Giảm thuế, phí, doanh nghiệp ô tô nào hưởng lợi?

(ĐTCK) Người tiêu dùng đang hồ hởi với chính sách cắt giảm 50% lệ phí trước bạ và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Về phía doanh nghiệp ô tô, chính sách mới có thực sự là “liều doping” cho sự phát triển trở lại hậu đại dịch Covid-19?
Giảm thuế, phí, doanh nghiệp ô tô nào hưởng lợi?

Mặc dù Nghị quyết 84/NQ-CP sẽ còn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn để đi vào thực tiễn, song được kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu thụ.

Những tháng đầu năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến sức tiêu thụ xe ô tô. Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 4/2020, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 11.761 xe, giảm 39% so với tháng 3 và giảm tới 44% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 4 tháng, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 36%; xe ô tô du lịch giảm 37%; xe thương mại giảm 30% và xe chuyên dụng giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 33%, xe nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 4, nhiều thương hiệu sản xuất ô tô như Toyota, Ford, VinFast… thông báo tạm dừng sản xuất xe tại Việt Nam.

Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ô tô niêm yết trên sàn chứng khoán đã phản ánh rõ thực tế này. Tại CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) có doanh thu đạt 3.146 tỷ đồng, sụt giảm tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu đi xuống cùng với chi phí không được tiết giảm tương ứng khiến Savico lỗ 27 tỷ đồng.

CTCP City Auto (CTF) cũng ghi nhận doanh thu 1.130 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận ròng chỉ đạt 456 triệu đồng.

Tương tự, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - HAX) cũng sụt giảm doanh thu 15% trong quý I, đạt 920 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3,1 tỷ đồng.

Nhìn nhận về ảnh hưởng của chính sách cắt giảm thuế, phí với mặt hàng ô tô, một lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam - Vinamotor cho rằng, Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ có ý nghĩa kích cầu đối với xe con, còn với xe tải không mang nhiều ý nghĩa.

Bởi lẽ, xe tải không phải là đối tượng phải chịu thuế thu nhập đặc biệt. Đây là dòng xe thương mại để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Còn với chính sách giảm thuế 50% phí trước bạ thì hiện nay phí trước bạ của xe tải là 2%, sau khi giảm sẽ còn 1%.

Giả sử một chiếc xe tải có giá bán khoảng 500 triệu đồng, phí trước bạ theo quy định hiện hành là 10 triệu đồng, giảm 50% sẽ còn 5 triệu đồng thì thực sự không mang nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, với xe con, việc giảm thuế trước bạ này là khá lớn. Chẳng hạn như thuế trước bạ với xe con tại TP.HCM, Hà Nội là 12%, giảm thuế còn 6%, một xe có giá bán 1 tỷ đồng thì đã giảm được 60 triệu đồng tiền thuế.    

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục