Những người con không sợ bóng cha

Theo bà Lê Phương Lan, Chủ tịch HĐQT Trường phổ thông liên cấp Olympia, cách duy nhất để những thành công của người cha không cản đường phát triển của những các thế hệ doanh nhân kế tiếp là sự chủ động trong tư duy dạy và học làm doanh nhân.
Những người con không sợ bóng cha

1. Nếu chỉ nghe bà Lê Phương Lan kể, mà không trực tiếp chứng kiến những gì “cư dân thành phố Utopia” – Chương trình Trường Olympia đang triển khai trong mùa hè này cho học sinh tiểu học, khó hình dung các bé học làm doanh nhân thế nào.

Theo hướng dẫn của bà Lan, chúng tôi có mặt tại khu vực được xác định là Ngân hàng TP. Utopia. Lúc này là 2 giờ chiều, mọi người đang xếp hàng để nhận lương. 

 Mọi thủ tục đều được tiến hành quy củ với những chữ ký và con dấu. Giám đốc Ngân hàng vất vả với công việc kiểm soát các giao dịch.

Trong thành phố cũng có vài vị giám đốc trong ngành khác, như khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, công ty truyền thông… Họ cũng mải mốt với kế hoạch hút khách.

Cả thành phố bận rộn với những dòng người di chuyển. Chẳng mấy cư dân quan tâm đến chúng tôi.

Cùng lúc, học sinh bậc trung học phổ thông đang theo chương trình du lịch và khám phá trên khu vực phố cổ Hà Nội. Phần việc mà các doanh nhân tương lai trong ngành du lịch phải làm là thiết kế tour, lên kế hoạch truyền thông và thuyết phục du khách các em gặp trên đường tham gia…

Với các học sinh, thậm chí cả bố mẹ các em, đây là một trò chơi thực tế hứng thú. Nhưng người chủ của ý tưởng này, bà Lan xác định đây là phương pháp giáo dục tích cực để các em bộc lộ thiên hướng rõ ràng nhất.

“Đa phần trong số các học sinh này là con của những doanh nhân thành đạt. Có không ít em đã được bố mẹ, ông bà định hình cho việc kế tục sự nghiệp. Nếu dự định này được thực hiện ngay từ bậc tiểu học một cách bài bản, các em sẽ phát triển tự tin, toàn diện và không phải chịu quá nhiều áp lực từ định hướng này”, bà Lan chia sẻ quan điểm xây dựng chương trình học dựa trên yêu cầu của học sinh.

Quan sát sự vận động của cư dân TP. Utopia, không ngờ các bé tuổi 7 đến 10 có thể làm được nhiều việc như vậy. Các em tự làm thủ tục nhập cảnh, thuê khách sạn, tìm kiếm công ăn việc làm và tuân thủ các quy định đối với một công dân trong thành phố. Khá nhiều mối quan hệ phức tạp đã được các em tự tìm cách giải quyết…

2. Không biết bao nhiêu trong số khoảng 700 học sinh Olympia hiện tại sẽ trở thành những ông chủ, người điều hành doanh nghiệp, nhưng với tỷ lệ trên 60% học sinh là con em  các gia đình doanh nhân, có thể nói đây là một trong những cái nôi của thế hệ doanh nhân tương lai.

“Khi đầu tư thành lập trường, tôi chưa nghĩ sẽ nhắm tới con em của các gia đình doanh nhân. Tuy nhiên, có thể cùng là người kinh doanh, cũng đối mặt với các vấn đề phức tạp trong chăm sóc, dạy dỗ, định hướng nghề nghiệp cho con cái, nên tôi chia sẻ được những yêu cầu của họ. Họ muốn con cái thành đạt ít nhất như họ nên đòi hỏi phải có những chương trình đào tạo phù hợp, với cách thức và tư duy hội nhập. Hơn thế, doanh nhân thành đạt vốn là những người tân tiến, cởi mở, họ sẵn sàng chấp nhận quan điểm giáo dục mới”, bà Lan lý giải.

Cũng phải nói thêm, chuẩn bị đội ngũ kế cận đang là chuyện đại sự của nhiều gia đình. Khá nhiều doanh nhân thế hệ đầu đã bước vào giai đoạn chuyển giao. Tuy nhiên, chưa có nhiều cuộc chuyển giao thành công. Nhiều trường hợp, gia đình bất hòa vì con cái không tuân theo định hướng của cha mẹ.

Theo kinh nghiệm của bà Lan, vấn đề nằm ở chỗ, chặng đường thành công của lớp doanh nhân đầu tiên khá vất vả, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm bản thân và cơ hội. Nên họ muốn sắp xếp cho con cái tiếp nhận và phát triển sự nghiệp của gia đình. Thực tế này chi phối khá lớn cuộc sống của người được chọn kế cận.

