Lấn cấn thoái vốn…
Đề nghị của ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp cao su Việt Nam về việc lui lại một số khoản thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2014-2015 diễn ra cả ngày hôm qua (18/2/2014), không phải là đề nghị đơn lẻ. Trong kiến nghị của mình gửi trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị, ông Thuận đã lý giải rằng, thị trường chứng khoán vẫn chưa ấm, thêm nữa, các dự án do Tổng công ty đầu tư vẫn đang làm ăn tốt.
“Chúng tôi thấy rằng, cần có lộ trình thoái vốn phù hợp để tránh mất tài sản của Nhà nước. Với một số dự án thuộc diện đầu tư ngoài ngành như thủy điện, nhưng trong giai đoạn đầu tư dở dang, chưa thể kết thúc trước ngày 31/12/2015, nên đề nghị Chính phủ cho phép đầu tư hoàn thiện, trước khi thực hiện thoái vốn theo quy định”, ông Thuận kiến nghị.
Cũng phải nói thêm rằng, trong số các danh mục cần thoái vốn đầu tư do đầu tư không đúng ngành nghề chính của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khá nhiều khoản đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp (DN) để thực hiện chủ trương trước đây về việc các DN sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau. Theo ông Thuận, cần có cơ chế thoái vốn từ các khoản đầu tư trên để đảm bảo hiệu quả và nhanh chóng cho các DN, cụ thể là cho phép thoái vốn theo thỏa thuận hoặc theo giá trị sổ sách.
Ngay cả Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng dù thể hiện rõ quan điểm tái cơ cấu DN nhà nước là tất yếu và phải thực hiện, song cũng đặt câu hỏi rằng, nếu DN đầu tư ngoài ngành, mà có hiệu quả thì có phải bắt buộc thoái vốn không?
Thêm một lần nữa câu chuyện về thoái vốn lại được các bộ, ngành, địa phương và các DN nhà nước đặt ra. Và cũng thêm lần nữa, những đề nghị về lui thời gian thoái vốn sau thời điểm ngày 31/12/2015 đã được Thủ tướng Chính phủ xác định trước. Thực tế, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, đây cũng là phần việc chưa làm được nhiều trong năm 2013. Ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị rằng, việc rút vốn, thoái vốn rất khó khăn, trong tổng số 4.164 tỷ đồng đã thoái, chỉ có 267 tỷ đồng bán ra bên ngoài, còn lại 3.894 tỷ đồng là trong nội bộ.
… và đề nghị đẩy nhanh
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà lại đề nghị cho phép bổ sung một số DN công ích (không thuộc diện cổ phần hóa trong giai đoạn 2014-2015) thực hiện sớm việc cổ phần hóa (CPH).
“UBND TP.HCM khuyến khích các DN thực hiện CPH sớm hơn kế hoạch, nhất là với các DN công ích trong lĩnh vực vệ sinh môi trường ở các quận, huyện, vì thực tế, để các DN ngoài Nhà nước thực hiện việc này tốt hơn”, ông Hà phân tích và đề nghị loại các DN công ích trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị ra khỏi danh mục DN mà Nhà nước nắm giữ từ hơn 50% cổ phần đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo, lấy ý kiến lần cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Có lẽ, TP.HCM là địa phương hiểu hơn ai hết tình trạng hoạt động của các DN công ích, sau khi vụ việc trả lương tiền tỷ cho giám đốc một số DN nhà nước trong lĩnh vực thoát nước đô thị, chiếu sáng công cộng, công viên cây xanh… vỡ lở, buộc UBND TP.HCM ra quyết định kiểm tra, rà soát toàn bộ các DN nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công ích và kinh doanh của Thành phố.
Mặc dù kết quả kiểm tra chưa được báo cáo do cần phải có những xem xét thận trọng, nhưng ông Hà cũng cho biết, lý do sai phạm chủ yếu của các DN công ích là sử dụng sai lao động và lợi dụng định mức lao động không còn phù hợp để kiếm lợi.
“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách DN không thực hiện CPH. Có nghĩa là, CPH là đương nhiên, còn DN nào muốn không CPH, thì phải chứng minh lý do và phải xin. Tôi cho rằng, cách đó sẽ đẩy nhanh tiến trình này hơn”, ông Hà đề nghị.
Trách nhiệm người đứng đầu
Bức tranh DN nhà nước sau khi phân loại theo tiêu chí và danh mục phân loại DN nhà nước đang được dự thảo để thay thế Quyết định 14/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này có thay đổi khá nhiều so với hiện tại.
Trong tổng số 1.300 DN 100% vốn nhà nước hiện tại, thì Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn tại 485 DN (chiếm 36,4%). Đây là các DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu, liên quan đến quốc phòng, an ninh; sản xuất cung ứng vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất độc hại, truyền tải hệ thống điện quốc gia… và các DN nắm bắt bí quyết trong các tập đoàn, tổng công ty.
Sẽ có khoảng 324 DN nhà nước nắm cổ phần chi phối (trong đó, 69 DN nhà nước nắm trên 75% số cổ phần, 71 DN nhà nước nắm từ 65% số cổ phần, 184 DN nhà nước nắm trên 50% số cổ phần). Toàn bộ 524 DN còn lại sẽ thực hiện CPH mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những khó khăn trong việc thực hiện CPH và tái cơ cấu DN nhà nước trong 2 năm qua có thể thấy, không dễ để hoàn tất kế hoạch này, nhất là khối lượng công việc sẽ tăng lên nhiều, tạo sức ép lớn đối với các cấp điều hành, từ Trung ương tới địa phương.
Thậm chí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cho rằng, điều kiện tiên quyết để thực hiện là sự quyết tâm và thống nhất từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo đúng tiến độ các phương án tái cơ cấu DN nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.