Những doanh nghiệp thắng lớn nhờ chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động vì đại dịch Covid-19, vẫn có những doanh nghiệp vươn lên nhờ sớm chuyển đổi số.
7 tháng đầu năm 2021, TNG đạt 113 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ. 7 tháng đầu năm 2021, TNG đạt 113 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng bất chấp Covid-19

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (mã TNG) cho biết, nhờ tự động hóa nhiều khâu mà Công ty gặt hái được thành công như hôm nay. Năng suất lao động được cải thiện vượt bậc, nếu như trước đây, một công nhân đứng chạy một máy thì nay có thể điều chỉnh ba máy một lúc.

Hiện TNG đã trang bị hệ thống máy cắt tự động, máy chạy vải tự động, máy may tự động, hệ thống in tự động…

Từ tháng 7 tới nay, đơn hàng từ Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đổ dồn về TNG, nhưng chúng tôi vẫn đủ năng lực để đảm nhận nhờ hệ thống tự động hoá”

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (mã TNG)

“Từ tháng 7 tới nay, đơn hàng từ Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đổ dồn về TNG, nhưng chúng tôi vẫn đủ năng lực để đảm nhận nhờ hệ thống tự động hoá”, ông Thời tiết lộ.

Trong bối cảnh ngành dệt may nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, TNG báo cáo kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm rất tích cực, với 2.966 tỷ đồng doanh thu và 113 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng lần lượt 21,3% và 19,5% so với cùng kỳ 2020. Năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 4.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng. Với kết quả đạt được của 7 tháng qua, TNG đã hoàn thành được 62% chỉ tiêu doanh thu và 64,5% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo lãnh đạo TNG, Công ty đang phấn đấu đạt mức doanh thu 6.000 tỷ đồng.

Được biết, hiện nay có 30% doanh nghiệp trong ngành dệt may ứng dụng công nghệ tự động hoá trong từng công đoạn sản xuất. Theo tính toán, trung bình một máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao trong may mặc có thể thay thế cho 49 công nhân may thủ công.

Tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, công nghệ tự động hoá kết nối trên nền tảng Internet dần thay thế người lao động. Hệ thống thiết bị công nghệ mới được đầu tư của Việt Thắng đã thay thế cho vị trí của 800 công nhân. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động, mà còn giảm rủi ro đứt gẫy sản xuất khi thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch.

Lãnh đạo Việt Thắng Jean cho hay, nếu theo công nghệ cũ, để cho ra đời một chiếc quần jean thành phẩm mất khoảng 13 phút, còn hiện nay, với công nghệ lập trình trên máy, chỉ cần chưa tới 10 giây.

Cũng nhờ chuyển đổi số mà Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) vẫn tăng trưởng vượt trội dù phải đóng tới 90% số cửa hàng do dịch bệnh. Doanh thu thuần 7 tháng đạt 12.126 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 704 tỷ đồng, lần lượt tăng 33,9% và 41,8% so với cùng kỳ.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ chia sẻ: “Ngay khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng tôi có chương trình hành động với các chương trình online, có mục tiêu rõ ràng. Công ty có 7.000 con người, 95% cơ sở kinh doanh đóng cửa nhưng nhân viên vẫn đang làm việc. Nhiều dự án trên nền tảng trực tuyến được triển khai, công việc nhiều hơn, các group hoạt động làm việc tích cực và hiệu quả”.

Hóa giải thách thức của doanh nghiệp

Trong lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng, Tập đoàn Kangaroo cho biết vẫn đạt được tăng trưởng nhờ chuyển đổi số từ rất sớm. Văn phòng điện của Kangaroo đã ứng dụng chuyển đổi số từ 4 năm trước, áp dụng cho toàn bộ các hoạt động vận hành, kiểm soát và sản xuất trên toàn Đông Nam Á. Kangaroo cũng kinh doanh thương mại điện tử từ năm 2020.

Việc chuyển đổi số đã giúp Tập đoàn Kangaroo hoàn toàn chủ động trong các hoạt động vận hành, sản xuất và kinh doanh. Năm 2020, Kangaroo đạt mức tăng trưởng 200%. Nhờ chuyển đổi số, Công ty kiểm soát tốt hơn các dữ liệu đầu vào, đầu ra, linh kiện, tồn kho.

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaon cho rằng, trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đối mặt với ba thách thức lớn: Thứ nhất là duy trì vận hành hoạt động liên tục, hiệu quả; thứ 2 là duy trì doanh thu và thứ ba là nâng cao năng lực quản trị và năng lực tổ chức nhằm sẵn sàng đón nhận cơ hội tạo sức bật trong giai đoạn sau dịch.

Theo ông Quý, chuyển đổi số là chìa khoá giúp doanh nghiệp giải quyết 3 thách thức này. Về việc vận hành liên tục có thể áp dụng ứng dụng ký hợp đồng điện tử, đảm bảo các hợp đồng khách hàng, áp dụng các phần mềm quản trị công việc, quản trị dự án nhằm đưa toàn bộ các nhiệm vụ, công việc, dự án của công ty lên phần mềm, qua đó doanh nghiệp quản trị được kết quả, thời gian hoàn thành, chất lượng công việc, tính phối hợp và đánh giá chuẩn hiệu suất nhân viên…

Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, doanh thu sẽ có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng vì khách hàng thận trọng hơn trong việc quyết định mua. Điều này khiến doanh nghiệp cần phải chú tâm nhiều hơn vào hiệu suất kinh doanh… Nếu không áp dụng chuyển đổi số thì doanh nghiệp không quản trị được hiệu suất kinh doanh, marketting và sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Được biết, đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số như Thế giới di động (MWG), Vicostone, Gỗ An Cường, TH True Milk, Vietravel, May 10… Mới đây, Tổng công ty Đức Giang lựa chọn áp dụng hệ thống báo cáo quản trị thông minh BI theo giải pháp Tableau.

Các báo cáo được trích xuất tự động từ kho dữ liệu tập trung một cách trực quan theo thời gian thực là một công cụ đắc lực cho lãnh đạo và quản lý cấp trung trong việc phân tích dữ liệu kinh doanh để đưa ra quyết định với độ chính xác cao.

Đại dịch Covid-19 tác động lớn đến tất cả các doanh nghiệp, đến từng gia đình và nền kinh tế. Theo Tổng giám đốc Công ty công nghệ Nextpay, ông Nguyễn Hữu Tuấn, chưa biết đến khi nào dịch bệnh có thể kiểm soát và ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, cũng không thể quay lại những gì trước đây chúng ta đã có.

Tình hình đã thay đổi buộc doanh nghiệp phải thay đổi trong một tương lai hoàn toàn bất định và chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp phát triển ổn định trong tương lai bất định đó.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Novaon Nguyễn Minh Quý cho rằng, chuyển đổi số hiện đang là yếu tố mang tính sống còn của các doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp chưa triển khai thì đây là thời điểm thuận lợi để vạch rõ lộ trình hoặc tăng tốc chuyển đổi.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, đặc biệt các xu hướng Cloud, AI, Chatbot, Big Data..., các giải pháp chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp sẽ trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn với chi phí phải chăng hơn.

Novaon cho biết, Công ty đang liên tục nâng cấp và hoàn thiện hệ sinh thái nền tảng số, tăng cường xây dựng và nâng cấp các giải pháp chuyển đổi số theo các ngành; đồng thời nghiên cứu và áp dụng công nghệ cao vào các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng, đặc biệt là AI, Big Data…

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục