Thúc công ty chứng khoán Việt bước vào sân chơi khu vực

(ĐTCK) Lãnh đạo 10 Sở GDCK ASEAN cùng lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã cùng hội tụ tại Hà Nội tham dự Hội nghị CEO Sở GDCK ASEAN và chương trình ASEAN Broker Networking do Sở GDCK Hà Nội (HNX) chủ trì. Cùng với đó, HNX cũng tổ chức hội nghị thành viên CTCK, bàn các giải pháp nâng cấp thị trường, chuẩn bị bước vào sân chơi khu vực.
Lãnh đạo các Sở GDCK và nhiều CTCK trong ASEAN hội tụ tại Hà Nội ngày 7/10/2016 Lãnh đạo các Sở GDCK và nhiều CTCK trong ASEAN hội tụ tại Hà Nội ngày 7/10/2016

Hiện trạng CTCK nội

Tính đến 30/9/2016, tổng số CTCK thành viên trên thị trường niêm yết là 76 công ty, trên UPCoM là 74 công ty. Năm 2015, tổng lợi nhuận sau thuế của 76 CTCK thành viên HNX đạt 2.697 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2014. 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của 76 CTCK thành viên đạt 1.203 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), HNX và các thành viên thị trường đã có nhiều nỗ lực, chủ động triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng với tình hình diễn biến thị trường. Kết quả trên các thị trường mà HNX đang vận hành gồm thị trường trái phiếu chính phủ, cổ phiếu niêm yết và UPCoM đều tăng trưởng ấn tượng.

Bên cạnh đó, HNX cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính và UBCK hoàn thiện các văn bản pháp luật về thị trường chứng khoán. Nổi bật là Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 196/2016/TT-BTC và Thông tư sửa đổi Thông tư 234/2012/TT-BTC. HNX kỳ vọng các thành viên cùng với HNX sẽ xây dựng được chương trình hành động hiệu quả cho hoạt động thành viên, tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình vận hành TTCK, đặc biệt là thị TTCK phái sinh dự kiến sẽ được khai trương vào đầu năm 2017.

Theo ông Long, thực hiện chương trình hành động đã được thông qua tại Hội nghị thành viên năm 2015, trong năm qua, HNX đã phối hợp với các đơn vị thành viên tích cực triển khai và đến nay, các nội dung chương trình công tác đề ra đã cơ bản hoàn thành.

Theo đó, HNX đã đưa vào hoạt động chính thức phần mềm giám sát hoạt động kết nối giao dịch trực tuyến (GS-Corei5) và khuyến nghị các CTCK đăng ký tham gia sử dụng; thực hiện thử hệ thống giao dịch để hoàn thiện quy chế giao dịch mới theo quy định tại Thông tư 203/2016/TT-BTC cũng như thực hiện phân bảng UPCoM; hướng dẫn và cùng các CTCK rà soát lại toàn bộ hệ thống an ninh bảo mật và thực hiện giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn thông tin; nâng cấp hệ thống CIMS để bổ sung chức năng tiếp nhận công bố thông tin tiếng Anh từ CTCK, triển khai hệ thống tự động gửi SMS, email cho CTCK, qua đó giảm thiểu sai sót và rút ngắn thời gian thực hiện; công tác quản lý và giám sát CTCK, chất lượng trao đổi thông tin được cải thiện, thông tin thị trường thông suốt hơn… 

Chuẩn bị cho 2 mảng việc lớn của 2017

Liên quan đến kế hoạch triển khai TTCK phái sinh đối với các thành viên thị trường, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng TTCK phái sinh HNX cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, hoàn thiện sản phẩm, hạ tầng cơ sở để kết nạp thành viên vào tháng 12/2016. Năm 2016, công tác triển khai TTCK phái sinh diễn ra đúng tiến độ nhờ sự phối hợp tích cực giữa HNX, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và các CTCK thành viên. Các bước chuẩn bị cho thị trường phái sinh như dự thảo các quy chế, xây dựng hệ thống giao dịch, xây dựng hợp đồng mẫu cơ bản đã hoàn thành.

Một nội dung khác được đưa ra tại hội nghị đó là cơ chế tạo lập thị trường. Bà Mai Thị Vân Anh - Phó giám đốc Phòng Quản lý thành viên HNX chia sẻ, với mục tiêu tăng thanh khoản cho thị trường cổ phiếu, trên cơ sở Thông tư 203/2015/TT-BTC, HNX đã xây dựng phương án tổ chức cơ chế tạo lập thị trường cho thị trường cổ phiếu.

Trong đó, các CTCK là thành viên tạo lập thị trường đóng vai trò quan trọng và chủ động trong việc tăng cường thanh khoản cho thị trường. HNX dự kiến áp dụng thí điểm cơ chế tạo lập thị trường vào đầu năm 2017. Hai mảng việc lớn này cần sự hợp sức triển khai của các CTCK nội để tăng khả năng cung cấp dịch vụ và nâng tầm thị trường.

Trong xu hướng hội nhập của các nước ASEAN nói chung và các Sở GDCK ASEAN nói riêng, đại diện Sở GDCK Malaysia, bà Ong Li Lee cho rằng, các thị trường vốn ASEAN riêng lẻ là các thị trường có quy mô nhỏ, phạm vi sản phẩm và dịch vụ hạn chế, tương đối thiếu thanh khoản, chi phí giao dịch cao do khối lượng giao dịch bị phân lẻ. Theo bà, các thị trường ASEAN cần hợp tác, sánh ngang các thị trường phát triển, để thu hút nhà đầu tư và các tổ chức phát hành, xây dựng thị trường vốn ASEAN vững mạnh hơn thông qua tăng trưởng, sáng kiến, hợp tác và nắm bắt tính đa dạng của các thị trường nội khối.                 

“Công ty chứng khoán là MẮT XÍCH quan trọng  thúc đẩy hội nhập”

Thúc công ty chứng khoán Việt bước vào sân chơi khu vực ảnh 1

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK 

Trong thời gian tới, quá trình tái cấu trúc hệ thống CTCK sẽ tiếp tục được triển khai, giúp các CTCK phát triển một cách bền vững, hiệu quả hơn. Năm 2017, TTCK phái sinh sẽ đi vào hoạt động, đây là một thị trường mới nên cơ quan quản lý, các Sở GDCK, VSD cần sự chung tay của các thành viên thị trường, cũng như nhà đầu tư để thị trường này được vận hành hiệu quả, ổn định.

Bản thân các CTCK cần nỗ lực tối đa, bởi các mảng việc mới có sự thanh lọc mạnh mẽ, chỉ những CTCK đủ khỏe mới có thể tham gia. Không chỉ cạnh tranh cung cấp dịch vụ trong nước, các CTCK chính là mắt xích quan trọng thúc đẩy tiến trình hội nhập TTCK, trước hết là việc nâng hạng TTCK Việt Nam.

Hoàng anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục