Năm 2020: Động lực cho nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng

(ĐTCK) Nếu có bước đi cụ thể nhằm khơi thông điều kiện thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để đầu tư vào Việt Nam.
(ảnh Lê Toàn) (ảnh Lê Toàn)

SSI vừa ra báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, theo đó kỳ vọng giới đầu tư toàn cầu năm 2020 có tâm lý tích cực hơn so với thời điểm bước vào đầu năm 2019, làn sóng nới lỏng tiền tệ lan rộng trong giai đoạn cuối năm 2019 của nhiều quốc gia, thỏa thuận giai đoạn 1 của chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã đẩy lùi nỗi lo kinh tế thế giới giảm tốc so với giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, bấp bênh của mối quan hệ Mỹ - Trung, tăng trưởng ảm đạm ở Nhật Bản, EU, Ấn Độ, diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, mẫu thuẫn giữa Mỹ và đồng minh EU… vẫn là rủi ro với tăng trưởng và thị trường tài chính năm 2020.

Việt Nam năm 2020 kỳ vọng hòa chung xu hướng mặt bằng lãi suất hạ trên thế giới, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ.

Tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ được giữ ở nhịp độ như năm 2019, có thể thấp hơn, mặc dù tổng tín dụng có thể tăng chậm lại nhưng tín dụng cho các ngành ưu tiên hay sản xuất kinh doanh nói chung sẽ vẫn tăng cao.

Thị trường trái phiếu dự báo, lãi suất Trái phiếu Chính phủ có thể sẽ giảm tiếp theo đà năm 2019 và nằm trong khoảng 30-50bps do lượng cung từ Kho bạc Nhà nước dự kiến tăng, tuy nhiên áp lực đán hạn Trái phiếu Chính phủ năm 2020 khoảng 128 nghìn tỷ đồng (gồm cả 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tê), cao hơn 11,6% so với năm 2019.

Đối với thị trường thứ cấp, thường tương đồng so với thị trường sơ cấp, nên năm 2020 có thể giảm nhưng mức giảm sẽ không lớn do mặt bằng lãi suất đã ở mức rất thấp, chênh lệch lợi suất Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa Việt Nam và Mỹ hiện là 1,49%/năm, thuộc vùng thấp nhất trong lịch sử.

Riêng thị trường chứng khoán năm 2020 đến với nhiều kỳ vọng. VN-Index khởi đầu năm với mức P/E 15,9 lần, thấp nhất kể từ tháng 2/2019, với mức định giá tương đối hấp dẫn và VN-Index đã đi ngang trong một thời gian dài, hiện đang có nhiều cơ hội cho TTCK trong năm.

Đối với độ trễ của chính sách, do lãi suất giảm trong năm 2019 là khá ngắn, chưa đủ để có tác động đến kinh tế và doanh nghiệp, năm 2020 khi lãi suất giảm liên tục và kéo dài, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà tâm lý thị trường sẽ được củng cố.

Hai yếu tố tăng trưởng và lãi suất ở Việt Nam sẽ hòa nhịp với xu hướng chung của thế giới, tạo nên sự khởi sắc của thị trường chứng khoán.

Về đầu tư công, sau nhiều năm chậm giải ngân, năm 2020 kỳ vọng sẽ thực hiện giải ngân quyết liệt hơn, những rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng sẽ được tháo gỡ để khơi thông dòng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ, đây sẽ là động lực cho các nhóm ngành trên thị trường như xây dựng và vật liệu xây dựng.

Bên cạnh yếu tố nội tại, Việt Nam được kỳ vọng có thể chứng kiến nhiều ETF mới mô phỏng chỉ số VN30 cũng như bộ 3 chỉ số mới của sàn HOSE. Nếu có bước đi cụ thể nhằm khơi thông điều kiện thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ phải đón nhiều thách thức từ sự bất định của căng thẳng Mỹ - Iran; Mỹ - Trung khi căng thẳng còn kéo dài, chưa thể chấm dứt được.

Khác với Iran, Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đến vị trí của Mỹ trên toàn cầu nên quan hệ giữ Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nhiều sóng gió, ở trong nước nhiều điểm yếu của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, việc Moody hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam đã bộc lộ ra một trong những điểm yếu đó.

Vũ Duy Bắc (bacduyvu@gmail.com)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục