Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nêu trong báo cáo phân tích được công bố hôm 28/3 rằng trong tổng số 465 cơ sở lọc dầu được phân tích, công ty này xếp hạng khoảng 21% công suất lọc dầu toàn cầu năm 2023 đối diện nguy cơ đóng cửa.
Châu Âu và Trung Quốc là nơi có số lượng cơ sở lọc dầu gặp nguy cơ cao nhất, khiến công suất lọc dầu khoảng 3,9 triệu thùng/ngày gặp rủi ro, Wood Mackenzie đánh giá dựa trên ước tính về tỷ suất lợi nhuận ròng, chi phí phát thải carbon, quyền sở hữu, đầu tư bền vững vì môi trường và giá trị chiến lược của các nhà máy lọc dầu.
Báo cáo của Wood Mackenzie cho biết 11 cơ sở lọc dầu ở châu Âu chiếm 45% tổng số nhà máy có nguy cơ cao phải đóng cửa.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu dầu mỏ Concawe, kể từ năm 2009, khoảng 30 nhà máy lọc dầu châu Âu đã đóng cửa, còn gần 90 nhà máy lọc dầu vẫn đang hoạt động.
Tình trạng đóng cửa hàng loạt này xảy ra do sự cạnh tranh từ các nhà máy mới hơn và phức tạp hơn ở Trung Đông và châu Á cũng như tác động của đại dịch Covid-19.
Phân tích của Wood Mackenzie cho thấy tỷ suất lợi nhuận từ xăng dầu được dự báo sẽ suy giảm vào cuối thập kỷ này do nhu cầu giảm và các biện pháp trừng phạt đối với Nga được nới lỏng, trong khi thuế carbon dự kiến cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Nhà phân tích hóa chất và dầu mỏ cấp cao của Wood Mackenzie, bà Emma Fox, cho biết chi phí vận hành các nhà máy lọc dầu có thể tăng cao đến mức "đóng cửa có thể là cách duy nhất".
Trong số này, nhà máy lọc dầu Dangote khổng lồ của Nigeria có thể chấm dứt hoạt động thương mại xăng dầu từ châu Âu đến châu Phi vốn đã duy trì hàng thập kỷ với trị giá giao dịch 17 tỷ USD mỗi năm. Điều này có thể đặt áp lực chồng chất đối với các nhà máy lọc dầu ở châu Âu vốn có nguy cơ đóng cửa do cạnh tranh ngày càng cao.
Nhà máy lọc dầu Dangote có công suất lên tới 650.000 thùng/ngày nhưng không được đưa vào báo cáo phân tích của Wood Mackenzie.
Bảy địa điểm có nguy cơ cao phải đóng cửa ở Trung Quốc là các nhà máy lọc dầu độc lập quy mô nhỏ. Các nhà máy này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn của chính phủ Trung Quốc và cạnh tranh với các cơ sở tích hợp có quy mô lớn hơn thường thuộc sở hữu nhà nước và phức tạp hơn.