song mọi toan tính ngắn hạn khi đó đều đã bị hóa giải, mà phần thua thiệt lại thuộc về các doanh nghiệp nội.
Vào thời điểm này, câu hỏi lớn về cơ chế chính sách cũng như cách ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường này trong thời gian tới sẽ như thế nào đang được đặt ra. Bởi, năm 2015 sẽ là thời điểm các rào cản cuối cùng trong cam kết với WTO với doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực này sẽ được gỡ bỏ.
Đó là chưa kể những cam kết mở cửa thị trường mới sẽ xuất hiện khi hoàng loạt hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực sẽ được hoàn tất vào năm tới.
Trong khi đó, giới nghiên cứu kinh tế liên tục đặt các câu hỏi về tính tự chủ nền sản xuất trong nước, của cả nền kinh tế thông qua vận mệnh của hệ thống phân phối và thị trường bán lẻ nội địa khi những mối lương duyên nội – ngoại không được tác thành dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch.
Điều này khiến giới doanh nghiệp bán lẻ trong nước càng trở nên thận trọng. Cô gái đẹp phân phối – bán lẻ lại mơ màng với những lời răn dạy “cuộc chơi giờ đã khác xưa nhiều lắm”
Ông Phan Thế Ruệ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Giai đoạn 2007 – 2010 là lúc thị trường bán lẻ Việt Nam bị xáo trộn nhiều nhất, kể cả những mỹ từ khen hết lời hay sự đổ bộ của doanh nghiệp ngoại với cảnh báo cho doanh nghiệp trong nước. Trước hiện tượng này, đáng lẽ Bộ Công thương cần đưa thêm nhiều biện pháp làm rào cản tiếp, kiểm tra thực trạng mở điểm bán lẻ thứ 2 như thế nào. Rõ ràng, doanh nghiệp ngoại có rất nhiều chiêu thức khôn ngoan để thâm nhập thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước nhân thức và nghiên cứu nội dung mở cửa và sau này không tận dụng được các Hiệp định FTA cũng là vì không hiểu về hội nhập. Hoặc có hiểu thì cũng không đủ tiềm lực để làm. Xu hướng hội nhập, mở cửa không thể cưỡng lại được và các cơ quan chức năng Việt Nam muốn dùng chính sách để thiết lập lại thị trường bán lẻ là mơ tưởng. Phải thiết lập thị trường trên cơ sở quy luật của thị trường: đó là quy luật cạnh tranh giá cả, dịch vụ vì hiện thái độ bán hàng của doanh nghiệp trong nước vẫn mang dáng dấp của thời kỳ bao cấp. |