1. Trong một lần đi công tác ở tỉnh, tôi được cậu bạn tiếp đãi trọng hậu. Cao hứng, cậu còn gọi thêm người bạn nữa làm cùng ngành ngân hàng ra ngồi chơi cho xôm tụ. Đó là người đàn ông cao ráo, nhưng có dáng đi tất bật, thể hiện cuộc sống rất nhiều lo toan. Đúng như dự đoán của tôi, chỉ sau ly bia chào bàn, là anh bắt đầu câu chuyện nhiều tâm sự của đời mình.
Cách nay 15 năm, anh cưới vợ cùng ngành, với cuộc sống ổn thỏa. Vợ anh sinh liên tiếp 2 cậu con trai, còn anh thì tập trung cho sự nghiệp với thành công nhất định. Nhưng đàn ông có tiền bạc, có sự nghiệp, mà lại đào hoa, thì có lẽ khỏi cần phải nói thêm điều gì, cũng hiểu được kết quả thế nào.
Khi cậu con trai lớn bắt đầu hết THCS thì anh có người đàn bà khác. Gia đình xào nấu với các trận chiến tranh cãi ghen tuông, kết thúc bằng việc ly dị. Vợ nuôi 2 con, còn anh thì cưới người phụ nữ kia gần như ngay lập tức sau khi cầm tờ giấy cho đồng ý ly hôn từ tòa án. Và cũng chỉ 1 năm sau đó, vợ mới sinh được thêm cậu con trai nữa.
Chẳng hiểu có phải do câu “tam nam bất phú” hay vì điều gì khác, mà gần 1 năm nay việc làm ăn của anh đi xuống như xe đổ dốc không thắng. Đầu tiên là vụ hùn hạp chăn nuôi heo trong 1 nông trại lớn ở Xuyên Mộc bị thua lỗ tổng số tiền là 33 tỷ đồng. Tiếp theo là sự dịch chuyển công việc từ nơi này qua nơi khác, mà chỗ làm mới còn khiến anh thất vọng hơn cả chỗ làm cũ.
Trong lúc chuyện làm ăn rối như canh hẹ, thì cô vợ mới lại thường xuyên ghen tuông với cô vợ cũ và những cậu con riêng của chồng. Vợ anh không muốn anh dành thời gian nhiều cho con riêng, cũng không muốn anh để dành tiền cho con riêng như đã lo cho con chung. Trong khi anh đã tuyên bố chắc chắn rằng, anh sẽ để vào tài khoản cho mỗi cậu con trai 1 tỷ đồng để lo cho việc ăn học hiện tại và sau này.
Cô vợ mới không đồng ý về sự lo lắng công bằng ấy của chồng. Và sau một thời gian “đấu trí” căng thẳng, giờ người đàn ông đào hoa một thời này đã bộc lộ những nét xộc xệch của tuổi tác và sự mệt mỏi tranh giành của vợ con. Có lẽ, anh đã hơn 1 lần ân hận về những quyết định ít tính lý trí. Nhưng, giờ ly dị vợ mới cũng không phải là hiện thực dễ chấp nhận. Mà ở thì mệt quá.
Buông hay giữ, đưa lên bàn tính là 50-50. Và chọn bên nào cũng mất mát như nhau!
2. Tôi đã gặp nhiều trường hợp không thể cân bằng ổn thỏa giữa lợi ích của nhiều dòng con, kể cả đó là các đại gia nhiều tài sản, hay các tiểu gia có chút ít tiền bạc dắt lưng. Những đứa con hầu hết đều không có ý kiến gì, chúng lớn lên hồn nhiên và trưởng thành bình thường nếu như cha mẹ dù có ly hôn nhưng vẫn đối xử với nhau một cách văn minh và tôn trọng. Tuy nhiên, rất đáng tiếc rằng, đa số người giật dây phía sau chúng, buồn thay, lại là những người phụ nữ.
Đó có thể là mẹ, là dì, là bà ngoại hay bà nội. Nhân danh vì những đứa con, nhiều người đã đẩy cuộc sống gia đình hay tình cảm cá nhân sang chiều hướng tiêu cực, để giành nhau nhà đất, tiền bạc. Các vụ kiện cáo của những người nổi tiếng dễ thu hút sự chú ý của công chúng, nhưng đó chỉ là tảng băng nổi. Còn vô số vụ kiện cáo dân sự chia tài sản khác của bao người bình thường, không được nhiều người để tâm, vẫn diễn ra hàng ngày trong các phiên tòa ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đàn ông - chủ thể của khái niệm “người xây nhà” phải chịu trách nhiệm trước tiên khi đã làm rạn vỡ hạnh phúc mái ấm gia đình. Nếu các ông biết, trước khi bước chân ra khỏi nhà sẽ phải bước chân vào lại nhà, dù là sớm hay trễ. Nếu các ông hiểu, ngoài các phút giây lãng mạn, bản năng, thì con người sống trong xã hội văn minh cũng cần tuân thủ các định chế áp đặt của văn hóa cộng đồng và pháp luật. Trong trường hợp không còn tình cảm níu kéo nữa, cuộc chia tay văn minh với các thỏa thuận biết mình biết người trong việc phân chia tài sản, hoặc tôn trọng quá khứ của nhau, mới khiến mọi người dần lành các vết thương rạn vỡ.
Ở tuổi trung niên gần 50, đầu đã 2 thứ tóc, mà chúng ta vẫn còn loay hoay trong mớ bòng bong với con nọ vợ kia, thì quả là quá bi kịch, hết sức bi kịch. Hỏi, đời có còn vui gì nữa không để mà an nhàn những tháng năm bên kia dốc núi!