Nghị định 20/2017/NĐ-CP có mục đích chính chống chuyển giá, cùng với đó là giúp giảm rủi ro cho ngân hàng và để thị trường minh bạch hơn. Tuy nhiên, khoản 3, Điều 8 của Nghị định này gây khó khăn cho nhiều DN, đặc biệt những DN sử dụng nhiều vốn vay.
Ngày 24/06/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017 với một số nội dung quan trọng (xem bảng).
Theo đó, loại trừ các DN trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thuế thu nhập DN thực đóng của các DN niêm yết trên HOSE và HNX ở mức trung bình khoảng 20%. Mức chi phí lãi vay/EBITDA trung bình khoảng 16%, vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lãi vay bị khống chế không được khấu trừ thuế thu nhập DN.
Dựa trên dữ liệu 3 năm gần đây, những ngành vay nợ nhiều với tỷ lệ chi phí lãi vay/EBITDA cao trên 20% bao gồm: xây dựng và vật liệu (24.2%), ô tô và phụ tùng (23,9%) và bất động sản (20,9%).
Trong đó, ngành bất động sản sẽ không hưởng lợi nhiều. Theo thống kê của Yuanta Việt Nam, mức chi phí lãi vay/EBTDA của ngành bất động sản đang có xu hướng giảm xuống dưới 20% trong những năm gần đây. Về dài hạn, việc sửa đổi Nghị định sẽ không làm gia tăng đáng kể giá trị cho các công ty bất động sản.
Nhiều công ty bất động sản chuyển mô hình hoạt động theo hình thức tập đoàn, theo đó, công ty mẹ sở hữu các công ty con nắm giữ các dự án. Việc luân chuyển vốn giữa công ty mẹ và công ty con sẽ diễn ra theo hình thức góp vốn cổ phần hơn là cho vay, hoạt động vay vốn với ngân hàng cũng thường được thực hiện trực tiếp từ công ty con.
Đối với các công ty con thực hiện các dịch vụ đi kèm các dự án, để lách Nghị định 20, nhiều tập đoàn đã tính tới việc thuê ngoài các dịch vụ và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ. Điều này giải quyết được việc thiếu vốn ở công ty con và tránh được hạn chế của Nghị định 20.Những công ty phát triển bất động sản hoạt động theo mô hình tập đoàn sẽ được hưởng lợi. Trong nhóm các công ty bất động sản đáng chú ý có NVL và VHM là hưởng lợi đáng kể. Theo đó, Nghị định mới có khả năng sẽ làm tăng giá trị của cổ phiếu NVL là 300 đồng/cổ phiếu (0,5% trở lên) và VHM là 150 đồng/cổ phiếu (0,2% trở lên).
Ngành xây dựng và vật liệu có cơ hội hưởng lợi nhất. Mức chi phí lãi vay/EBTDA của ngành này tăng nhanh trong những năm gần đây, từ dưới 20% năm 2016 tới nay trên 26%.
Ngành ô tô và phụ tùng cũng được hưởng lợi. Đây là ngành có tỷ lệ chi phí lãi vay/EBTDA đứng thứ 2 trong các ngành.
Về tổng thể, các DN nhỏ có nhu cầu sử dụng vốn vay cao sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhất từ việc sửa đổi Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Theo đó, các DN thuộc lĩnh vực xây dựng và vật liệu; ô tô và phụ tùng; bất động sản sẽ được lợi khi nâng tỷ lệ giới hạn lãi vay được khấu trừ khi tính thuế. Với các ngành còn lại, nhìn chung tỷ lệ lãi vay/EBITDA đều dưới 20%, vẫn trong ngưỡng khấu trừ so với quy định cũ. Một số DN có chi phí lãi vay/EBITDA lớn sẽ được hưởng lợi như HBC, CII, DPG, HTI, TDC, BCC, SCI, VIT, CSM, SVC…
Nghị định sửa đổi cho phép việc hồi tố thuế cho năm 2017, 2018. Theo công bố của Bộ Tài chính sẽ có khoảng 4.875 tỷ đồng được hoàn lại hoặc khấu trừ cho DN. Yuanta ước tính, số thuế được hoàn lại hoặc khấu trừ cho các DN niêm yết trên 2 sàn vào khoảng 2.374 tỷ đồng.