Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, bằng cách tạo ra những lợi thế khác biệt, BMP đã đạt được nhiều thành công, khẳng định được vị thế của doanh nghiệp đầu ngành. Những yếu tố “cần” để xây dựng một nền tảng vững chắc được BMP tích lũy dần qua các năm, hiện Công ty đang trong tâm thế tự tin hướng tới tương lai, sẵn sàng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Liên tục tăng trưởng lợi nhuận trong 5 năm qua, đặc biệt năm 2015, Công ty đạt kết quả kinh doanh vượt trội với tổng doanh thu 2.970 tỷ đồng, tăng gần 19%; lợi nhuận trước thuế 665 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với năm 2014. Theo đó, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 11.410 đồng, tăng gần 33%. 6 tháng đầu năm 2016, BMP tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, doanh thu ước đạt trên 1.700 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 400 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng 67% kế hoạch năm (600 tỷ đồng).
Nhu cầu thị trường ổn định và tăng cao hơn dự báo nên BMP đã đầu tư bổ sung thiết bị. Giữa quý IV/2015, BMP đã triển khai hoàn tất Dự án Nhà máy Bình Minh Long An giai đoạn 1, trị giá hơn 144 tỷ đồng, diện tích xây dựng 32.400 m2, công suất 5.000 tấn sản phẩm phụ tùng/năm; nâng công suất toàn Công ty lên 85.000 tấn/năm. Nhà máy này đi vào hoạt động đã giúp BMP kịp thời đón bắt sự khởi sắc của thị trường xây dựng và chuẩn bị tốt cho hội nhập quốc tế qua hệ thống máy móc thiết bị tối tân, cơ sở sản xuất hiện đại.
Theo kế hoạch, trong năm 2016 - 2017, BMP sẽ tiến hành mở rộng giai đoạn 2 của Nhà máy Bình Minh Long An, vốn đầu tư khoảng 620 tỷ đồng, riêng trong năm 2016 dự kiến giải ngân 320 tỷ đồng. Theo BMP, với kế hoạch đầu tư cuốn chiếu theo nhu cầu thị trường, Công ty có thể tự cân đối được nguồn vốn, chưa cần bổ sung nguồn vốn bên ngoài.
Song song với việc mở rộng cơ sở sản xuất, năm 2015, Đại hội đồng cổ đông BMP cũng đã thảo luận thông qua kế hoạch sáp nhập CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC). Đánh giá DPC có quy mô nhỏ, hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, một số máy móc thiết bị lạc hậu, nhưng Chủ tịch HĐQT Lê Quang Doanh cho rằng, việc gây dựng thêm cơ sở tại miền Trung là cần thiết để phát triển thị trường, nhằm bao phủ độ ảnh hưởng của Công ty khắp cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Nếu xây dựng một nhà máy mới tại miền Trung, BMP vẫn phải đầu tư lớn và chưa có lợi nhuận ngay. Trong khi đó, sản xuất tại chỗ sẽ giúp Công ty tiết kiệm 6 - 8% chi phí vận chuyển. Trong thời gian tới, HĐQT sẽ xây dựng và trình cổ đông phương án tái cấu trúc DPC. Hiện tại, DPC là tổng kho của BMP, chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm cho thị trường miền Trung.
Hoạt động sản xuất và kết quả kinh doanh của BMP tăng trưởng ổn định là nhờ Công ty có các chính sách linh hoạt, bám sát tình hình và nhu cầu của thị trường; đội ngũ Ban lãnh đạo có năng lực quản trị và dày dạn kinh nghiệm, kiên định với định hướng chiến lược cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm. Hệ thống phân phối gần 1.500 cửa hàng rộng khắp trên cả nước của BMP đảm bảo cung ứng hàng hóa nhanh chóng, kịp thời theo yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là uy tín của một thương hiệu lớn đã được xây dựng, bồi đắp trong gần 40 năm qua. Đây là một lợi thế vượt trội của BMP so với các công ty cùng ngành.
Hiệu quả hoạt động của BMP phần nào được phản ánh qua giá cổ phiếu. Từ đầu năm 2015 đến trung tuần tháng 7, giá cổ phiếu BMP liên tục có xu hướng tăng, từ gần 70.000 đồng/CP lên trên 160.000 đồng/CP.
Tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng BMP vẫn luôn chú trọng đến hoạt động quan hệ cổ đông, duy trì các buổi gặp gỡ với nhà đầu tư, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, báo cáo thường niên của BMP luôn được đánh giá cao về chất lượng thông tin bởi sự đa dạng, đầy đủ, cụ thể, song được trình bày ngắn gọn, súc tích, định lượng, dễ so sánh, theo dõi.
Việc liên tục góp mặt trong Top các báo cáo thường niên tốt nhất trong tổng số gần 700 báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn là một lời cam kết của Ban lãnh đạo BMP trong việc minh bạch thông tin, thực hiện trách nhiệm với cổ đông, nhà đầu tư. Điều này càng giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn vào Ban lãnh đạo, vào hoạt động kinh doanh và sự phát triển bền vững của BMP.