Những điểm nghẽn trong mối bang giao 270 tỷ USD giữa Mỹ và Nhật

Quan hệ mật thiết giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang gặp nhiều vấn đề, do quan điểm của ông Donald Trump về thương mại, xe hơi Nhật và thao túng tiền tệ.
Ông Abe và ông Trump gặp nhau tại Trump Tower năm ngoái. Ảnh: AP Ông Abe và ông Trump gặp nhau tại Trump Tower năm ngoái. Ảnh: AP

Mỹ và Nhật Bản có tổng GDP chiếm gần một phần ba toàn cầu. Kim ngạch thương mại cả về hàng hóa và dịch vụ giữa nền kinh tế lớn thứ 1 và thứ 3 thế giới đạt gần 268 tỷ USD năm 2015.

Tuy nhiên, Mỹ đã gượng dậy sau khủng hoảng tài chính, với một nền kinh tế khỏe mạnh hơn Nhật Bản. Còn quốc gia Đông Á đã nhiều năm nay phải vật lộn với tăng trưởng yếu và giảm phát.

Dù vậy, với quan điểm về thương mại quốc tế của Tổng thống Donald Trump - người thắng là kẻ có thặng dư, và người thua bị thâm hụt - thì Tokyo đang thắng Washington.

Thặng dư hàng hóa của Nhật Bản với Mỹ năm ngoái là 69 tỷ USD. Nhật Bản hiện đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, về đóng góp thâm hụt cho Mỹ.

Việc này sẽ khiến cuộc gặp cuối tuần này giữa Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe và ông Trump có phần khó xử. Các chuyên gia tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược cho rằng ông Abe có thể "nhấn mạnh sự sâu rộng và tầm quan trọng về quan hệ kinh tế, cũng như những lợi ích họ có thể mang lại cho Mỹ".

Giới truyền thông Nhật Bản thì cho rằng ông Abe có thể sử dụng cách tương tự tỷ phú công nghệ Softbank - Masayoshi Son. Tháng 11 năm ngoái, ông này cam kết đầu tư hàng tỷ USD và tạo ra hàng nghìn việc làm tại Mỹ.

Tuy nhiên, cam kết tương tự của ông Abe cũng có thể làm dấy lên câu hỏi làm thế nào quốc gia có khối nợ lớn nhất thế giới chi trả được cho việc này, và sao họ không dùng số tiền đó cho nước mình.

Theo CNN, dưới đây là các vấn đề kinh tế chủ chốt hai bên có thể bàn bạc trong cuộc gặp tại Nhà Trắng cuối tuần này.

1. Các hiệp định thương mại

Ông Abe là người ủng hộ rất nhiệt tình Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), vì kỳ vọng nó có thể giúp hồi sinh Nhật Bản. Trong khi đó, ông Trump lại gọi đây là "một thảm họa" với nước Mỹ. Và một trong những động thái đầu tiên của ông sau khi nhậm chức là ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP, đẩy hiệp định này đến bờ vực sụp đổ. Ông cho biết mình thích có hiệp định thương mại với từng quốc gia hơn.

2. Thao túng tiền tệ

Trump đã cáo buộc Nhật Bản giao dịch buôn bán không công bằng từ thập niên 80. Ông liên tục chỉ trích việc này trong chiến dịch tranh cử. Tổng thống Mỹ thậm chí đưa Nhật Bản vào nhóm nước mà ông cho là đang "giết chết" nước Mỹ bằng cách thao túng tiền tệ của mình.

Những lời công kích này cũng chẳng hề dừng lại sau khi ông nhậm chức. "Nhìn xem Trung Quốc đang làm gì kìa. Cả Nhật Bản nữa, trong suốt những năm qua", ông tuyên bố, "Họ chơi chiêu trên thị trường tiền tệ, hạ giá nội tệ và chúng ta thì ngồi đây như những kẻ bù nhìn".

Việc này đã khiến nhiều nước khó hiểu. Từ nhiều năm nay, Nhật Bản đã không còn can thiệp vào nội tệ nữa. "Chúng tôi chẳng hiểu ông ấy đang nói cái gì", Masatsugu Asakawa - nhà ngoại giao tài chính hàng đầu Nhật Bản cho biết. Các nhà kinh tế học cũng nhận định việc Nhật Bản thao túng đồng yen rất khó xảy ra.

3. Cuộc chiến ôtô

Ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản cũng có thể là mục tiêu công kích. Ông Trump tháng trước cho biết các hãng xe Mỹ "không thể" bán sản phẩm của mình vào Nhật Bản. Ông Abe thì tuyên bố trước Quốc hội nước mình rằng: "Có lý do khiến Nhật Bản chẳng có bóng xe Mỹ nào. Đó là các hãng xe Mỹ có quảng cáo ở Nhật Bản đâu".

Ông Trump từng đe dọa hãng xe lớn nhất Nhật Bản - Toyota bằng "thuế biên giới mạnh tay" nếu họ tiếp tục kế hoạch xây nhà máy mới ở Mexico. Dù công ty này cho biết nó sẽ không khiến Mỹ mất nhân công nào.

Toyota cũng đáp lại bằng cách nhấn mạnh họ đã đổ hàng tỷ USD vào Mỹ và tạo ra hàng chục nghìn việc làm. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản - Taro Aso thì nói rằng họ "nghi ngờ liệu Tân tổng thống có hiểu Toyota đã làm ra bao nhiêu chiếc xe tại Mỹ hay không".

4. Trung Quốc

Ông Trump đã dành rất nhiều thời gian trong chiến dịch tranh cử để công kích Trung Quốc, thề mạnh tay với nước này về thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết ông Trump sẽ rất khó làm được điều này nếu không có sự hỗ trợ của các nền kinh tế lớn khác.

"Ông ấy sẽ cần Nhật Bản, các đồng minh khác của Mỹ, cùng các đối tác ở châu Á làm việc với nhau để thúc đẩy Trung Quốc thay đổi chính sách thương mại và đầu tư", Michael Fuchs và Brian Harding - hai nhà phân tích tại Center for American Progress cho biết.

Việc ông Trump nhanh chóng rút Mỹ khỏi TPP cũng không phải khởi đầu thuận lợi cho nỗ lực này. Trung Quốc thậm chí đang thúc đẩy hiệp định thương mại riêng, được đánh giá là lựa chọn khả thi nhất thay thế TPP.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục