Nâng tầm vị thế bằng chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
Hải Dương xác định, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh.
Hải Dương xác định, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài. Hải Dương xác định, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài.

Là mục tiêu, động lực quan trọng

Ngày 26/3/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết về “Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Chương trình hành động số 02-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Nghị quyết đánh giá về xu thế và những tác động của chuyển đổi số đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; tình hình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết nêu rõ quan điểm của tỉnh Hải Dương là phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh.

Theo mục tiêu đề ra, phấn đấu đến năm 2025 đưa Hải Dương thuộc nhóm 20 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thực sự trở thành động lực quan trọng, quyết định thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng hiệu quả hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh có 80% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn cơ bản xây dựng là đô thị thông minh.

Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Kinh tế số chiếm 30% GRDP. Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 10%. Phấn đấu có trên 1.000 doanh nghiệp công nghệ số. Thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn là đô thị thông minh, mỗi huyện có ít nhất một đô thị thông minh.

“Với khát vọng 5, 10 và 30 năm tới là thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh hơn trong điều kiện nguồn tài nguyên, nguồn lực, nhân lực có hạn, thì chuyển đổi số chính là cứu cánh, động lực mới thúc đẩy phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định.

Ông Thăng cũng lưu ý, việc chuyển đổi số phải biến thành quyết tâm chính trị, nhiệm vụ ưu tiên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các địa phương, đơn vị. Trong đó, cần chú trọng thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số. Đó cũng là khẳng định tầm nhìn đột phá, chiến lược của Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số của tỉnh Hải Dương.

Nền tảng trong các hoạt động

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT từng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến “Chuyển đổi số, cơ hội và thách thức” ở Hải Dương đầu năm 2021 rằng, Hải Dương có điều kiện để triển khai chuyển đổi số một số lĩnh vực trên nền tảng phát triển là xanh - số như du lịch, nông nghiệp, y tế, phát triển doanh nghiệp số. Một công thức để chuyển đổi số tiếp theo là 3S (Smart-Small-Scale). Chuyển đổi số cần bắt đầu thông minh (Start Smart), ở quy mô nhỏ (Small) để đánh giá, khi thành công sẽ mở rộng (Scale).

“Chúng ta phải có được sự đồng lòng từ trên xuống dưới và toàn thể người dân phải xuất phát từ những động cơ, mong muốn tốt đẹp. Tôi tin rằng, chuyển đổi số thành công là rất lớn, là niềm vui và mang lại hiệu quả bởi nó khích lệ mọi người hào hứng thay đổi dựa trên sự sáng tạo”, ông Bình nói.

Thật vậy, lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp là minh chứng rất rõ nét trong việc áp dụng chuyển đổi số khá thành công của Hải Dương. Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững thông qua ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số và áp dụng các phương pháp canh tác tiêu chuẩn để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc trưng.

Hải Dương cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá trong nước và toàn cầu, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức để tiếp cận khách hàng.

Thời gian qua, Hải Dương tập trung vào tiêu thụ vải thiều Thanh Hà chính vụ (tháng 6, tháng 7). Đây là đợt vải thiều có chất lượng ngon nhất, là sản vật của xứ Đông đem tới các vùng miền trong và ngoài nước. Với cách làm năng động, dù trong đại dịch Covid-19, nhưng nông sản Hải Dương vẫn tiêu thụ tốt. Đó là lần đầu tiên vải thiều Hải Dương được bán trên 5 sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, VNSpost. Lazada, Alibaba...

Tỉnh Hải Dương cũng đã đưa Cổng thông tin đối ngoại tỉnh đi vào hoạt động. Theo ông Nguyễn Văn Nhật, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, việc đưa vào hoạt động Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh đã thể hiện nỗ lực của tỉnh trong việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, phù hợp với lộ trình phát triển chính phủ điện tử. Đây cũng chính là quá trình chuyển đổi số về thông tin, là cầu nối Hải Dương với các tỉnh, thành phố trên cả nước, với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong lĩnh vực sản xuất, phục vụ đời sống, việc thực hiện đề án chuyển đổi số của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; chất lượng dịch vụ, năng suất lao động và năng lực quản trị là một ví dụ điển hình. Đó là việc áp dụng số hóa nhanh các yêu cầu của khách hàng về cấp điện mới, các yêu cầu dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng. Số lượng yêu cầu đã tiếp nhận và đã hoàn thành tính theo tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử đạt tỷ lệ rất cao là 99%.

Hải Dương sẽ hỗ trợ 50% chi phí chứng thực chữ ký số cho doanh nghiệp mới thành lập; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của tỉnh; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Nâng tầm vị thế Hải Dương

Tỉnh Hải Dương hiện có 14.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, có khoảng 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 13/63 cả nước. Tính trung bình, Hải Dương có 47,5 doanh nghiệp/vạn dân, đứng thứ 19/63 cả nước. “Khi tiếp cận, áp dụng chuyển đổi số, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và đây sẽ là một lợi thế lớn của Hải Dương trong hoạt động phát triển kinh tế, tăng nguồn thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương nhận định.

Theo ông Diên, chuyển đổi số là chủ trương, giải pháp hữu hiệu trong xu thế phát triển kinh tế hiện nay. Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, tiếp cận nhanh trong hoạt động, nhất là khi hàng loạt hiệp định thương mại, đầu tư ký kết giữa Việt Nam và nhiều nước đã đi vào thực hiện. Những điều kiện tích cực đó sẽ giúp các doanh nghiệp có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Làn sóng chuyển dịch đầu tư đến Việt Nam tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hải Dương tham gia chuỗi cung ứng và cung cấp lao động, việc làm.

Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Chính phủ mà chính quyền tỉnh Hải Dương quyết tâm thực hiện với quan điểm xuyên suốt và bao trùm là “tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp thu nhận được những thông tin, kinh nghiệm hay tại hội nghị để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tiếp tục vượt qua khó khăn, đồng hành để góp phần tạo nên sự phát triển bứt phá của tỉnh trong những năm tới.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

"Hướng tới khát vọng đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Khi đã hiểu biết, nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số, đòi hỏi chúng ta phải xác định và thực hiện có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số nhằm cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với 4 trụ cột gồm: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Từ đó, hướng tới khát vọng đến năm 2025 Hải Dương là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương."

Thanh Sơn
Theo baochinhphu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục