Nhu cầu xăng sẽ tăng chậm lại trong năm nay do xu hướng chuyển sang xe điện ở Trung Quốc và Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà phân tích cho biết, tăng trưởng nhu cầu xăng toàn cầu có thể giảm một nửa vào năm 2024, làm giảm lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu trong nửa cuối năm do sự chuyển đổi sang xe điện ở Trung Quốc và Mỹ, cũng như việc tiêu dùng bình thường trở lại sau đợt phục hồi năm ngoái sau đại dịch Covid-19.
Nhu cầu xăng sẽ tăng chậm lại trong năm nay do xu hướng chuyển sang xe điện ở Trung Quốc và Mỹ

Công ty Tư vấn Wood Mackenzie cho biết, trong mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2020, nhu cầu xăng toàn cầu có thể tăng 340.000 thùng/ngày và đạt mức 26,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm so với mức tăng trưởng 700.000 thùng/ngày năm ngoái, khi Trung Quốc gần đạt đến đỉnh điểm về nhu cầu nhiên liệu vận tải trong khi nhu cầu ở Mỹ cũng đã qua đỉnh.

Nhà phân tích Sushant Gupta của Wood Mackenzie cho biết: “Sự thâm nhập của xe điện đang ngày càng tăng ở Mỹ và Trung Quốc… Trong năm nay, nhu cầu của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 10.000 thùng/ngày do mức tiêu thụ xe điện cao hơn”.

Bên cạnh đó, Công Ty tư vấn Rystad Energy dự đoán nhu cầu xăng toàn cầu sẽ ở mức khoảng 26 triệu thùng/ngày vào năm 2024, tăng khoảng 300.000 thùng/ngày so với mức tăng trưởng khoảng 700.000 thùng/ngày vào năm 2023 khi được thúc đẩy bởi sự bùng nổ tiêu thụ sau đại dịch.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, Trung Quốc - từng là quốc gia dẫn đầu về nhu cầu xăng dầu trên thế giới - dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa tổng doanh số bán xe điện trong năm nay.

Theo dự báo của bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), tiêu thụ xăng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 1,3% lên 165,1 triệu tấn (3,8 triệu thùng/ngày) trong năm nay.

Bộ phận nghiên cứu của nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, Sinopec dự kiến nhu cầu xăng của Trung Quốc sẽ tăng 1,7% và đạt mức 182 triệu tấn trong năm nay.

IEA ước tính do giá giảm thúc đẩy nhu cầu, thị phần xe điện bán ra trong năm nay có thể đạt 45% ở Trung Quốc, khoảng 25% ở châu Âu và hơn 11% ở Mỹ.

Trong khi đó, doanh số bán ô tô đang bùng nổ cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tỷ lệ sử dụng xe điện thấp đang thúc đẩy nhu cầu xăng ở Ấn Độ và Indonesia.

Ước tính của chính phủ Ấn Độ cho thấy mức tiêu thụ xăng của nước này sẽ đạt kỷ lục mới 39,2 triệu tấn (908.000 thùng/ngày) trong năm tài chính tính đến tháng 3/2025, tăng khoảng 5% so với 37,2 triệu tấn trong năm ngoái.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), mức tiêu thụ xăng của Mỹ đã giảm xuống khoảng 376 triệu gallon mỗi ngày (8,94 triệu thùng/ngày) vào năm 2023 sau khi đạt kỷ lục 392 triệu gallon vào năm 2018.

Các nhà phân tích cho biết, nhu cầu vào năm 2024 dự kiến sẽ không thay đổi. Do đó, lợi nhuận từ lọc dầu của Mỹ dự kiến sẽ chịu áp lực sau mùa lái xe cao điểm vào mùa hè.

Tại châu Âu, FGE cho biết nhu cầu xăng sẽ tăng 50.000 thùng/ngày hay 2,3% vào năm 2024 lên 2,19 triệu thùng/ngày, phù hợp với những năm gần đây.

Wood Mackenzie cho biết, nhu cầu xăng trì trệ ở châu Âu và sự cạnh tranh gia tăng từ nhà máy lọc dầu Dangote mới lớn nhất ở châu Phi của Nigeria, và châu Âu có thể bổ sung 280.000-300.000 thùng xăng/ngày vào nguồn cung toàn cầu, khiến lợi nhuận từ xăng của châu Âu chịu áp lực.

Mặt khác, biên lợi nhuận từ xăng trên khắp Mỹ và Châu Á đã tăng 85% trong năm nay, lần lượt ở mức khoảng 29 USD từ một thùng dầu thô WTI vào ngày 1/5 và 29% và khoảng 13 USD từ một thùng dầu Brent vào ngày 30/4.

Biên lợi nhuận từ xăng tăng mạnh vào đầu năm nay do các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động rải rác ở châu Á và Mỹ, trong khi chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn do các cuộc tấn công vào vận tải Biển Đỏ và cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga đã hỗ trợ thị trường xăng dầu châu Âu.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục