Bỏ ra hàng tỷ đồng để mua chung cư với mong muốn được hưởng đủ tiện ích chất lượng, được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng, thế nhưng, có không ít người đã phải khóc ròng chỉ sau một thời gian chuyển về ở. Nguyên nhân bởi hàng xóm đã làm ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của họ.
Đơn cử như câu chuyện của anh Tuấn, một cư dân tại tòa nhà chung cư T.D.H ở quận 9. Hai vợ chồng anh từ quê lên Sài Gòn lập nghiệp rồi cưới nhau, sau một thời gian dài dành dụm, chắt chiu thì cũng đủ tiền mua được 1 căn hộ gần 60 m2. Nhưng khi chuyển đến ở thì có quá nhiều điều khiến hai vợ chồng phải đau đầu.
Theo anh Tuấn, chung cư cao đến 14 tầng, có hai giếng trời lớn và nhỏ xây dựng để thông gió điều hòa không khí cho tất cả các tầng. Các cửa sổ căn hộ ở các tầng đều mở thẳng ra giếng trời. Nhưng từ ngày dọn về đây ở đã được hơn 5 năm, việc nhiều cư dân vô tư vứt rác xuống giếng trời diễn ra đều đặn như cơm bữa.
“Chung cư này cũng như nhiều chung cư khác, có một hệ thống gom rác bằng ống ngầm nằm phía đối diện cầu thang lên xuống. Bên dưới, mỗi ngày có người thu gom rác rồi mang đi xử lý. Vị trí ống gom rác chỉ cách cửa căn hộ vài bước chân, nhưng dường như những người sống ở các tầng trên muốn tiết kiệm thời gian, cứ vô tư quăng thẳng rác từ cửa sổ xuống giếng trời. Điều này làm cho những người sống ở tầng dưới như nhà tôi lãnh đủ”, anh Tuấn nói.
Tương tự, chị Đoàn Thị Ngọc, một cư dân hiện đang sinh sống tại quận 2 chia sẻ, thời gian gần đây, không đêm nào chị có thể ngủ ngon giấc bởi tiếng ồn từ nhà hàng xóm. Ông già phòng cạnh bên vừa sắm chiếc loa thùng, suốt ngày bật nhạc công suất lớn để ra oai. Nghe ban ngày chưa đã, ban đêm ông còn bật nhạc xập xình như kiểu "tra tấn" người khác. Dù bảo vệ tòa nhà đã nhắc nhở nhưng xong đâu lại vào đấy, vì ông ta cứ cãi cùn rằng: nhà tôi thì tôi thích làm gì chả được.
Chưa hết, thậm chí nhiều người còn tức nhau vì cái thái độ chẳng giống ai. Có những hôm, chị vội vã lướt qua nhà hàng xóm mà quên không chào hỏi thì hôm sau đã bị đưa lên facebook với tiếng là kênh kiệu, vô văn hóa, khinh người...
“Gặp không chào hỏi thì cứ bảo là vô văn hóa, còn chào hỏi thì cũng có biết ai đâu. Nên giờ, bài học xương máu của tôi là gặp hàng xóm ở cùng khu chung cư thì mình cứ cười rồi mau miệng chào hỏi một tiếng cho lễ phép”, chị Ngọc chia sẻ.
Tương tự, chị Trần Thị Thanh, chủ nhân một căn hộ trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, cho biết, trước khi quyết định dọn về khu chung cư sống, chị không ngờ lại có nhiều chuyện phức tạp như thế. Đơn giản như việc cái thang máy, chuyện vệ sinh rác thải cho đến chuyện tiếng ồn cũng trở thành nguyên nhân châm ngòi cho những ‘cuộc chiến không hồi kết’. Nhưng sống chung với lũ thành quen, giờ chị đã biết hạn chế những mâu thuẫn không đáng có.
“Sống giữa một tập thể không phải là chuyện dễ, nhất là những người hàng xóm có khi cả đời không biết mặt, nhớ tên. Người ta thường bảo, làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau hay bán anh em xa mua láng giềng gần nhưng giờ dường như câu thành ngữ ấy không còn hợp lẽ. Bởi việc tạo dựng một mối quan hệ gắn kết với hàng xóm thật là chuyện không hề dễ”, chị Thanh chia sẻ.
Theo chị Thanh, hàng xóm ở chung cư chỉ là gần nhà chứ khó gần tình, không có tính kết nối. Cuộc sống chung đụng luôn xảy ra nhiều bất cập khó lường, bởi tính cách, nghề nghiệp, trình độ… cũng quy định ít nhiều đến hành vi ứng xử. Họ cũng đã quá quen với kiểu cửa đóng then cài suốt ngày hay đèn nhà ai người ấy rạng.
“Có nhiều gia đình ở cạnh sát nhau hàng năm trời nhưng có khi chưa bao giờ biết mặt nhau. Lúc gặp nhau ngoài đường thì ú ớ, ngờ ngợ như gặp ở đâu. Rồi chuyện của nhà ai người ấy biết, thậm chí gặp nhau cũng không buồn chào hỏi vì sợ quen thân sau lại nhờ vả, xin xỏ gì đó”, cư dân này nói.
Cũng theo cư dân này, kinh nghiệm xương máu của những người đã từng ở tập thể như chị là sống trong một môi trường phức tạp như chung cư thì tốt nhất là mình nên chọn cách sống khéo léo. Đừng va chạm hay để cái tôi cá nhân của mình quá lớn, nên dung hòa với mọi người xung quanh.
Ở chung cư, mọi người phải chủ động tạo sự thân thiện bằng cách bắt chuyện và hỏi han với những căn hộ xung quanh. Đồng thời, ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, có thể vì lợi ích chung mà bỏ qua những quyền lợi cá nhân, cố gắng xây dựng mô hình theo cụm, nhóm, dãy nhà để tạo tính kết nối.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com