“Có không ít học sinh của trường có xu hướng tự phụ vì sự giàu có của gia đình. Lại có em quá tự ti vì cái bóng quá lớn của người cha. Vì vậy, việc học và dạy làm doanh nhân  được xác định là không chỉ dành cho con cái mà cần có sự chia sẻ về quan điểm, tư duy của những thế hệ đi trước. Chúng tôi muốn,  thế hệ doanh nhân kế cận phải được chuẩn bị và hậu thuẫn để đi nhanh hơn, thành đạt hơn nhưng trên đôi chân và năng lực của chính họ chứ không phải sự thừa hưởng sẵn có và đương nhiên từ gia đình”, bà Lan nói.

Đây là lý do chính để bà  đưa khá nhiều môn học liên quan đến kinh doanh vào chương trình đào tạo bắt buộc từ lớp 10. Tại đây, học sinh được học các bộ môn kinh tế, truyền thông, thực hành thành lập doanh nghiệp, xây dựng dự án đến kỹ năng đàm phán, thuyết trình dự án hay kêu gọi tài trợ. Kỹ năng đối mặt với thách thức của thị trường, như cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, cũng được giảng dạy

“Chúng tôi thuyết phục các vị chủ tịch HĐQT, CEO - phụ huynh của trường - cho phép học sinh có thực tập ngay tại doanh nghiệp. Không có cách dạy làm doanh nhân nào hiệu quả hơn. Chúng tôi bất ngờ khi các em có nhiều đề án kinh doanh  thực sự thuyết phục”, bà Lan nói.

3. Ít người mẹ nào quyết định  xây trường cho con như bà Lan, kể cả những doanh nhân nhiều tiền của.

Từ hệ thống mẫu giáo, tiểu học Dream House những năm 2003 và đến giờ là Trường phổ thông liên cấp Olympia đều được hình thành từ những đứa con của người sáng lập.

Cách đây hơn 10 năm, vào khoảng năm 2003, khi người con thứ hai bước vào tuổi mẫu giáo, bà Lan đang làm cho một công ty nước ngoài danh tiếng. Môi trường làm việc với người nước ngoài, cơ hội tiếp cận thông tin từ bên ngoài khiến “bà mẹ google” – cách bà Lan nói về cách thức nuôi dạy con của mình – không yên tâm với cảnh con cái thường xuyên bị gửi ngoài bảo vệ vì bố mẹ đón muộn, rồi thì cảnh ăn uống nhồi nhét khổ sở của cô giáo và con trẻ…

Hệ thống mầm non Dream House ra đời với sự có mặt của 5 cổ đông sáng lập  - 5 người mẹ của 5 đứa con với cùng mục tiêu tạo môi trường chăm sóc và giáo dục toàn diện.

“Bài tính hiệu quả trong đầu tư đơn giản chỉ là đầu tư vào con cái – tài sản lớn nhất”, bà Lan nhớ lại.

Đây cũng là lý do xuất hiện các khoản đầu tư tiếp theo khi những người con lớn dần lên. “Không có kinh nghệm nên đầu tư cũng vất vả. Năm 2008 – 2009, khi bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất của trường, chúng tôi phải vay với lãi suất trên 20%, đẩy thời gian  hoàn vốn dự kiến kéo dài hơn đến 2-3 năm nữa, thay vì 7 năm như tính toán ban đầu. Tuy nhiên, về dài hạn, chúng tôi vẫn xác định đây là lĩnh vực kinh doanh tốt, ít nhất là khi con trai út của tôi sẽ học ở đây trong 10 năm tới”, bà Lan chia sẻ.

Vào năm 2012, bà quyết định dừng điều hành Công ty cổ phần thời trang Kowil Việt Nam, dành toàn bộ thời gian cho Olympia. Đến nay, khoản đầu tư đã lên tới khoảng 150 tỷ đồng.

Lợi nhuận mà nhà đầu tư Lê Phương Lan nhìn thấy vẫn là từ con cái của mình, bạn bè, đồng nghiệp. Có lẽ cũng bởi vậy mà ngoài 5 người sáng lập đầu tiên, đến giờ, Olympia đã có thêm những người đầu tư – những người đồng quan điểm giáo dục, và đối tác trong nước và nước ngoài – những người hỗ trợ để các mô hình giáo dục tiên tiến của Mỹ đến với học sinh, phụ huynh của Olympia cũng như đến với các sinh viên sư phạm một cách thuận lợi…

Mới đây, bà Lan đã quyết định đưa bộ môn Việt Nam học vào nội dung đào tạo chính thức của Trường. Đây là chương trình được yêu cầu với các trường nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng bà Lan muốn những doanh nhân Việt Nam tương lai phải hiểu, nắm rõ nền văn hóa Việt Nam, truyền thống của người Việt Nam.

“Tôi đã từng giật mình khi người con trai cả học trường quốc tế nói tiếng Việt như người ngoại quốc. Tôi không muốn những doanh nhân Việt Nam thế kỷ 21 gần hơn với thế giới nhưng xa lạ với văn hóa truyền thống của dân tộc”, bà Lan tâm sự.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục