Những cổ phiếu khối ngoại mua ròng khi thị trường giảm điểm

(ĐTCK) Bất chấp VN-Index sụt giảm và xu hướng bán ròng trên thị trường chung, vẫn có những cổ phiếu được khối ngoại mải miết mua ròng trong tháng 5/2018.
Những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt vẫn thu hút sự quan tâm của khối ngoại trong giai đoạn điều chỉnh mạnh của TTCK Những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt vẫn thu hút sự quan tâm của khối ngoại trong giai đoạn điều chỉnh mạnh của TTCK

Tháng 5, bán ròng chiếm ưu thế

Thống kê giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong tháng 5/2018 cho thấy, mặc dù khối ngoại đã mua vào đến 22.898,8 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, tuy nhiên tập trung chủ yếu vào một số giao dịch lớn, trong khi động thái bán ra vẫn áp đảo.

Trải qua 22 phiên giao dịch của tháng 5, ngoại trừ 2 phiên mua ròng là phiên 10/5, khi Kyoei Steel (Nhật Bản) mua ròng 33,2 triệu cổ phiếu VIS của CTCP Thép Việt Ý, trị giá 1.146 tỷ đồng và phiên 18/5 khi hàng loạt tổ chức nước ngoài mua ròng 248,8 triệu cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes qua giao dịch thỏa thuận với giá trị 28.548 tỷ đồng, có đến 20 phiên giao dịch nhà đầu tư ngoại bán ròng trên sàn HOSE. Loại trừ hai giao dịch đột biến tại VHM và VIS, giá trị bán ròng thực tế lên đến 6.795 tỷ đồng.

Với giá trị bán chiếm 25 - 30% giao dịch của thị trường mỗi phiên, chủ yếu qua giao dịch khớp lệnh và tập trung vào những cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VRE, VJC, VNM, HDB…, áp lực của khối ngoại trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến VN-Index có đợt sụt giảm mạnh nhất nhiều năm trở lại đây. Lúc rơi sâu nhất, chỉ số đã giảm đến 22,6% so với mức đỉnh đầu tháng 4/2018.

Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng bán ròng của thị trường, cùng với VHM và VIS, vẫn có những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mải miết mua vào trong tháng thị trường giảm điểm vừa qua.

Nhóm bán lẻ: FRT được mua ròng 255 tỷ đồng

Mới niêm yết từ 26/4/2018, FRT của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT là một trong những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong tháng 5 với 255 tỷ đồng, tương đương 1,7 triệu đơn vị. Giá trị mua ròng tại FRT trên sàn niêm yết chỉ xếp sau VHM và VIS.

Tính đến hết phiên 31/5, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại FRT đã lên đến 46%. Với lượng mua thường chiếm 80 - 90% khối lượng giao dịch, có phiên lên đến 98%, lực cầu khối ngoại là nguyên nhân giúp FRT chỉ giảm 4,2% trong tháng 5/2018, bất chấp áp lực giảm điểm từ thị trường chung.

FRT hiện là một trong hai nhà bán lẻ thiết bị di động lớn nhất cả nước với 500 cửa hàng mang thương hiệu FPT Shop và FStudio tính đến hết tháng 4/2018. Cùng với mạng lưới mở rộng, doanh thu, lợi nhuận cũng liên tục tăng trưởng. Từ chỗ thua lỗ trong năm 2012 - 2013, năm 2014, lợi nhuận trước thuế của FRT đã đạt 41 tỷ đồng, năm 2016 đạt 259 tỷ đồng và năm 2017 tăng lên 363 tỷ đồng.

Năm 2018, FRT đặt mục tiêu doanh thu 16.020 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 471 tỷ đồng, tăng 21,9% và 29,8% so với mức thực hiện năm 2017. Trong quý I/2018, các kết quả kinh doanh đều tăng trưởng hai con số, hoàn thành 25,2% kế hoạch doanh thu và 16,9% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch kinh doanh năm 2018 của FRT là bên cạnh việc tiếp tục phát triển mảng bán lẻ thiết bị di động, Công ty lấn sân vào mảng bán lẻ dược phẩm, khởi đầu bằng việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu (TP.HCM). FRT đặt mục tiêu sẽ mở mới 20 hiệu thuốc trong năm 2018 và hướng đến 380 hiệu thuốc vào năm 2021.

Bước đi này được kỳ vọng sẽ đem lại động lực tăng trưởng mới cho FRT trong bối cảnh mảng thiết bị di động tăng trưởng chậm lại và có xu hướng bão hòa. Trong khi đó, thị trường dược phẩm Việt Nam đang có quy mô khoảng 5,2 tỷ USD (năm 2017 - Theo BMI Research) được đánh giá còn nhiều tiềm năng và FRT sẽ tăng hiệu quả thông qua áp dụng kinh nghiệm và công nghệ kỹ thuật vào quản lý, bán hàng.

Báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, mặc dù hoạt động bán lẻ hàng công nghệ thông tin khó có thể duy trì mức tăng như trong 4 năm qua, nhưng các chiến lược chủ động và đa dạng sẽ giúp FRT duy trì tăng trưởng, thành công của mảng dược phẩm sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng lợi nhuận của FRT trong dài hạn.

Vị thế đầu ngành, triển vọng tăng trưởng tích cực được đánh giá là nguyên nhân khiến FRT có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư ngoại. Tháng 8/2017, FRT cũng đã đón nhận hai cổ đông nước ngoài là các quỹ thuộc Dragon Capital và VinaCapital khi mua khoảng 35% cổ phần từ FPT thoái vốn.

Cùng với FRT, cổ phiếu của CTCP FPT, cổ đông đang nắm 47% vốn tại FRT cũng được khối ngoại mua ròng khá mạnh trong tháng 5 với hơn 1,3 triệu cổ phiếu, trị giá 79 tỷ đồng.

Khác với FRT được mua khớp lệnh trên sàn, lượng mua của FPT lại qua giao dịch thỏa thuận sau khi niêm yết thêm 2,6 triệu cổ phiếu phát hành cho người lao động (ESOP) dẫn đến hở “room” khối ngoại.

Những năm qua, FPT cũng luôn trong tình trạng kín room, gần như toàn bộ giao dịch bán của các tổ chức ngoại đều là giao dịch nội khối. Việc hở room chỉ đến từ niêm yết cổ phiếu phát hành ESOP và cũng được mua thỏa thuận nhanh chóng, hầu như không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường.

Nhóm chứng khoán: Mua ròng VCI và HCM

Bất chấp việc thị trường giảm mạnh cả về điểm số và thanh khoản khiến lợi nhuận của nhóm công ty chứng khoán dự báo bị ảnh hưởng nặng trong quý II/2018 do các mảng kinh doanh chính như môi giới, ký quỹ, tự doanh phụ thuộc lớn vào biến động thị trường, cổ phiếu VCI của CTCP Chứng khoán Bản Việt và HCM của CTCP Chứng khoán TP.HCM vẫn được khối ngoại mua ròng lần lượt 123,8 tỷ đồng và 91,5 tỷ đồng trong tháng 5/2018.

VCI và HCM có khá nhiều điểm chung. Cụ thể, HCM và VCI hiện đều là những công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần môi giới, chứng chỉ quỹ trên thị trường. Quý I/2018, trong khi HCM đứng thứ hai thị phần tại HOSE với 12,15% thì VCI đứng thứ 3 với 8,75%. Trên sàn HNX, thị phần của HCM đứng thứ 3 và VCI đứng thứ 6.

HCM và VCI đều báo lãi ấn tượng trong quý I/2018 nhờ thị trường thuận lợi. Báo cáo tài chính của HCM cho biết, doanh thu hoạt động trong quý I/2018 đã tăng 285% so với cùng kỳ 2017, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 251%. Với VCI, lợi nhuận trước thuế quý I/2018 tăng 200% so với cùng kỳ.

HCM và VCI hiện đã thông qua việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi HCM đã hoàn tất mở room lên 100% trong tháng 4/2017 thì tại đại hội đồng cổ đông 2018, cổ đông VCI cũng đồng thuận mở room lên 100%. Đến cuối tháng 5/2018, trong khi khối ngoại đang sở hữu 58,7% tại HCM và tại VCI là khoảng 40,4%.

Dù vừa trải qua đợt giảm mạnh, hầu hết các chuyên gia đều nhận định, thị trường chứng khoán vẫn đang có triển vọng tích cực và sẽ sớm hồi phục sau khi thị giá nhiều cổ phiếu giảm về vùng hấp dẫn trong bối cảnh vĩ mô, môi trường kinh doanh còn nhiều thuận lợi.

Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, lên sàn của nhiều doanh nghiệp lớn trong những tháng còn lại của năm 2018 sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ để các công ty chứng khoán, đặc biệt là nhóm đầu ngành như HCM và VCI khai thác.

Nhóm bất động sản: Mua ròng DXG, VCG 166,8 và 71,3 tỷ đồng

Trái ngược với xu hướng bán ròng mạnh tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như VIC, VRE, KBC và NVL…, cổ phiếu DXG của CTCP Địa ốc Đất Xanh lại được khối ngoại mua ròng khá tích cực trong tháng 5/2018 với 5,1 triệu đơn vị, trị giá 166,8 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm 2018, DXG cũng nằm trong nhóm được khối ngoại mua ròng nhiều nhất thị trường với 1.176 tỷ đồng (37,3 triệu cổ phiếu), trở thành động lực giúp giá cổ phiếu tăng khoảng 67% so với cuối năm 2017. Trong tháng 5/2018, thị giá DXG tăng 5,6% dù thị trường chung giảm điểm.

Sau năm 2017 thuận lợi với doanh thu tăng 14,7%, lợi nhuận trước thuế tăng 62,6% so với năm 2016, bối cảnh thị trường bất động sản thuận lợi, giao dịch, giá bán tăng giúp DXG tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2018.

Tại Đại hội đồng cổ đông tháng 3/2018, Ban lãnh đạo DXG đã đặt kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.068 tỷ đồng, tăng lần lượt 74% và 42% so với năm 2017, với động lực đến từ cả ba mảng phát triển dự án, môi giới bất động sản và xây dựng. Kết quả quý I/2018 cũng khá tích cực khi doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đều tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2017.

Cùng với DXG, cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng (Vinaconex) cũng được khối ngoại mua ròng đáng kể trong tháng 5 với 4,03 triệu đơn vị, tương đương 71,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại tại VCG có xu hướng không ổn định, sau khi mua ròng 22,6 tỷ đồng và 61,2 tỷ đồng trong tháng 1 và tháng 2, nhà đầu tư ngoại đã chuyển trạng thái bán ròng trong tháng 3 - 4 và mới quay trở lại mua ròng trong tháng 5.

Trong quý I/2018, báo cáo tài chính của VCG cho biết, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đã lần lượt giảm 13,6% và 40,9% so với cùng kỳ 2017. Tại Đại hội đồng cổ đông 2018, VCG khá thận trọng khi lên kế hoạch 2018 với doanh thu tương đương mức thực hiện 2017, lợi nhuận dự kiến giảm 54,1% do không còn khoản thu nhập đột biến từ thoái vốn.

Tại VCG, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất với 57,7% cổ phần, đã thông báo bán 21,8% vốn trong tháng 12/2017 nhưng chỉ thực hiện được 0,08%. SCIC dự kiến sẽ tiếp tục thoái vốn tại VCG trong năm 2018, tuy nhiên, thông tin chi tiết hiện vẫn chưa được công bố.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục