Tổng thống Trump lại "tặng quà" cho giới đầu tư

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ đã có phiên tăng điểm ấn tượng hôm thứ Năm nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp và đặc biệt là nhờ phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập về chính sách thuế.
Tổng thống Trump lại "tặng quà" cho giới đầu tư

Sau phiên trái chiều hôm thứ Tư do ảnh hưởng hỗn hợp từ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố, phố Wall đã thực sự khởi sắc trong phiên thứ Năm với cả 3 chỉ số đều tăng mạnh để thiết lập mức cao kỷ lục mới.

Phố Wall khởi sắc trong phiên này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, sẽ đưa ra chính sách giảm thuế trong một vài tuần tới.

Ngoài ra, phố Wall còn nhận được sự hỗ trợ của các cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan vừa công bố.

Theo Thomson Reuters, khoảng 70% doanh nghiệp trong S&P 500 đã báo cáo kết quả có lợi nhuận quý IV/2016 tăng 8,5%, mức tốt nhất kể từ quý III/2014.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Dow Jones tăng 118,06 điểm (+0,59%), lên 20.172,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,20 điểm (+0,58%), lên 2.307,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 32,73 điểm (+0,58%), lên 5.715,18 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng mạnh hôm thứ Năm, lên mức cao nhất 2 tuần nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số tập đoàn lớn vừa công bố, đặc biệt là Ngân hàng Societe Generale, Tập đoàn Dầu khi Total và công ty dịch vụ viễn thông Eutelsat.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 40,68 điểm (+0,57%), lên 7.229,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 99,48 điểm (+0,86%), lên 11.642,86 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 59,64 điểm (+1,25%), lên 4.826,24 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm điểm, trả lại hết những gì đã có trong phiên trước đó do đồng yên tăng trước cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thì chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc) đều duy trì đà tăng. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông dù tăng khiêm tốn, nhưng vẫn lên mức cao nhất 4 tháng nhờ sự hỗ trợ từ cổ phiếu của các công ty đại lục khi các công ty này báo cáo kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng.

Tương tự, chứng khoán tại Trung Quốc đại lục cũng lên mức cao nhất 2 tháng nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu xi măng và kính xây dựng sau khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra tín hiệu sẽ cắt giảm năng suất dư thừa trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Nikkie 225 giảm 99,93 điểm (-0,53%), xuống 18.907,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 40,01 điểm (+0,17%), lên 23.525,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,2 điểm (+0,51%), lên 3.183,18 điểm.

Trong khi chứng khoán khởi sắc, thì giá vàng lại đảo chiều giảm mạnh trong phiên thứ Năm do áp lực chốt lời gia tăng khi giá kim loại quý này lên mức cao nhất 3 tháng trong phiên trước đó. Ngoài ra, việc đồng USD tăng duy trì đà tăng chắc cũng gây áp lực lên giá vàng. Hiện giới đầu tư đang hướng sự tập trung vào cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Kết thúc phiên 9/2, giá vàng giao ngay giảm 13,2 USD (-1,06%), xuống 1.227,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 giảm 2,5 USD (-0,20%), xuống 1.235,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 6,3 USD (-0,51%), xuống 1.236,8 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm, với mức tăng mạnh hơn phiên trước đó khi những dữ liệu mới nhất cho thấy, nhu cầu xăng dầu của Mỹ đang gia tăng. Cụ thể, kho dự trữ xăng của Mỹ tuần trước giảm 869.000 thùng, xuống 256,2 triệu thùng so với mức dự báo tăng 1,1 triệu thùng của giới phân tích.

Kết thúc phiên 9/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,66 USD/thùng (+1,26%), lên 53,00 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tăng 0,51 USD (+0,93%), lên 55,63 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục