Những “giấc mơ” đến ngôi vị số 1

(ĐTCK) Bất cứ một DN nào có mặt trên thị trường cũng đều mang trong mình “giấc mơ” vươn tới vị trí số 1 - đó là một trong những “vẻ đẹp” của thương trường. Với ngành bảo hiểm, giấc mơ ấy dường như còn là “nỗi ám ảnh” với không ít DN…
Những “giấc mơ” đến ngôi vị số 1

Nhân thọ: cuộc đua Bảo Việt - Prudential

Bốn năm về trước, một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn từng tuyên bố sẽ trở thành công ty bảo hiểm số 1 thị trường. Nhưng đến nay, tuyên bố này vẫn chỉ là tham vọng và thực tế, “giấc mơ” đến với ngôi vị số 1 của DN này còn rất rất xa vời bởi những năm qua, thị phần cả tổng doanh thu và khai thác mới chưa nhích nổi lên vị trí thứ 4.

Với Bảo Việt nhân thọ, công ty này thời gian gần đây liên tục có những động thái tỏ rõ tham vọng chiếm lĩnh ngôi vị số 1 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam . Tất nhiên, với trường hợp Bảo Việt nhân thọ, tham vọng số 1 cũng có một số cơ sở nhất định. Năm 2012, có những tháng, doanh thu khai thác phí mới của DN này tăng trưởng cao nhất thị trường. Hai tháng đầu năm 2013, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới quy năm của Công ty tăng 20%. Bảo Việt nhân thọ tỏ ra khá tự tin với tốc độ tăng trưởng này trong những tháng tiếp theo và hy vọng việc tăng trưởng liên tục của doanh thu khai thác mới sẽ góp phần đẩy nhanh thị phần tổng doanh thu khai thác năm 2013.

“Với tốc độ tăng trưởng doanh thu khai thác mới như vậy, chúng tôi tin rằng, trong một ngày không xa sẽ giành được vị trí số 1”, đại diện DN này phát biểu.

Tất nhiên, đích đến ngôi vị số 1 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ không phải chỉ có Bảo Việt nhân thọ hay một vài DN ham muốn. Đó là giấc mơ của tất cả các DN đang có mặt trên thị trường, dù là DN lớn hay DN nhỏ. Tuy nhiên, nhìn vào thực lực thì thị trường hiện nay chỉ có Bảo Việt nhân thọ đang theo đuổi sát nút Prudential - DN đã trụ ở vị trí số 1 nhiều năm trên thị trường.

Báo cáo chuyên đề về thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2012 của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cho thấy, doanh thu phí khai thác mới của Prudential là 25,92% và Bảo Việt nhân thọ là 24,18% thị phần. Các DN còn lại như ACE Life, AIA Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, Manulife Việt Nam có thị phần từ 8% đến 13%. Về tổng doanh thu phí, Prudential chiếm 35,85% và Bảo Việt nhân thọ 27,52%. Các DN còn lại như ACE Life, AIA Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, Manulife Việt Nam có thị phần từ 6% đến 12%.

Bảo Việt nhân thọ từng là DN chi phối phần lớn thị trường bảo hiểm, nhưng khi nền kinh tế mở cửa với sự góp mặt của các “anh tài” bảo hiểm đến từ nhiều quốc gia khác nhau, thị phần của đơn vị này ngày càng bị thu hẹp. Không chỉ với ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng, việc thay đổi ngôi thứ là chuyện không lạ đối với bất kỳ lĩnh vực nào. Điều đó tạo nên sự hấp dẫn để các DN ở nhóm sau có động lực vươn lên.

Trở lại câu chuyện của ngôi vị số 1 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, nếu Bảo Việt nhân thọ tiếp tục giữ được tốc độ khai thác mới tốt như hiện nay thì rất có thể, khoảng cách về thị phần doanh thu khai thác mới và cả tổng doanh thu khai thác phí sẽ được rút ngắn hơn. Đó cũng là yếu tố để Bảo Việt nhân thọ tự tin với “giấc mơ” số 1. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm này, việc đẩy mạnh doanh thu không phải là bài toán dễ giải quyết. Bởi việc khai thác các hợp đồng mới không hề dễ, ngay cả việc bán hợp đồng cho người quen cũng không còn là cứu cánh cho đại lý/tư vấn bảo hiểm.

Tất nhiên, vẫn có thể đẩy mạnh doanh thu nếu làm bằng mọi cách. “Mỗi DN bảo hiểm có một chiến lược và cái nhìn khác nhau về sự tăng trưởng, nhưng có một thực tế là tất cả các công ty bảo hiểm đều nhận thấy có quá nhiều ‘game’ đằng sau sự tăng trưởng nóng. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế này không thể làm tất cả để có tăng trưởng”, CEO một DN bảo hiểm nhân thọ chia sẻ với ĐTCK.

Những "hơi thở: của Bảo Việt Nhân thọ cũng đang nóng hổi sau lưng

Doanh thu và thị phần không chỉ là “giấc mơ” của những DN đang đứng cận kề vị trí số 1. Những công ty khác dù ở vị trí còn khá xa, nhưng cũng không nguôi hy vọng. Thậm chí, có những DN nằm trong tốp dưới (có thị phần dưới 5%) như  Hanwha Life Việt Nam cũng từng thông báo một tin gây chú ý là sẽ đạt 10% thị phần doanh thu phí khai thác mới vào năm 2016. Đại diện Hanwha Life Việt Nam còn cho biết, Công ty rất tự tin với mục tiêu 10% thị phần khai thác mới vào năm 2016, bởi nếu nhìn vào sự tăng trưởng hàng năm của Công ty thì mục tiêu này không phải quá xa vời. Hanwha Life Việt Nam hiện đang chiếm hơn 3% thị phần doanh thu khai thác mới.

Khi nói về mục tiêu đầy tham vọng này của một DN mới vào thị trường Việt Nam như Hanwha Life, một chuyên gia trong ngành bình luận, 3 năm nữa còn có nhiều thay đổi, nhưng chắc chắn một điều, để có được thị phần này trong một thời gian ngắn như vậy, Hanwha Life Việt Nam sẽ phải có chính sách “trải thảm”, đầu tư rất lớn.

Theo các chuyên gia bảo hiểm, tùy vào chiến lược của từng tập đoàn, có thể trong giai đoạn nào đó thì họ muốn thị phần hơn hiệu quả. Nhưng chắc chắn là, với chiến lược mở rộng để có thị phần, bất cứ công ty nào cũng phải “chịu chi” và chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Thực tế, thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng đã có những công ty đi theo cách mở rộng thị phần trước và tập trung phát triển hiệu quả sau. Chiến lược này cũng dễ thành công hơn với một thị trường bảo hiểm còn mới mẻ. Còn vào thời điểm hiện nay, đi theo hướng mở rộng thị phần sẽ không hề dễ dàng, bởi nhận thức của khách hàng về bảo hiểm đã được nâng cao rất nhiều.

Bên cạnh đó, có một điều chắc chắn DN nào cũng hiểu là để đạt được thị phần (thậm chí là chỉ cần giữ vững thị phần hiện có), không có cách nào khác là cạnh tranh (trong đó chiến lược cạnh tranh không lành mạnh - đối với những DN có tham vọng quá lớn so với khả năng, cũng rất có khả năng xảy ra). Chính vì thế, thị trường bảo hiểm nhân thọ những năm gần đây không ngừng chứng kiến những cuộc cạnh tranh “điên đảo” để giành giật từ nhân sự đến đại lý. Tất nhiên, không phải DN nào muốn tăng thị phần cũng dùng đến “chiêu” này, bởi cạnh tranh tranh không lành mạnh cũng giống như con dao hai lưỡi. Vấn đề này, cả DN bị cạnh tranh và DN đi cạnh tranh (không lành mạnh) đều thấu hiểu.

Năm 2012 đã qua đi với nhiều chuyện “thị phi” bắt nguồn từ việc cạnh tranh không lành mạnh. Và đã có nhiều DN nhận thấy rằng, với tình hình kinh tế như hiện nay, vấn đề được quan tâm nhất không phải là khai thác được bao nhiêu hợp đồng, hay đẩy tốc độ tăng trưởng doanh thu, mà là duy trì được các hợp đồng đã ký. Bởi mức độ hủy hợp đồng bảo hiểm tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn luôn là “ác mộng” đối với các DN. Do vậy, phát triển hiệu quả và bền vững là chiến lược được nhiều DN bảo hiểm lựa chọn cho giai đoạn khó khăn này.

“Thị phần không chỉ là bài toán tăng trưởng doanh thu khai thác mới mà còn là vấn đề duy trì hợp đồng. Đây là vấn đề không đơn giản”, CEO một công ty bảo hiểm nói.

 

Phi nhân thọ: Sẽ có những “chú ngựa ô”

Cũng giống như khối nhân thọ, việc cạnh tranh ngôi vị của các DN khối phi nhân thọ đang diễn ra vô cùng căng thẳng. Thậm chí, “cuộc so găng” còn tiềm ẩn nhiều sóng ngầm hơn khi vị trí của tốp dưới và tốp trên không quá chênh lệch.

Hiện đứng thứ 2 thị trường phi nhân thọ với kết quả doanh thu luôn tăng trưởng không ngừng, PVI đang dần tiệm cận mục tiêu trở thành DN bảo hiểm số 1 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện PVI cho biết, khoảng cách với DN bảo hiểm đứng đầu là Bảo Việt ngày một thu hẹp dần, thậm chí có những thời điểm PVI đã vươn lên dẫn đầu thị trường như nửa đầu năm 2012 vừa qua. Và trong định hướng phát triển đến 2015, Bảo hiểm PVI phấn đấu trở thành DN bảo hiểm số 1 thị trường phi nhân thọ.

“Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc duy trì vị thế nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 thì chúng tôi đang đẩy mạnh khai thác thị trường bán lẻ”, đại diện PVI nói và cho biết thêm, mới đây, Bảo hiểm PVI đã ra mắt chi nhánh tại Huế, đây là bước bản lề cho mục tiêu mở rộng thị trường, vừa để khai thác mạnh thị trường bán lẻ, vừa đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng.

Trong khi đó, DN đang dẫn đầu thị trường suốt thời gian qua là Bảo Việt cũng cho biết, kết quả đã đạt được trong năm 2012 đã giúp DN khẳng định vị trí dẫn đầu thị trường về năng lực tài chính và mô hình kinh doanh bền vững. Trong năm 2013, Bảo hiểm Bảo Việt đặt mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu về thị phần, ở mức 24 - 25%; doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2012; lợi nhuận trước thuế đạt gần 500 tỷ đồng. Những giải pháp trọng tâm được Bảo hiểm Bảo Việt đưa ra trong năm 2013 là tập trung quản lý rủi ro kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính, thực hiện tiết giảm chi phí quản lý để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng phục vụ khách hàng cũng sẽ được thực hiện nhằm giữ vững uy tín với khách hàng.

Với PVI, để hiện thực hóa tham vọng của mình vào năm 2015, được biết công ty này đang tiếp tục nghiên cứu để thành lập mới các chi nhánh tại các địa phương có mãi lực hấp dẫn.

“Với việc giữ vững khách hàng truyền thống, cùng năng lực tài chính an toàn đã được thị trường quốc tế công nhận suốt 4 năm liên tiếp, việc tiếp tục mở cửa thị trường theo cam kết WTO vẫn là lợi thế với chúng tôi. Song song với việc phát triển thị trường bán lẻ thì ngôi vị số 1 với Bảo hiểm PVI là hoàn toàn trong tầm tay”, vị đại diện PVI tái khẳng định.

Nếu như hai “ông lớn” của khối phi nhân thọ luôn không ngại ngần bộc lộ tham vọng giữ và chiếm vị số 1, thì các DN còn lại trong Top 5 cũng cạnh tranh gay gắt không kém. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh này có vẻ âm thầm hơn. Dù đang nắm giữ vị trí thứ 3 thị trường, nhưng có vẻ như “phong độ” về thị phần của Bảo Minh trong những năm gần đây không được ổn định. Chính vì vậy, DN này đang bị Bảo hiểm PJICO bám đuổi rất sát sao. Báo cáo tại ĐHCĐ của Bảo Minh vừa qua cũng nhận định, Công ty đang ở trong giai đoạn khá căng thẳng, vì nhiều năm liền tốc độ tăng trưởng doanh thu thấp hơn so với thị trường. Thực trạng này cũng đặt ra cho Bảo Minh nhiều vấn đề cần giải quyết và buộc phải đổi mới cách nghĩ, cách làm trong những năm tiếp theo, nếu không rất có thể ngôi vị số 3 sẽ rơi vào tay PJICO. Bởi Bảo hiểm PJICO cũng được đánh giá cao trên thị trường với hệ thống hoạt động khá tốt dù hơi cồng kềnh, nếu DN này quyết tâm xốc lại hệ thống thì sẽ có bước phát triển rất mạnh.

Trong khi đó, Bảo hiểm PTI - một tên tuổi đang khá nổi trên thị trường bởi nhiều năm liền có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao và ổn định, cũng có những định hướng tiến lên vị trí thứ 4. Thị phần của PTI hiện còn cách PJICO khoảng 2%. Công ty vẫn đang đi những bước khá thận trọng, bởi “đối thủ” là PJICO cũng không phải dễ qua mặt.

Để lại dấu ấn lớn trên thị trường trong năm 2012 có lẽ là Samsung Vina. Với mức tăng trưởng 64%, Samsung Vina đã vượt qua BIC để giữ vị trí thứ 6 với doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 721 tỷ đồng, chiếm 3,2% thị phần. BIC đứng thứ 7 với doanh thu bảo hiểm gốc đạt 670 tỷ đồng, thị phần 3%.

Cũng có những đồn đoán trên thị trường rằng, mục tiêu thị phần mà Samsung Vina đang nhắm tới chính là vị trí của Bảo hiểm PTI hiện tại, vì DN này cũng có khá nhiều lợi thế về khai thác mảng bảo hiểm dự án công trình, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, đặc biệt đối với khối DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, với khoảng cách thị phần còn khá xa như hiện tại, tham vọng nếu có cũng không dễ hiện thực hóa trong thời gian ngắn.

Những “giấc mơ” đến ngôi vị số 1 ảnh 3

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, năm 2012, Top 5 thị trường về thị phần không có thay đổi so với năm 2011, dẫn đầu doanh thu khai thác bảo hiểm gốc là Bảo Việt với 5.384 tỷ đồng, chiếm 24% thị phần; tiếp theo là PVI với 4.658 tỷ đồng, chiếm 20,6% thị phần; Bảo Minh 2.294 tỷ đồng, thị phần đạt 10,4%; PJICO 1.971 tỷ đồng, thị phần đạt gần 9%; PTI 1.639 tỷ đồng, thị phần đạt hơn 7%.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục