Những quan điểm trái chiều về thị trường vốn khi các quốc gia mở cửa lại nền kinh tế

(ĐTCK) Tâm lý lạc quan xuất phát từ việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa của nhiều nền kinh tế nhưng cũng có nhiều mối lo ngại của nhà đầu tư về việc thị trường liệu có thể duy trì đà tăng của tháng trước.
Những quan điểm trái chiều về thị trường vốn khi các quốc gia mở cửa lại nền kinh tế

Mối lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai, sự sụt giảm trong lợi nhuận của các công ty và những cú sốc từ các dữ liệu kinh tế. Thêm vào đó là căng thẳng chính trị Mỹ - Trung Quốc một lần nữa có nguy cơ leo thang.

Jameel Ahmad, nhà phân tích thị trường tại FXTM ở Luân Đôn nhận định: “Một mâu thuẫn trong vấn đề song phương giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch sẽ nổ ra”.

Bên cạnh đó, Warren Buffett cũng đã tiết chế sự lạc quan thường thấy của mình trong cuộc họp đại hội cổ đông kéo dài hàng giờ vào thứ Bảy (2/5).

“Rất nhiều sự không chắc chắn trên thị trường”, ông Warren Buffett nói. Tuy nhiên, ông cũng kỳ vọng cổ phiếu sẽ có tỷ suất sinh lời vượt trội so với trái phiếu chính phủ Mỹ.

Mặc dù chứng khoán Mỹ đã có tháng tăng tốt nhất kể từ năm 1987, nhưng đã giảm lại trong ngày thứ Sáu (1/5) khi hàng loạt các công ty đưa ra cảnh báo lợi nhuận và Tổng thống Trump đã lên án Trung Quốc về thương mại và cách xử lý Covid-19.

Dưới đây là một số bình luận của các chuyên gia về thị trường tuần này:

Eric Stein, đồng Giám đốc thu nhập cố định toàn cầu tại Eaton Vance Corp, trụ sở tại Boston

"Vấn đề lớn nhất của các nước phát triển là căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước còn lại của thế giới.

Thị trường đang bắt đầu tập trung vào vấn đề này một lần nữa sau một vài quan điểm của Tổng thống Trump về thuế quan. Việc chống lại Trung Quốc không còn tập trung vào thương mại như trước đây mà tập trung vào nguồn xuất phát Covid-19".

Ahmad tại FXTM

"Một loạt dữ liệu kinh tế được Trung Quốc lên kế hoạch công bố trong tuần này, bao gồm chỉ số PMI tổng hợp và dịch vụ, số liệu xuất nhập khẩu tháng 4, cũng được xem là thước đo của nền kinh tế.

Chỉ số PMI tổng hợp và dịch vụ sẽ rất quan trọng để xem xét liệu sự mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc có làm cải thiện năng suất lao động. Bên cạnh đó, dữ liệu xuất nhập khẩu còn có ý nghĩa quan trọng hơn vì làm nổi bật được phần còn lại của thế giới so với Trung Quốc chịu ảnh hưởng như thế nào khi hầu hết bị phong tỏa trong tháng 4".

Ali Malik, cố vấn đầu tư cấp cao tại Bank of Singapore Ltd

“Chúng tôi tin rằng việc mở cửa nền kinh tế trở lại sẽ dần dần được nhìn thấy trên khắp các quốc gia, bắt đầu từ những quốc gia phong tỏa đầu tiên.

Chúng tôi cũng đang thấy việc phát hành trái phiếu xuất hiện trên toàn cầu từ Qatar, Abu Dhabi, Ả Rập Xê Út. Và với Trung Quốc, các công ty cũng sẽ theo sau trong việc phát hành trái phiếu. Chúng tôi đang tập trung vào trái phiếu bằng đồng USD ở Trung Quốc trong lĩnh vực bất động sản có lợi suất cao và hoạt động khá tốt trong thời gian gần đây.

Có một số công ty lĩnh vực công nghệ tốt ở châu Á chẳng hạn như Alibaba và Tencent, chúng tôi vẫn giữ quan điểm trung lập về cổ phiếu vào thời điểm này”.

Iyad Abu Hweij, đối tác quản lý Allied Investment Partners PJSC tại Dubai

“Giai đoạn mở cửa trở lại của các nền kinh tế toàn cầu, cùng với sự gia tăng các trường hợp mắc Covid-19 mới sẽ chi phối hoạt động giao dịch trong những tuần tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên thận trọng và theo dõi chặt chẽ các chỉ số hàng đầu về các dấu hiệu cải thiện dần dần sau khi mở cửa nền kinh tế và diễn biến tình hình Covid-19 sau đó”.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục