Vụ án đình đám nhất liên quan đến môi giới bất động sản là vụ án Lê Hồng Bàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây không phải là một “cò” môi giới nhỏ lẻ, mà là một sàn bất động sản chuyên nghiệp và có tiếng trong giai đoạn thị trường phát triển nóng 2006 - 2008.
Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam do Lê Hồng Bàng thành lập ban đầu chỉ thực hiện chức năng môi giới, bán hàng và hưởng hoa hồng. Nhưng sau đó, Lê Hồng Bàng đã bắt tay với Công ty Hoàng Hà để thực hiện dự án nhà ở thấp tầng, chung cư, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại trên lô đất 25.000 m2 tại thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (cũ), Hà Nội. Ngoài ra, Lê Hồng Bàng còn hợp tác liên doanh với một số doanh nghiệp khác để thực hiện thêm 3 dự án chung cư nhà ở kết hợp văn phòng.
Trên các bản vẽ phối cảnh, thiết kế mặt bằng tổng thể, Lê Hồng Bàng tiến hành bán các căn hộ và kết quả là chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 3 đến tháng 7/2009, có 758 hợp đồng nhận vốn góp của gần 400 khách hàng được ký kết, đem lại hơn 347 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện công ty của Bàng và các đơn vị hợp tác không có năng lực tài chính, cũng như chức năng xây dựng dự án nhà ở, chung cư kết hợp với tổ hợp văn phòng cho thuê. Cả 4 dự án trên đều do Bàng và đồng phạm “vẽ” ra.
Khi xảy ra hậu quả không thể khắc phục, sự việc của Lê Hồng Bàng mới bị vỡ lở.
Tuy nhiên, trên thực tế, cách làm như Lê Hồng Bàng là không hiểm trên thị trường bất động sản, nhất là thời bất động sản sốt nóng. Thế nhưng, chỉ cần một trục trặc nào đó xảy ra sẽ dẫn đến dự án bị “tắc” và những nhà đầu tư và cả môi giới liều lĩnh sẽ phải trả giá bằng những bản án tù, còn khách hàng sẽ bị mất tiền.
Mới tuần qua, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã đưa ra xét xử Nguyễn Mạnh Tuấn, cựu Phó tổng giám đốc của Công ty cổ phần Sàn giao dịch bất động sản ACQ. Hội đồng xét xử bị cáo này 17 năm tù giam vì hành vi cuỗm tiền đặt mua căn hộ bỏ trốn.
Thông tin từ vụ án cho thấy, sau khi được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc ACQ, Nguyễn Mạnh Tuấn đã trình kế hoạch tư vấn môi giới mua bán các căn hộ ở Dự án Khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và được Ban lãnh đạo Công ty chấp thuận.
Tuấn đã triển khai bán hàng, nhưng sau khi ký hợp đồng, nhận tiền mua căn hộ của khách, Tuấn lại không thể giao dịch được với chủ đầu tư. Khoản tiền được giao để đặt cọc với chủ đầu tư, Tuấn sử dụng chi tiêu cá nhân và khi bị Công ty đòi ráo riết, Tuấn đã bỏ trốn.
Có quá nhiều bài học tương tự như vậy và thị trường giờ vẫn tồn tại những rủi ro môi giới. Trên mạng có rất nhiều trang website đưa thông tin các dự án từ thông tin tổng quan đến thiết kế chi tiết căn hộ, bảng giá từng căn. Tuy nhiên, rất khó xác định những website đó thuộc về công ty nào, sàn bất động sản nào, có đúng là nhà phân phối của dự án đó hay không.
Thậm chí, ở một dự án phân khúc giá rẻ đắt khách vừa mở bán đợt 1 trong tháng 11 vừa qua, có môi giới đã đề nghị khách hàng “đặt cọc một khoản thiện chí” để giữ chỗ cho căn hộ trong đợt mở bàn lần 2 sắp tới.
Chẳng hạn, Sàn EZ Land vừa ký hợp đồng phân phối độc quyền Dự án VC2 Golden Heart và cho biết, thời điểm mở bán dự kiến là tháng 12 và còn chờ làm việc cụ thể với chủ đầu tư. Tuy nhiên, trên mạng, có rất nhiều website đăng tải thông tin dự án và để lại số điện thoại di động để khách mua liên hệ.
Điều này phần nào có thể lý giải, bởi nhiều sàn giao dịch bất động sản sử dụng các cộng tác viên và họ đăng tin quảng bá để bán hàng. Đầu tư Bất động sản từng liên hệ theo hotline quảng bá bán hàng của Dự án nhà ở xã hội Lucky House tại Khu đô thị Kiến Hưng, thì người nghe cho biết họ chưa mở bán và “có thể anh em lấy số của tôi đăng lên”!?
Tất cả những hiện tượng này đều để lại rủi ro mất tiền cho khách hàng và rủi ro chịu trách nhiệm dân sự/hình sự cho môi giới.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com