Những doanh nghiệp xây dựng “ngược sóng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù thị trường bất động sản “ngủ đông” trong năm 2022 khiến doanh nghiệp xây dựng đối mặt với khó khăn chồng chất, nhưng những doanh nghiệp bản lĩnh, kiên cường đã “ngược sóng” vẽ lên những gam màu sáng, tiêu biểu như một số doanh nghiệp trong mảng hạ tầng được kỳ vọng hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công như Đèo Cả (HHV), Vinaconex (VCG), Cienco4 (C4G) hay Lizen (LCG).

Bối cảnh kinh doanh khó khăn chưa có tiền lệ

Đồ họa: Ngọc Tuấn
Đồ họa: Ngọc Tuấn

Sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 với nhiều tổn thất kinh tế không thể đo đếm, hai quý gần nhất mang đến cho các doanh nghiệp xây dựng những khó khăn mới. Đó là sự “đóng băng” của tất cả các phân khúc trên thị trường bất động sản, lãi suất tăng vọt, vốn khan hiếm đẩy tình trạng nợ đọng tràn lan.

Phân tích của nhóm chuyên gia CTCK DSC cho thấy, sự tiêu cực của thị trường bất động sản khu dân cư đang kìm hãm động lực tăng trưởng, gây áp lực trích lập dự phòng nợ phải thu và tăng rủi ro hủy dự án cho các doanh nghiệp thuộc nhóm xây dựng. Nguồn vốn khó tiếp cận, lãi suất cao cũng tạo áp lực tới khả năng hoạt động của doanh nghiệp nhóm này

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, bê tông, cát, gạch, đất san nền….tăng mạnh. Trong khi, các gói thầu được ký kết trước và có độ trễ kể từ lúc ký hợp đồng cho đến lúc thi công khiến cho giá trúng thầu và chi phí thi công chênh lệch ngày càng lớn, “xói mòn” biên lợi nhuận và thậm chí gây lỗ ở một số dự án.

Không chỉ những công ty nhỏ, mà cả những cái tên đình đám của ngành xây dựng dân dụng như Hòa Bình (HBC), Hưng Thịnh Icon (HTN)... đang chịu tổn thương trong bối cảnh hiện tại, đồng thời sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Lãi suất cho vay tăng vọt trong quý IV/2022, cộng với những biến cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến bức tranh quý IV của các doanh nghiệp xây dựng đối mặt nhiều thách thức: đói vốn, nợ lương, nợ thuế, tiền mặt cạn...

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng mới đây đã có văn bản cầu cứu Thủ tướng trước vấn nạn nợ đọng. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nêu ví dụ, có doanh nghiệp vốn 800 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2022, nợ đọng tới 1.600 tỷ đồng, có tập đoàn xây dựng đạt doanh thu một quý 3.000 tỷ đồng nhưng lãi vẻn vẹn chưa đến 10 tỷ đồng.

“Ngành xây dựng ráo mồ hôi là hết tiền, lãi định mức có 4%, chưa kể biến động giá vật liệu, lãi suất cao như hiện nay thì không cách gì thoát lỗ”, ông Hiệp nhận xét thẳng thắn.

Tuy nhiên, trong bức tranh khó khăn của ngành xây dựng, giới phân tích vẫn có thể tìm được một vài điểm sáng hiếm hoi. Đó là nhóm nhà thầu có uy tín và thương hiệu, có năng lực tài chính và năng lực quản trị doanh nghiệp, công nghệ thi công hiện đại như Coteccons (CTD), Central, Delta, Ricons, Newteccons. Đặc biệt là một số doanh nghiệp trong mảng hạ tầng giao thông được kỳ vọng hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công có thể kể đến như Đèo Cả (HHV), Vinaconex (VCG), Cienco4 (C4G) hay Lizen (LCG).

Giải mã doanh nghiệp ngược sóng ngành xây dựng

Lễ khởi công cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Lễ khởi công cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước đạt 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 đạt 5.000 km. Đến hết năm 2022, Việt Nam có tổng chiều dài 1.417 km. Như vậy, cả nước sẽ phải xây dựng 1.600 km trong 3 năm và 3.600 km trong 8 năm, tốc độ hoàn thành trung bình 450-500 km/năm.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, Bộ GTVT được phân bổ 94.161 tỷ đồng, cao hơn năm 2022 và 2021 lần lượt 1,7 lần và 2,1 lần.

Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2023–2025. Hệ thống giao thông đường bộ, đường cao tốc, sân bay, cảng biển… sẽ đón nhận dòng vốn đổ vào với mức lớn nhất từ trước đến nay. Do đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Xây dựng Công trình giao thông, hạ tầng dự kiến sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn đầu tư của Chính phủ.

Đối với tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải được ủy quyền chỉ định các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm trong giai đoạn 1. Ngày 01/01/2023, 12 trong tổng số 25 gói thầu xây lắp của giai đoạn 2 đã chính thức được khởi công và chỉ định thầu cho các nhà thầu, trong đó không ngoài dự đoán của thị trường là những doanh nghiệp niêm yết mảng hạ tầng có năng lực tài chính vững vàng như VCG, C4G, HHV, LCG.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, nhiều công ty chứng khoán đặt kỳ vọng vào mã VCG của Vinaconex.

CTCK Mirrae Asset đánh giá VCG là một thương hiệu lâu đời với kinh nghiệm đã được chứng minh trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà máy công nghiệp và đã tham gia vào 5 gói thầu cao tốc giai đoạn 1.

Tổ chức này cho rằng VCG có lợi thế được lựa chọn các hợp đồng cho Giai đoạn 2.

Công ty Chứng khoán Agribank mới đây cũng nhận định VCG đã nhận được 2 gói thầu đầu tiên tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, bao gồm gói thầu 11- XL đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi và XL-02 đoạn Vân Phong – Nha Trang, kỳ vọng VCG sẽ còn tiếp tục tham gia thêm các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.

Bên cạnh mũi nhọn xây lắp, CTCK Agribank kỳ vọng VCG có thể hạch toán một phần doanh thu, lợi nhuận từ một số dự án BĐS trọng điểm trong năm 2023 gồm dự án Green Diamond tại 93 Láng Hạ và dự án Cái Giá Cát Bà kể từ cuối năm 2022 và trọng tâm trong năm 2023. Bên cạnh đó, dự án thủy điện Đăkba do Vinaconex đầu tư xây dựng với tiến độ thi công thần tốc chỉ trong 02 năm, trong khi các dự án khác là 3 – 5 năm, đã hoàn thành, phát điện ổn định trong cuối tháng 12/2022, đem lại doanh thu, lợi nhuận từ năm 2023.

Trên thực tế, Tháng 2/2023, Vinaconex ghi nhận thêm gói thầu thứ 3 của dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 là gói thầu XL01 thuộc Dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng với giá trị khoảng 1.438 tỷ đồng. Tháng 4/2023, Vinaconex ký hợp đồng Gói thầu số 03-XL Dự án Cao tốc Tuyên Quang -Hà Giang (giai đoạn I), với giá trị gần 900 tỷ đồng. Ước tính sơ bộ, tổng giá trị các gói thầu mới trúng của Vinaconex trong 4 tháng năm 2023 đạt hơn 2.600 tỷ đồng, so với mục tiêu doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng của công ty mẹ Vinaconex đặt ra cho năm 2023 theo tài liệu được công bố trước thềm Đại hội cổ đông.

Như vậy, việc thị trường đặt kỳ vọng vào VCG là dễ hiểu khi Vinaconex là 1 trong số ít nhà thầu có vốn chủ lớn đáp ứng về năng lực tài chính, đồng thời có đủ năng lực tham gia thi công các công trình trọng điểm quốc gia, đa dạng hạng mục như cầu, cao tốc, sân bay... (doanh nghiệp này cũng đang góp mặt tại Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Cung thiếu nhi Hà Nội…).

Được biết ngoài các công trình hạ tầng giao thông, Vinaconex còn tập trung nguồn lực vào những dự án có vốn đầu tư nước ngoài FDI, như Dự án lọc hóa dầu Long Sơn, Dự án Cheng Loong, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, khu công nghiệp sạch tỉnh Hưng Yên… Đây được đánh giá là một trong những điểm cộng trong chiến lược phát triển giúp Vinaconex đủ nguồn việc vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.

Những biến động gần đây của nền kinh tế trong và ngoài nước cho thấy tầm quan trọng của việc doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, lên các kịch bản dự phòng và quan trọng hơn là phải liên tục tái cấu trúc bộ máy, hoạt động để tạo lập được năng lực vững mạnh.

Về điểm này, Vinaconex được đánh giá cao với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp mạnh mẽ từ 5 năm nay, tập trung vào 3 thế mạnh cốt lõi gồm xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu như năng lượng, giáo dục, nước sạch, cảng...

Chiến lược “kiềng ba chân” giúp VCG liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương về hiệu quả kinh doanh, bất chấp những khó khăn từ bối cảnh vĩ mô. Vừa là tổng thầu, vừa là nhà thầu thi công, lại là nhà đầu tư bất động sản, có hoạt động đầu tư tài chính vào một số lĩnh vực lợi nhuận ổn định như năng lượng, giáo dục, cho thuê bất động sản.. đây là một trong những lợi thế đặc biệt của Vinaconex mà rất hiếm doanh nghiệp có được, “hệ sinh thái” khép kín giúp VCG quản trị đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm chi phí tối đa.

Năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 8.629 tỷ và 886 tỷ đồng, tăng 50,1% và 124,8% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng xây dựng tăng 70% đạt 5.992 tỷ đồng doanh thu; doanh thu mảng bất động sản đạt 609 tỷ đồng, tăng 1142%, biên lợi nhuận gộp đạt 13,1%.

Mặc dù so với tham vọng mà doanh nghiệp này đặt ra từ đầu năm là không đạt, nhưng phải nói rằng đây là kết quả đáng mơ ước của nhiều đơn vị trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm qua, Ban lãnh đạo Vinaconex có khả năng quản trị rủi ro tốt, khi ưu tiên đảm bảo an toàn vốn và phát triển bền vững cho toàn hệ thống.

Đơn cử như việc chủ động điều chỉnh phương án đầu tư một số dự án bất động sản trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều yếu tố bất lợi.

Năm 2023, trọng điểm đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ với tổng vốn cần giải ngân lên đến 700.000 tỷ đồng, sẽ là động lực cho doanh nghiệp thi công, đầu tư hạ tầng và thậm chí có thể chủ động nguyên liệu đầu vào với hệ thống các công ty con như VCG.

Bên cạnh đó, với lợi thế đang có quỹ đất gần 2.000 ha và sẽ tiếp tục gia tăng nhờ tiềm lực tài chính vững vàng, sẽ là tiền đề giúp VCG phát triển mảng bất động sản và khu công.

Linh Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