Số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, năm 2013, cả nước có trên 61 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm gần 70% dân số cả nước.
Diễn biến đáng ngại về thu - chi
Trong những năm gần đây, số thu bảo hiểm y tế đã tăng đều qua từng năm. Nếu năm 2009, thời điểm trước khi thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, số thu bảo hiểm mới đạt 14.400 tỷ đồng, thì năm 2010, đã tăng lên hơn 25.000 tỷ đồng; năm 2011, đạt gần 30.000 tỷ đồng và năm 2013, đã có số thu trên 46.000 tỷ đồng.
Năm 2010, quỹ bảo hiểm y tế đã thanh toán chi phí cho trên 102 triệu lượt người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, với chi phí trên 19.000 tỷ đồng. Năm 2013, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả cho trên 131 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, với số chi trên 42.000 tỷ đồng.
Cho dù quy mô cả về thu - chi của quỹ bảo hiểm y tế tăng đều qua các năm, nhưng tốc độ tăng các khoản thu đang chậm hơn so với tốc độ tăng các khoản chi. Thực tế này cho thấy, nếu không có phương án cân đối thu - chi hợp lý, rất có thể, quỹ bảo hiểm y tế sẽ khó có thể cân đối trong thời gian tới.
Cụ thể, năm 2010, quỹ thu 25.000 tỷ đồng và chi ra 19.000 tỷ đồng, dư 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2013, khoảng cách này đã thu hẹp khá nhanh, với mức thu 46.000 tỷ đồng và chi 42.000 tỷ đồng, tức là chỉ còn dư 4.000 tỷ đồng. Đó là xét trên giá trị tuyệt đối, trong khi tỷ trọng thặng dư thu - chi so với tổng quỹ còn giảm nhanh hơn nhiều. Cụ thể, năm 2010, thặng dư thu - chi quỹ bảo hiểm y tế là 24% tổng thu của quỹ, nhưng đến năm 2013, tỷ lệ này chỉ là gần 8,7%.
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội vẫn chưa được khắc phục triệt để. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở khám chữa bệnh có biểu hiện rõ việc trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Khuyến khích bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Hiện tại, cộng đồng đang đặt nhiều kỳ vọng vào “làn gió mới”, khi Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), một trong những điểm mới có tính cải cách của Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) là việc khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người thứ hai, thứ ba, thứ tư sẽ chỉ phải đóng bảo hiểm y tế bằng 70%, 60%, 50% so với mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi, mức phí sẽ được giảm chỉ còn 40% so với người thứ nhất.
“Quy định như trên sẽ có tác dụng tăng hiệu quả quản lý, tăng số người tham gia bảo hiểm y tế, nhưng vẫn đảm bảo giảm thiểu việc trùng lắp”, bà Hương nói.
Bà Minh nhận xét, cho dù Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) đã ban hành, nhưng để có thể áp dụng các quy định vào thực tế, thì các cơ quan chức năng còn phải xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện. “Tới đây, cũng cần phải nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc bảo hiểm y tế và xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và khả năng thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế”, bà Minh nói.
Ngày 1/7 hàng năm đã được Chính phủ chọn là “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam” để đánh dấu một bước trong hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm y tế, với mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.