Ngành thép: Ông lớn chèn ông nhỏ
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, quý I/2020, toàn ngành sản xuất được 5.728.408 tấn thép các loại, giảm 6%; sản lượng bán ra 5.034.580 tấn, giảm 12,4%; sản lượng xuất khẩu 1.024.908 tấn, giảm 21,3% so với quý I/2019.
Hiệp hội Thép dự báo, từ tháng 4 cho đến hết quý II, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép sẽ tiếp tục khó khăn, một phần do dịch Covid-19 và một phần do bước vào mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng trong năm.
Ðây là nguy cơ đáng lo ngại với hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp thép, đặc biệt năm ngoái, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó quý IV có không ít đơn vị thua lỗ.
Chẳng hạn, Thép Dana Ý (DNY) lỗ quý IV là 50 tỷ đồng, nâng tổng mức lỗ cả năm 2019 lên 313 tỷ đồng. Thép Việt Ý (VIS) ghi nhận lỗ quý IV là 78 tỷ đồng, cả năm 2019 lỗ 219 tỷ đồng. Thép Tiến Lên (TLH) lỗ 146 tỷ đồng năm 2019…
Áp lực cạnh tranh trong ngành thép ở mức cao, đặc biệt là về thị phần. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép về thị phần quý I/2020, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) có thị phần dẫn đầu, đạt 32%, tăng so với mức 25,7% của cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần của 3 công ty phía sau giảm so với cùng kỳ, nhưng thấp mức mức giảm của ngành là 12,4%. Cụ thể, thị phần của VNSteel giảm từ 16,8% xuống 16%, Pomina giảm từ 9,1% xuống 7,6%, Formosa giảm từ 8,8% xuống 6,8%; các doanh nghiệp khác có tổng thị phần giảm từ 39,6% về 37,6%.
Từ nay tới cuối năm, giới đầu tư kỳ vọng, nhóm doanh nghiệp sản xuất thép sẽ tiêu thụ được nhiều hơn, nhờ vào việc Chính phủ đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1.570 km, vốn đầu tư dự kiến 55,853 tỷ USD, nhu cầu thép là rất lớn.
Xi măng: Tốt xấu đan xen
Ðối với ngành xi măng, theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tiêu thụ nội địa trong 2 tháng đầu năm đạt 7 triệu tấn, giảm 2%; xuất khẩu clinker và xi măng đạt 4,35 triệu tấn, giảm 13%; giá xuất khẩu trung bình giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù tiêu thụ gặp khó khăn, nhưng giá than đầu vào có xu hướng giảm. Chẳng hạn, giá than nhiệt tại Úc giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá than chiếm 30% giá vốn xi măng, giá giảm mạnh như vậy sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Do ảnh hưởng đan xen giữa yếu tố tốt và xấu, kết quả kinh doanh quý I/2020 của Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) ghi nhận doanh thu 1.732,2 tỷ đồng, lợi nhuận 104,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 13,34% và 0,91% so với cùng kỳ năm 2019.
Xi măng Bỉm Sơn (BCC) chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, nhưng với tình trạng hoạt động của ngành xây dựng chậm lại trong quý đầu năm, tiêu thụ xi măng giảm, thì kết quả kinh doanh dự báo khó khởi sắc.
Trong thời gian tới, khi các dự án đầu tư công được đẩy mạnh triển khai, các doanh nghiệp xi măng sẽ có kết quả hoạt động khả quan hơn.
Ngành đá: Kết quả kinh doanh suy giảm
Ðối với ngành đá, do thị trường xây dựng chậm lại nên đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.
Báo cáo tài chính quý I/2020 của Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) cho thấy, doanh thu trong kỳ đạt 296,2 tỷ đồng, giảm 0,12%; lợi nhuận đạt 50,9 tỷ đồng, giảm 9,57% so với cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, trong quý đầu năm 2020, Ðá Núi Nhỏ (NNC) đạt doanh thu 98,3 tỷ đồng, lợi nhuận 21,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,18% và 19,36% so với cùng kỳ năm ngoái; Hoá An (DHA) đạt doanh thu 71,5 tỷ đồng, lợi nhuận 16,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,74% và 1,48%...
Một doanh nghiệp hiếm hoi có kết quả kinh doanh tăng trưởng là Ðầu tư Xây dựng 3-2 (C32), đạt doanh thu 163,4 tỷ đồng, lợi nhuận 18,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 25,7% và 154,55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới đầu tư kỳ vọng, nhu cầu đá sẽ gia tăng đột biến trong thời gian tới khi dự án đầu tư công là Sân bay Long Thành được đẩy mạnh triển khai. Ðặc biệt, các mỏ đá gần sân bay này không quá nhiều, nên các doanh nghiệp niêm yết như C32, DHA, NNC hay KSB có khả năng sẽ được tham gia cung cấp nguyên vật liệu.
Giá cổ phiếu vật liệu xây dựng bật tăng
Với triển vọng nhu cầu tiêu thụ sản xuất vật liệu xây dựng tăng đột biến, giới đầu tư đã và đang kỳ vọng vào sự hưởng lợi trực tiếp của nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, bên cạnh thông tin cổ tức sẽ được công bố sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức trong tháng 5 tới.
Giá cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng mạnh hơn thị trường chung.
Từ đầu tháng 4 đến nay, mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2020 của nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng được dự báo suy giảm, nhưng giá cổ phiếu nhóm này phản ứng trước thông tin hỗ trợ khi bật tăng, vượt qua mức giá trước khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu.
Trong khi đó, VN-Index có mức hồi phục chưa đến 50%. Có thể thấy, giới đầu tư đang kỳ vọng nhiều vào nhóm vật liệu xây dựng hơn các nhóm ngành khác trên sàn.
Chuỗi giá trị ngành xây dựng.
Tuy nhiên, do đặc thù vốn hoá thị trường của nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng thấp (trên sàn, vốn hoá lớn chủ yếu thuộc về nhóm ngân hàng, bất động sản), nên diễn biến tăng giá không có sự lan toả, mức độ tác động tích cực đến thị trường chung không nhiều.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm đá có thanh khoản thấp và triển vọng tăng trưởng phụ thuộc vào tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công cũng như triển vọng của thị trường bất động sản.