Quyền khởi kiện yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của HĐQT

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)Trong mô hình công ty cổ phần, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là tập hợp các chủ sở hữu công ty, mỗi năm sẽ họp thường niên 1 lần và có thể họp bất thường trong trường hợp cần thiết.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Còn việc quản lý công ty sẽ được trao lại cho Hội đồng quản trị (“HĐQT”). HĐQT có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng các quyết định được HĐQT thông qua đều tuân thủ theo quy định pháp luật và Điều lệ công ty. Chính vì vậy, vấn đề pháp lý được đặt ra là liệu rằng Nghị quyết của HĐQT có thể bị hủy bỏ hay không nếu được thông qua trái pháp luật, trái Điều lệ công ty?

Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định về việc hủy bỏ Nghị quyết của HĐQT

Trong thực tiễn, đã xảy ra trường hợp như sau: Ông A (là cổ đông của Công ty X) và ông B có tranh chấp. Ông B cho rằng 100.000 cổ phần của ông A tại Công ty X vốn phải là của ông B. Sau đó, ông B đã gửi đơn khiếu nại đến HĐQT của Công ty, yêu cầu chuyển nhượng 100.000 cổ phần của ông A sang cho ông B.

Sau đó, HĐQT đã ra nghị quyết chấp thuận yêu cầu của ông B, ngang nhiên trích cổ tức của ông A để chi trả cho ông B cũng như đề xuất ĐHĐCĐ điều chỉnh giảm cổ phần của ông A và tương ứng cấp chứng nhận sở hữu 100.000 cổ phần cho ông B.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông A đã phải khởi kiện để yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết nêu trên của HĐQT, yêu cầu các thành viên HĐQT và Công ty X phải liên đới bồi thường thiệt hại cho ông.

Liên quan đến vấn đề này, khoản 4 Điều 149 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Trong trường hợp nghị quyết do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết nói trên được miễn trừ trách nhiệm”.

Qua đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về trách nhiệm của thành viên HĐQT nếu Nghị quyết của HĐQT được thông qua trái quy định pháp luật, Điều lệ công ty. Như vậy, để xác định được trách nhiệm của thành viên HĐQT, thì phải xác định được nghị quyết được thông qua có trái pháp luật, hoặc trái Điều lệ công ty hay không. Tuy nhiên, việc xác định này không phải là câu chuyện dễ. Bởi lẽ khi đã xảy ra tranh chấp, sẽ hiếm khi nào một bên thừa nhận rằng mình sai, vì vậy việc có bên thứ ba đứng ra xác định là rất cần thiết.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2014 không đề cập đến chủ thể có quyền xác định này. Không ghi nhận về việc khởi kiện tại các cơ quan giải quyết tranh chấp như Tòa án hoặc Trọng tài để yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của HĐQT.

Thực tiễn tố tụng và quy định mới tại Luật Doanh nghiệp 2020

Trong thực tiễn đã xảy ra nhiều tranh chấp xoay quanh vấn đề này. Một số cá nhân, tổ chức đưa ra lập luận rằng vì Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng chỉ đề cập đến việc giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ, nghị quyết của Hội đồng thành viên, mà không bao gồm nghị quyết của HĐQT, nên không thể khởi kiện trong trường hợp này.

Thực tiễn tố tụng cũng cho thấy, các thẩm phán có cách ứng xử khác nhau. Chẳng hạn, trong vụ việc nêu trên, Tòa án đã thụ lý giải quyết tuyên bố chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông A, hủy bỏ Nghị quyết HĐQT Công ty X, buộc Công ty X phải hoàn trả cho ông A toàn bộ số cổ tức đã tự ý giữ để chi trả bất hợp pháp cho ông B, cũng như tiền lãi phát sinh từ khoản tiền cổ tức của ông A bị trích giữ bất hợp pháp theo Nghị quyết của HĐQT.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp Tòa án sau khi thụ lý lại đình chỉ giải quyết vì cho rằng LDN 2014 chỉ quy định về khởi kiện hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ, khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với người quản lý công ty, không có quy định về trường hợp kiện hủy nghị quyết HĐQT.

Tuy nhiên, lập luận từ chối đó là không phù hợp với các quy định pháp luật tố tụng dân sự. Trước hết Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định rõ rằng cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền, để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Theo đó, dù không được liệt kê trong danh mục các tranh chấp, vụ việc dân sự, thương mại…., nhưng nếu cá nhân, tổ chức có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, thì đương nhiên quyền lợi của họ cần được bảo vệ. Đây là một quyền hết sức bình thường và cần phải được tôn trọng.

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01-01-2021 đã chính thức khẳng định tại khoản 4 Điều 153 đạo luật này: “Trường hợp nghị quyết, quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết, quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp này, cổ đông của công ty có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định nói trên”.

Theo đó, chủ thể được quyền khởi kiện hủy bỏ nghị quyết, quyết định của HĐQT chính là cổ đông của công ty, và không đặt ra bất cứ điều kiện nào liên quan đến tỷ lệ cổ phần tối thiểu mà các cổ đông này phải nắm giữ. Tuy nhiên, ở khía cạnh nhất định, quy định nêu trên vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như về thời hạn để khởi kiện.

Luật Doanh nghiệp 2020 không giới hạn về thời hạn cổ đông có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ Nghị quyết của HĐQT. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng 06 tháng, 1 năm sau kể từ khi Nghị quyết được ban hành và trên thực tế đã được triển khai thực hiện, cổ đông mới khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết. Khi đó, hệ quả kéo theo sẽ là rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của doanh nghiệp.

Việc Luật Doanh nghiệp 2014 ghi nhận quyền khởi kiện của cổ đông đối với các nghị quyết, quyết định của HĐQT được thông qua trái pháp luật, trái Điều lệ công ty là một điểm mới tích cực, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của cổ đông trong Công ty. Tuy nhiên, để quy định này có thể phù hợp với thực tiễn đời sống pháp lý của doanh nghiệp hơn nữa, thì việc đặt ra giới hạn về thời hiệu khởi kiện là yếu tố cần thiết để bảo đảm quy định trên vừa được áp dụng một cách hiệu quả, vừa hạn chế khả năng ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của doanh nghiệp.

Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của cá nhân tác giả và không có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào”

Luật sư Tô Hồng Dung – Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục