Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng môi giới thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hợp đồng môi giới thương mại (môi giới mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ) là loại hợp đồng không còn xa lạ trong môi trường kinh doanh, nhưng không phải ai cũng biết đến tầm quan trọng của loại hợp đồng này, cũng như những điều khoản, nội dung cần có trong hợp đồng, đặc biệt là những bên môi giới chưa có nhiều kinh nghiệm, khiến họ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không nhận được thù lao môi giới.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Thời điểm hưởng thù lao môi giới và chi phí phát sinh liên quan đến việc môi giới

Thù lao môi giới và chi phí phát sinh liên quan đến việc môi giới là 02 khoản tiền hoàn toàn khác biệt nhau trong hoạt động môi giới thương mại. Theo quy định của Luật Thương mại 2005, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì mặc nhiên chi phí phát sinh liên quan đến việc môi giới sẽ được thanh toán cho bên môi giới, bất kể việc môi giới có thành công hay không.

Trong khi đó, thù lao môi giới lại là khoản tiền được hưởng phụ thuộc vào kết quả giao dịch môi giới (nếu các bên không có thỏa thuận khác). Cụ thể, khoản 1, Điều 153, Luật Thương mại 2005 quy định: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, quyền hưởng thù lao môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau”.

Liên quan đến vấn đề này, trong một hợp đồng môi giới quy định như sau: “Bên A (bên môi giới) sẽ nhận được thù lao môi giới nếu giao dịch môi giới thành công. Bên B (bên được môi giới) có trách nhiệm chi trả thù lao môi giới cho bên A trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày Bên B nhận được tổng giá trị của giao dịch được môi giới”.

Theo quy định của Luật Thương mại 2005, nếu các bên không có thỏa thuận về thời điểm chi trả, thì thời điểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán thù lao môi giới là khi các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau.

Nhưng với thỏa thuận trong hợp đồng môi giới như trên, đã ghi nhận nội dung khác hoàn toàn và rất bất lợi cho bên môi giới: Dù các bên được môi giới đã ký hợp đồng thành công, nhưng nếu bên được môi giới chưa nhận được toàn bộ 100% giá trị giao dịch, thì thù lao môi giới sẽ không được thanh toán. Bằng thỏa thuận này, bên môi giới đã tự hạn chế quá nhiều quyền lợi của mình; khoản tiền đáng lẽ ra phải được nhận nay lại hoàn toàn phụ thuộc vào người khác (vào việc đối tác có thanh toán đầy đủ cho bên được môi giới hay không).

Trong khi đó, theo nguyên tắc của Luật Thương mại, bên môi giới chỉ chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ.

Bởi trên thực tế có nhiều giao dịch mua bán hàng hóa mặc dù các bên đã ký hợp đồng, nhưng việc giải ngân thực hiện theo từng giai đoạn; và những thời điểm phải đình trệ, trì hoãn vì các lý do thủ tục, hồ sơ thông quan, xuất nhập khẩu, dịch bệnh,… dẫn đến kéo dài hàng tháng không phải là hiếm, thì câu chuyện thù lao của bên môi giới lại phải phụ thuộc vào việc bên được môi giới nhận được 100% giá trị hợp đồng ký kết là quá rủi ro.

Trong trường hợp nếu các bên muốn san sẻ một phần rủi ro cho nhau, thì nội dung thỏa thuận cũng cần điều chỉnh lại cho phù hợp, hướng đến điểm cân bằng lợi ích giữa các bên. Có thể tham khảo quy định theo hướng sau: (…)% thù lao môi giới được thanh toán ngay sau khi các bên được môi giới ký hợp đồng với nhau; (…)% thù lao tiếp theo thanh toán khi bên được môi giới nhận được khoản thanh toán đợt 1 từ khách hàng; (…)% thù lao tiếp theo được thanh toán khi bên được môi giới nhận được khoản thanh toán đợt 2 từ khách hàng,…

Thời hạn hợp đồng môi giới

Giả sử các bên được môi giới đã gặp gỡ nhau, trao đổi thông tin nhưng quyết định không ký kết hợp đồng. Như vậy, câu hỏi đặt ra liệu sau đó 03 tháng, 06 tháng, thậm chí 12 tháng sau các bên được môi giới lại quyết định ký kết hợp đồng với nhau, thì liệu lúc này bên môi giới có được thanh toán thù lao môi giới hay không?

Đây không phải là tình huống hiếm xảy ra, nhưng đối với những bên không có nhiều kinh nghiệm trong thiết lập hợp đồng môi giới, thì rất dễ bỏ qua tình huống này, dẫn đến những tranh cãi không đáng có.

Vì vậy, khi soạn thảo hợp đồng môi giới, các bên nên thỏa thuận một thời hạn nhất định chỉ cần bên được môi giới ký kết hợp đồng với đối tác mà bên môi giới giới thiệu, thì đây đương nhiên được coi là môi giới thành công, bên môi giới đương nhiên được hưởng thù lao môi giới.

Ngoài ra, các bên cũng có thể quy định thêm cơ chế theo hướng sau: Nếu việc ký kết hợp đồng diễn ra trong trong 12 tháng kể từ thời điểm các bên được giới thiệu cho nhau, thù lao môi giới được hưởng là (….) đồng; nếu trong thời hạn trên 12 tháng đến dưới 24 tháng, thì số tiền được hưởng sẽ còn 60%; nếu trong thời hạn từ 24 tháng đến dưới 36 tháng, thì số tiền được hưởng sẽ còn 40%,…

Tuy nhiên, khi bẵng đi một thời gian, thì việc bên được môi giới và đối tác liệu có ký kết hợp đồng với nhau hay không, không phải là thông tin mà bên môi giới có thể dễ dàng tiếp cận được. Vì vậy, nội dung hợp đồng môi giới cũng cần có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của bên được môi giới cần phải ngay lập tức thông báo cho bên môi giới biết về việc ký kết hợp đồng với đối tác được giới thiệu và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chịu phạt vi phạm nếu vi phạm quy định này.

Xây dựng, soạn thảo hợp đồng nói chung và hợp đồng môi giới thương mại nói riêng vốn là câu chuyện các bên cố gắng tìm ra điểm cân bằng lợi ích cho nhau và dự phòng được những tình huống có thể xảy ra để đưa ra thỏa thuận, giải pháp thực hiện. Vì vậy, các điều khoản trong hợp đồng cần được chú trọng quy định một cách chặt chẽ, đặc biệt là các nội dung về thời điểm hưởng thù lao môi giới và thời hạn hợp đồng môi giới.

(Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của cá nhân tác giả và không có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào).

Luật sư Tô Hồng Dung, Công ty Luật Basico

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục