Những cây cầu bên dòng chảy xiết của chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán sôi động đã tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp huy động thêm vốn để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) cũng nở rộ.
Quan hệ nhà đầu tư (IR) tốt gắn với việc doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin tốt. Quan hệ nhà đầu tư (IR) tốt gắn với việc doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin tốt.

Toan tính ngắn hạn

Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán cho biết, bộ phận của ông đang hoàn thiện 10 hồ sơ xin phát hành thêm của các doanh nghiệp niêm yết. Phần lớn doanh nghiệp có mục đích gọi vốn từ công chúng nên đều cần một chương trình IR đi kèm với các đợt phát hành.

Quả thực, với đa số doanh nghiệp mà nhóm tư vấn đang thực hiện hồ sơ phát hành, tìm kiếm trên google cho kết quả rất ít thông tin; chiến lược, tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp càng vắng bóng; lãnh đạo doanh nghiệp, thế mạnh, điểm yếu, dư địa phát triển không được đề cập.

Thiếu thông tin như vậy rất khó để nhà đầu tư tin tưởng, chứ chưa nói đến có cơ sở để đưa ra được mức định giá hợp lý, từ đó xem xét cơ hội rót vốn đầu tư.

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp chỉ đầu tư cho hoạt động IR trong thời gian chuẩn bị phát hành, tức là tầm nhìn rất ngắn hạn, phục vụ toan tính trước mắt. Phần lớn thông tin được đưa ra sau đó là các thông tin tích cực, nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu, tạo thuận lợi cho đợt phát hành, còn những hoạt động IR bài bản hầu như rất ít doanh nghiệp duy trì.

Tất nhiên, trong từng giai đoạn, IR của doanh nghiệp sẽ nhắm tới các mục tiêu khác nhau.

Chẳng hạn, có thời điểm doanh nghiệp cần tăng tính đại chúng để nhà đầu tư, công ty chứng khoán biết tới; có doanh nghiệp cần hướng tới nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp cần truyền thông khi muốn huy động vốn.

IR là hoạt động xây dựng niềm tin, kiểu làm đối phó, ngắn hạn sẽ khó thu được kết quả tích cực và đạt được niềm tin trong cộng đồng nhà đầu tư.

Nhưng IR cần được thực hiện như một quá trình xuyên suốt, dài hạn, bởi theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta, IR là hoạt động xây dựng niềm tin, không thể làm trong ngày một ngày hai mà đạt được kết quả.

Đặc biệt, kiểu làm đối phó, ngắn hạn sẽ khó thu được kết quả tích cực và đạt được niềm tin trong cộng đồng nhà đầu tư.

Doanh nghiệp nên tổ chức bộ phận IR chuyên biệt, không nên đánh đồng hoạt động IR và quan hệ công chúng (PR), tiếp thị (marketing), dù ở nhiều hoạt động có sự giao thoa và phối kết hợp của những bộ phận này.

Cầu nối thông tin

Thực tế, IR tốt gắn với việc doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin tốt. Số liệu khảo sát của Vietstock về chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết cho thấy, hoạt động chủ yếu mang tính tuân thủ này đang được nhận thức và thực hiện tốt.

Phần lớn kết quả có được là do doanh nghiệp bị “cây gậy” từ cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, nếu vi phạm rất dễ bị phạt tiền và phải khắc phục hậu quả ngay.

Nếu như năm 2011, toàn thị trường chứng khoán chỉ có 3% số lượng doanh nghiệp đáp ứng được quy định, thì đến năm 2020 đã lên hơn 45%.

Bên cạnh đó, website của nhiều doanh nghiệp niêm yết như Bamboo Capital, TNG, Nam Long, Đạm Cà Mau, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Hòa Phát, SSI… được chăm chút, thể hiện tính chuyên nghiệp, đăng tải và cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Các cuộc họp định kỳ với nhà đầu tư được không ít doanh nghiệp lớn như FPT, Techcombank, Hòa Phát, Vĩnh Hoàn tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Công ty. Một số doanh nghiệp trước đây khá thờ ơ với hoạt động này, nhưng nay đã bắt đầu thực hiện, ví dụ Dabaco, VietinBank…

Có doanh nghiệp chọn cách gửi thư cho nhà đầu tư, tổng hợp các thông tin trong quý, phân tích các con số nổi bật về kết quả kinh doanh như Lộc Trời, Vĩnh Hoàn, Thế giới Di động.

Cũng có doanh nghiệp tổ chức các buổi tham quan nhà máy, cơ sở kinh doanh, dự án đầu tư như TNG, Tài chính Hoàng Huy, Hòa Phát…

Những hoạt động nói trên đã trở thành cầu nối đưa thông tin của doanh nghiệp đến gần hơn, sát thực hơn với cộng đồng nhà đầu tư, kết hợp với kết quả kinh doanh tích cực, đã phản ánh vào giá cổ phiếu trên sàn.

Lấy ví dụ tại FPT, trước đây, dù thông tin về việc ký kết các hợp đồng, dự án được đưa thường xuyên trên mặt báo, nhưng các nhà đầu tư vẫn tỏ ra ít quan tâm tới doanh nghiệp.

Nguyên nhân là giới phân tích, đầu tư chứng khoán không có cơ hội để đối thoại, chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp về các mảng hoạt động, về những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, về tính hiệu quả của doanh nghiệp để từ đó đưa ra mức định giá hợp lý của cổ phiếu.

Một bức tranh đầy đủ về doanh nghiệp rất khó nắm bắt, nhận biết, đây có thể là lý do khiến thị giá cổ phiếu FPT bị đánh giá thấp hơn giá trị thật trong thời gian dài và luôn là điểm mà Ban lãnh đạo FPT bị cổ đông cả tổ chức và cá nhân than phiền tại các kỳ đại hội cổ đông.

Hiện nay, những hạn chế trên đã được cải thiện rõ rệt, Ban lãnh đạo trẻ của FPT rất thoải mái và cởi mở trong các cuộc gặp gỡ với giới phân tích, đầu tư, giải đáp đầy đủ các câu hỏi.

“Nếu làm thật và minh bạch như lĩnh vực công nghệ thông tin thì có gì mà phải ngán ngại các câu hỏi”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận xét.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, IR tốt không chỉ có giúp giá cổ phiếu được định giá sát theo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, mà còn là cách nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu. Không ít nhà đầu tư và bạn bè họ đã trở thành khách hàng “VIP” của VPBank, Techcombank, Vingroup…

Khi hiểu rõ về doanh nghiệp và có niềm tin vào doanh nghiệp, thì trường hợp thị trường xuất hiện tin đồn thất thiệt, nhà đầu tư sẽ bình tĩnh hơn và chờ đợi thông tin chính thống từ doanh nghiệp, thậm chí trở thành “sứ giả thương hiệu” của doanh nghiệp để trấn an các nhà đầu tư khác. Trường hợp May Sông Hồng có đối tác Mỹ bị phá sản là một ví dụ.

“Sạn” IR còn nhiều

Ngoài mục đích ngắn hạn, đối phó, thổi giá cổ phiếu, có những “hạt sạn” IR khác thường xuyên xuất hiện trên thị trường.

Chẳng hạn, tại một doanh nghiệp bất động sản, khi cổ đông bức xúc về việc thị giá cổ phiếu dao động dưới giá trị thực, đề xuất tổ chức các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp lại e ngại vì cho rằng, trong lĩnh vực bất động sản rất khó để chia sẻ thật về các dự án, có những câu hỏi không thể trả lời, thông tin không nên đưa ra vì nhạy cảm...

Một nhà đầu tư lớn cho biết, ông đã nhờ người giới thiệu với lãnh đạo doanh nghiệp trước khi gọi điện đến để hỏi kỹ về hoạt động, dự án của công ty, có lãnh đạo doanh nghiệp cởi mở, nhưng cũng có lãnh đạo doanh nghiệp chảnh chọe, trả lời cụt lủn, “anh cứ lên website công ty” mà đọc. Những doanh nghiệp kiểu này thường không thu hút được sự quan tâm và thiện cảm của các nhà đầu tư sau đó, khiến giá cổ phiếu có diễn biến “đì đẹt”.

Không chỉ các tổ chức đầu tư, gần đây, các nhà đầu tư cá nhân lớn, nhà đầu tư dẫn dắt các nhóm có hàng trăm nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ khác cũng tìm hiểu và đánh giá kỹ về doanh nghiệp, đặc biệt là trí tuệ của người lãnh đạo.

“Trước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp nào, chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ tình hình tài chính, sản xuất - kinh doanh, dự án đang và sẽ triển khai, thị trường tiềm năng… bằng những thông tin chính thống do doanh nghiệp cung cấp, đặc biệt từ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng chấm điểm quản trị doanh nghiệp với các tiêu chí riêng. Sau khi đầu tư, việc chấm điểm này được duy trì và làm định kỳ, để từ đó dẫn đến các quyết định mua bán và nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp”, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Dragon Capital chia sẻ.

Trần Vũ Cường - Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục