Những nấc thang đưa công ty chứng khoán Việt vươn xa

(ĐTCK) Ngày 28/11/1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập, là cột mốc đánh dấu sự ra đời của ngành chứng khoán  Việt Nam. Khối công ty chứng khoán được khai mở năm 2000, cùng thời điểm TTCK Việt Nam mở cửa. 
TTCK Việt Nam đã thu hút gần 2 vạn nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản
Trong ảnh: Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng và Chủ tịch Dream Incubator Koichi Hori ký thỏa thuận hợp tác năm 2007 TTCK Việt Nam đã thu hút gần 2 vạn nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản Trong ảnh: Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng và Chủ tịch Dream Incubator Koichi Hori ký thỏa thuận hợp tác năm 2007

Dù còn non trẻ, nhưng không ít công ty chứng khoán đã nỗ lực, bước qua ranh giới quốc gia, ghi tên mình trong các giải thưởng khu vực và quốc tế.

Những thành tựu của TTCK hôm nay có sự góp sức không nhỏ của các công ty chứng khoán - thành viên quan trọng đóng vai trò là cầu nối dẫn vốn trên thị trường, đưa các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp trong nước, từ đó, các doanh nghiệp cũng có những bước phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng vào nhịp phát triển của quốc tế.

Một trong những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh kết nối vốn và cơ hội đầu tư là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Trong các năm 2009, 2010 và 2014, SSI đã tổ chức hội thảo “Gateway to Vietnam” với mục tiêu mang tới một bức tranh lớn, đa chiều và chân thực nhất về môi trường làm việc, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam cho các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế. Nối tiếp đó, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tổ chức chuỗi “Vietnam Access Day” để nhà đầu tư nước ngoài đánh giá chính xác môi trường đầu tư, cũng như các cơ hội trên thị trường.

Thông qua các hội thảo quy mô lớn như trên, nhiều doanh nghiệp đã tìm được những nhà đầu tư ngoại phù hợp, cũng như có những mối quan hệ hữu ích trong chặng đường phát triển. Về phía đơn vị tổ chức, các công ty chứng khoán Việt đã khẳng định tầm vóc của mình khi tiếp đón hàng trăm nhà đầu tư và tổ chức quốc tế, với những phiên làm việc liên tục trong 2-3 ngày. Điều này góp phần tăng hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín của các công ty chứng khoán Việt đối với các nhà đầu quốc tế.

Trước đây, với những thương vụ lớn, đặc biệt liên quan đến việc phát hành chứng khoán trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp trong nước thường thuê những đơn vị nước ngoài tư vấn, bởi họ có lợi thế về nguồn lực tài chính, đội ngũ nhân sự, cũng như mạng lưới để đảm bảo sự thành công của các giao dịch. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đã có thể tự tin tư vấn cho các giao dịch trên thị trường quốc tế, hay cùng tham gia với các đối tác nước ngoài thực hiện giao dịch.

Những nấc thang đưa công ty chứng khoán Việt vươn xa ảnh 1

 Ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán SSI nhận giải thưởng Nhà môi giới tốt nhất Việt Nam do FinanceAsia bình chọn, tháng 9/2016.

Cụ thể, tháng 10/2016, SSI đã được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chọn là 1 trong 3 đơn vị tư vấn cho thương vụ bán 9% vốn điều lệ của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cùng với Morgan Stanley Asia Limited (Morgan Stanley, Singapore), Công ty TNHH VinaCapital Corporate Finance Việt Nam (VinaCapital). Trước đó, năm 2011, SSI cùng với Credit Suisse tư vấn phát hành thành công 90 triệu USD trái phiếu quốc tế cho CTCP Hoàng Anh Gia Lai. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia huy động thành công vốn trên thị trường vốn quốc tế.

Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) năm 2015 cũng đã tư vấn phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp cho Vingroup với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, được bảo lãnh thanh toán bởi Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF), tổ chức được Standard & Poor’s xếp hạng tín nhiệm AA trên quy mô toàn cầu.

Với những đóng góp quan trọng để đưa Việt Nam góp mặt trong bản đồ thị trường vốn khu vực và quốc tế, các công ty chứng khoán trong nước đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với những tổ chức xếp hạng, bình chọn quốc tế, thể hiện qua những giải thưởng được vinh danh.

Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2007, SSI đi đầu về số lượng giải thưởng quốc tế nhận được, như liên tiếp nhiều năm nhận giải Nhà môi giới tốt nhất Việt Nam theo bình chọn của Finance Asia, Công ty chứng khoán tốt nhất Việt Nam của AsiaMoney, Công ty có bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư tốt nhất của AsiaMoney… Theo đại diện SSI, những giải thưởng quốc tế từ trước đến nay đều do các tổ chức uy tín, độc lập đánh giá, hoặc do bên thứ ba bình chọn, dựa trên những lá phiếu khách quan và có lúc “đau tim” khi ngóng chờ kết quả.

Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), đơn vị thành viên của SSI nhiều năm liền giành giải thưởng Công ty quản lý quỹ tốt nhất Việt Nam và cũng đích danh được trao giải Tổng giám đốc của năm do các tổ chức uy tín như Asia Asset Management, The Asset, AsianInvestor trao tặng, chia sẻ: “Mỗi tổ chức thường có một bộ tiêu chí đánh giá toàn diện, dựa trên nhiều mảng hoạt động khác nhau, cũng như yếu tố quản trị doanh nghiệp. Các tổ chức này hiếm khi trao giải chỉ dựa trên một mảng hoạt động xuất sắc nào đó của doanh nghiệp. Có năm, họ cũng có thể không trao giải Công ty quản lý quỹ tốt nhất cho một công ty nào trong quốc gia được đánh giá, vì không có công ty nào vượt qua được tất cả các tiêu chí đó, chứ họ không chỉ đơn thuần lựa chọn công ty nào tốt nhất trong số các công ty đang hoạt động để vinh danh”.

Điều này cho thấy, để được lên bục nhận giải, các công ty phải nỗ lực phát triển toàn diện, ghi dấu ấn nổi bật ở cả hoạt động kinh doanh lẫn quản trị, đáp ứng các bộ tiêu chí khắt khe được đặt ra và đặc biệt, phải nhận được sự tin tưởng của khách hàng dành cho các dịch vụ, sản phẩm mà công ty đó cung cấp. Do vậy, giá trị mang lại từ những đánh giá này vô cùng lớn lao.

“Các công ty Việt Nam muốn vươn xa ra thế giới đều phải nỗ lực trong việc khẳng định bản thân mình và các giải thưởng từ các tổ chức uy tín quốc tế chính là sự công nhận cho những nỗ lực và thành tích đó. Bản thân các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế cũng sẽ dựa trên sự đánh giá khách quan của các tổ chức này, cũng như đánh giá chủ quan của họ để chọn đối tác ở Việt Nam”, bà Hằng cho biết.

Ngoài SSI, các công ty chứng khoán như CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)… cũng nhận được những giải thưởng quý giá từ các tổ chức quốc tế, nhờ việc liên tục cải thiện chất lượng các dịch vụ thông qua việc đẩy mạnh đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ nhân sự…

Tuy nhiên, các đơn vị thành viên trong lĩnh vực chứng khoán nhìn nhận về giải thưởng, bên cạnh việc thể hiện tầm vóc và tên tuổi trên thị trường quốc tế, cũng là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong tương lai, vươn xa hơn nữa.

“Các giải thưởng này là những bước đầu tiên trong việc khẳng định uy tín và chất lượng hoạt động của SSIAM, để chúng tôi có thể vươn ra khu vực và thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là phục vụ tốt cho nhu cầu của nhà đầu tư trong nước, nhưng đồng thời cũng vươn lên để có thể cạnh tranh bình đẳng với các công ty quản lý quỹ nước ngoài trong lĩnh vực thu hút vốn ngoại”, bà Hằng nói. 

Linh Phương
Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục