Những đốm sáng trong bức tranh kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bản tin của Quỹ đầu tư Mekong Capital mới đây cho thấy, tất cả các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của họ đều mở rộng hoạt động kinh doanh trong quý I/2024. Nơi thì mở thêm 2-3 cửa hàng mới, nơi giới thiệu thêm sản phẩm mới, giải pháp mới tới khách hàng…
Những đốm sáng trong bức tranh kinh doanh

Tất nhiên, đây chỉ là 1 nét vẽ mảnh trong bức tranh kinh tế quý I bởi các doanh nghiệp kể trên đều là công ty tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, đồng thời còn nhiều yếu tố bất định của môi trường kinh doanh ở cả trong và ngoài nước. Nhưng nhìn một cách toàn diện, báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên năm 2024 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ mặc dù tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có giảm so với trước đó, đạt trung bình 15%.

Xa hơn, kế hoạch lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2024 đều cho thấy một kỳ vọng về mức độ tăng trưởng. Số doanh nghiệp đặt kế hoạch đi lùi rất thấp. Điều này nhen nhóm lên niềm tin rằng các doanh nghiệp đang dần vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, để từng bước phục hồi.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, bốn tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 8,5% so với cùng kỳ năm 2023, sự phục hồi này mặc dù còn chậm nhưng đã bắt đầu bền vững hơn.

Trong khi đó, chi tiêu khu vực công đã được đẩy mạnh trong giai đoạn 2022-2023 và tiếp tục tăng tốc trong năm 2024 sẽ kích thích khu vực tư nhân phục hồi theo. Bốn tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 142.800 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Với sự gia tăng đầu tư của khu vực công, cùng nhiều sắc luật quan trọng sẽ có hiệu lực trong nửa sau năm 2024 thì đầu tư khu vực tư nhân được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn trong cùng thời gian.

Cho đến thời điểm này, dù môi trường kinh doanh còn khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đều cố gắng len lỏi để tìm những khe cửa hẹp tiến về phía trước. Trong báo cáo tổng kết quý I của Phân bón Cà Mau (DCM), phần định hướng và các giải pháp quý II được nhắc đến khá nhiều. Trong đó, nổi bật là các giải pháp tăng công suất, nghiên cứu và phát triển thêm sản phẩm mới, M&A nhà máy mới, mở rộng xuất khẩu...

Doanh nghiệp kỳ vọng bên cạnh nỗ lực tự thân, tới đây sẽ có những chính sách thúc đẩy năng lực đầu tư của doanh nghiệp. Chẳng hạn, với các doanh nghiệp phân bón như DCM - vốn là đầu vào quan trọng của ngành nông nghiệp, một trong những chính sách quan trọng nhất đang được chờ đợi là kỳ họp Quốc hội dự kiến khai mạc cuối tháng 5 này sẽ bàn thảo và thông qua việc sửa đổi quy định về thuế VAT để doanh nghiệp phân bón được chịu thuế 5% thay vì 0% như hiện nay.

Nghe có vẻ rất ngược đời khi doanh nghiệp muốn tăng thuế, nhưng thực tế lại cho thấy nếu chính sách này được tháo gỡ, các doanh nghiệp có thể có thêm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để tái đầu tư...

Chuyên mục Tiêu điểm trong số báo tuần này phân tích kỹ hơn câu chuyện của nhóm ngành phân bón, tháo gỡ nút thắt chính sách cũng sẽ tạo động lực mới cho doanh nghiệp và tác động tới thị giá cổ phiếu trên sàn.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục