Những “ngôi sao” ẩn mình trên UPCoM

(ĐTCK) Mặc dù chỉ giao dịch trên sàn UPCoM, song không ít cổ phiếu được đánh giá cao ngang ngửa những bluechips trên sàn niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) hay Sở GDCK Hà Nội (HNX).
ACV là một trong những "ông lớn" trên sàn UPCoM ACV là một trong những "ông lớn" trên sàn UPCoM

Hàng “hot” không thiếu

Theo thông tin từ HNX, tính đến cuối tháng 4/2018, có hơn 735 doanh nghiệp (DN) đang giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Theo thứ tự ưu tiên về chất lượng các cổ phiếu thì HOSE và HNX là 2 sàn có tiêu chuẩn cụ thể, hay nói cách khác, các DN lên sàn này có sự sàng lọc ban đầu, có chất lượng mới được niêm yết.

Còn sàn UPCoM là sàn dành cho các DN đại chúng,  chưa có quy chuẩn về chất lượng DN. Do đó, về mặt thu hút nhà đầu tư, theo cả lý thuyết và thực tiễn, sàn UPCoM không thể so sánh được với 2 sàn niêm yết. Tuy nhiên, thực tế này không có nghĩa là sàn UPCoM không có những “ngôi sao” sáng.

Xét đến những DN đầu ngành, UPCoM có sự hiện diện của “ông lớn” Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)… Số lượng những DN nhà nước cổ phần hóa lên UPCoM nườm nượp theo quy định, đẩy mặt bằng chất lượng của UPCoM tăng mạnh.

Bên cạnh những DN vốn nhà nước lên sàn sau khi chào bán cổ phần ra công chúng, sàn UPCoM còn nhiều tên tuổi khác, mà khi so sánh với các bluechip trên 2 sàn niêm yết thì không hề kém cạnh. Xét trong bảng UPCoM LARGE, nơi hội tụ 68 cổ phiếu có quy mô vốn lớn nhất sàn, xuất hiện nhiều DN tư nhân vốn lớn và tiềm năng.

Một DN có thị giá thuộc hàng lớn nhất và “lão làng” trên UPCoM là CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng (SDI). Thành lập tháng 9/2009, đến tháng 6/2011, SDI chính thức được giao dịch trên UPCoM. Là thành viên của Tập đoàn Vingroup, SDI có nhiệm vụ vận hành và quản lý khu đô thị Vinhomes Riverside, Vinhomes Gardenia, cũng như kinh doanh Trung tâm Almaz. Công ty này gây chú ý khi nhiều năm chia cổ tức ở mức “khủng”.

Cụ thể, năm 2017, với vốn điều lệ 6.376 tỷ đồng, SDI đạt tới 10.413 tỷ đồng doanh thu thuần, mang lại 2.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) đạt gần 20.000 đồng, nằm trong nhóm những DN có EPS lớn nhất thị trường. Hiện Vingroup đang sở hữu 94% cổ phần của SDI và dường như không có ý định đưa cổ phiếu này niêm yết trên 2 sàn lớn.

Sàn UPCoM cũng đang là nơi giao dịch cổ phiếu của 2 DN “con cưng” nhà Masan: CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources - MSR) và CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - MCH). Cả 2 DN này đều là những công ty có vốn chủ sở hữu rất lớn, lần lượt là 12.011 tỷ đồng và 11.331 tỷ đồng.

MSR là DN đặc thù và đầu ngành trong lĩnh vực vonfram, có tầm ảnh hưởng toàn cầu và trong ngành công nghiệp vonfram. MSR cung cấp vonfram thiết yếu tới tất cả các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Tháng 9/2015, MSR đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn UPCoM. Tính đến cuối năm 2017, gần 96% vốn của MSR được sở hữu bởi CTCP Tầm nhìn Masan, 0,44% cổ phần nằm trong tay PENM III Germany GmbH&Co.KG. Cũng vào cuối năm 2017, MSR có 882 cổ đông, gồm 865 cổ đông trong nước và 17 cổ đông nước ngoài.

Cổ phiếu MCH cũng được Masan đưa lên UPCoM vào tháng 1/2017 và nhanh chóng trở thành một trong những DN lớn nhất UPCoM về vốn. Không chỉ thế, thị giá của MCH đang ở giai đoạn đỉnh, vượt qua mức 100.000 đồng/CP. Cũng tương tự SDI, cả MSR và MCH đều có cơ cấu cổ đông cô đặc khi công ty mẹ thuộc nhà Masan sở hữu từ 96% vốn trở lên.

Một DN được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây là CTCP Tập đoàn I.P.A (IPA) cũng có thời gian gắn bó với UPCoM đã gần 2 năm (IPA lên UPCoM vào tháng 6/2016).

IPA được thành lập từ năm 2007 và là tập đoàn đa ngành gồm đầu tư tài chính, đầu tư kinh doanh bất động sản…, nổi bật nhất là khoản đầu tư vào Công ty Chứng khoán VNDIRECT. Với vốn chủ sở hữu 1.646 tỷ đồng, năm 2017, IPA đạt 2.706 tỷ đồng doanh thu và 224 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng trưởng mạnh so với năm 2016.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, cổ đông IPA đã thông qua việc chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang HNX, thời điểm thực hiện trong năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có thêm thông tin mới đối với cổ phiếu này. Hiện cổ phiếu IPA giao dịch quanh mức 15.000-17.000 đồng/CP, thanh khoản thấp. Thậm chí trong 2 phiên 17-18/5, không có bất cứ giao dịch nào diễn ra ở mã chứng khoán này.

Ngoài các “ngôi sao” kể trên, sàn UPCoM còn có những DN tên tuổi khác như CTCP Viễn thông FPT (FOX), CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS), CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG)… Dù lớn về quy mô và tầm ảnh hưởng, nhưng không phải DN nào cũng hướng đến việc sẽ lên niêm yết trên các sàn cao cấp hơn. Chẳng hạn, tại MSR và MCH, kế hoạch chuyển lên sàn niêm yết chưa bao giờ được đề cập đến trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hay các báo cáo của 2 DN này.

Cũng từng ở trên sàn UPCoM, trường hợp cổ phiếu GEX lại có một diễn biến thú vị. Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX - GEX) chào sàn UPCoM vào tháng 10/2015 bởi… không muốn công bố hết các chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi có tham vọng hơn và mong muốn thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, sau gần 3 năm, tháng 1/2018, GEX chính thức hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM và chuyển niêm yết sang HOSE. Trong 3 phiên đầu tiên trên HOSE, cổ phiếu GEX liên tục chạm trần.

Câu chuyện của GEX là câu chuyện của nhiều DNlớn trên UPCoM. Nhiều DN chọn UPCoM bởi sàn giao dịch này không yêu cầu khắt khe trong việc công bố thông tin như HOSE hay HNX.

UPCoM - “Cõi tạm” hay chốn giấu mình?

Theo đánh giá của TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán dầu khí (PSI), do sàn UPCoM không có tiêu chuẩn nên đây là một nơi “vàng thau lẫn lộn”, có cả cổ phiếu tốt và xấu.

“Rất tiếc là không có công ty chứng khoán nào đánh giá các cổ phiếu trên sàn này để tư vấn cho nhà đầu tư”, ông Khánh nói.

Đối với các DN lớn trên UPCoM, ông Khánh cho biết, sở hữu quá cô đặc là một trong những lý do khiến các DN chưa đủ đáp ứng tiêu chí để có thể niêm yết. Những DN như vậy vẫn phải “ở tạm” trên UPCoM, mặc dù dòng tiền của nhà đầu tư đổ vào sàn giao dịch này cũng như vào các mã lớn tại đây còn rất nhỏ, bản thân DN khó có thể huy động được vốn mới. Lên sàn UPCoM chủ yếu để có nơi xác định thị giá cổ phiếu, hay nói cách khác là xác định vốn hóa thị trường cho DN mỗi ngày.

HNX cho biết, trong tháng 4/2018, thanh khoản trên UPCoM giảm 25% so với tháng trước đó. Toàn thị trường có 416,9 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 9.108 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 21,9 triệu cổ phiếu/phiên. Tháng này, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tổng cộng 50,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.600 tỷ đồng, trong đó giá trị mua vào đạt hơn 939 tỷ đồng, giá trị bán ra đạt hơn 1.042 tỷ đồng. Tính chung cả tháng 4, nhà đầu tư đã bán ròng 102,6 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.

Như nhiều nhà đầu tư đánh giá, thanh khoản là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc quyết định xuống tiền mua cổ phiếu. Mua được cổ phiếu giá tốt, nhưng thanh khoản thấp thì cũng khó lòng thu hồi vốn kịp thời. Trong khi trên UPCoM, ngoài việc phải “đãi cát tìm vàng” thì những cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt lại có cơ cấu cổ đông quá cô đặc, trong khi những cổ phiếu vừa và nhỏ lại ít nhận được sự "để mắt" từ các công ty chứng khoán khuyến nghị mua bán. Nhà đầu tư đại chúng dần nhận ra cơ hội mua cổ phiếu của các “ngôi sao” không dễ, nên dòng tiền chuyển hướng chủ yếu vào 2 sàn niêm yết là thực tế hiện nay.

Các DN lớn có thực sự “khoái” UPCoM và liệu trong tương lai gần, DN có chuyển sàn? Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi như vậy, nhưng thực tế, DN sẽ chọn lựa theo các mục tiêu của DN.

Chẳng hạn, tại MSR, thời điểm DN này lên UPCoM, nhiều thông tin cho rằng việc đưa MSR lên sàn giao dịch không xuất phát từ nhu cầu thực sự từ Ban lãnh đạo  MSR, mà là do thực hiện cam kết với quỹ đầu tư ngoại.

Cuối năm 2016, Masan công bố kế hoạch chào mua công khai toàn bộ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của MSR nhằm sở hữu 100% cổ phần của công ty này. Tuy kế hoạch này đến nay vẫn chưa thực hiện được, song nếu thành công, việc MSR rời khỏi sàn giao dịch là điều không quá ngạc nhiên. 

“Một số DN lớn không muốn chuyển sàn vì chưa thực sự có nhu cầu thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời trên UPCoM họ không bị buộc phải công bố nhiều thông tin. Điều này phụ thuôc vào chiến lược của ban lãnh đạo DN trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn có thể thay đổi, tương tự như trường hợp của GEX”, ông Khánh đánh giá.

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục