Sở GTVT Hà Nội đang giao các đơn vị nghiệp vụ triển khai kiểm tra tổng thể hoạt động và công tác quản lý của xe Grab, Uber.
100% xe kiểm tra vi phạm
Là khu vực cấm ôtô dừng đỗ, đón trả khách, tuy nhiên trên đường Giải Phóng, phố Kim Đồng sáng 7/7, Đội thanh tra giao thông (TTGT) Hoàng Mai (Sở GTVT Hà Nội) đã phát hiện nhiều xe Grab, Uber vi phạm. Kiểm tra các điều kiện kinh doanh, TTGT còn phát hiện xe Grab, Uber vi phạm nhiều quy định.
Thời điểm 10h sáng 7/7, tại đường Giải Phóng đoạn trước bến xe Giáp Bát, TTGT Hoàng Mai đã kiểm tra nhiều ôtô dưới 9 chỗ dừng đỗ, bắt trả khách không đúng quy định.
Kiểm tra xe BKS 29A-668…, lực lượng chức năng phát hiện, đây là xe kinh doanh vận tải theo hình thức Grab. Ngoài vi phạm về dừng đỗ, đón trả, xe 29A-668… còn không dán phù hiệu hoạt động ở cửa kính trước, không có logo - biểu trưng (thông tin) của đơn vị kinh doanh vận tải hai bên thành xe…
Tiếp tục kiểm tra khoảng 10 xe hoạt động theo hình thức Grab, Uber, trong đó có các xe như: 30A-250…, 30E-479…, 30A-673…, TTGT Hoàng Mai cho biết, 100% các xe bị dừng kiểm tra đều vi phạm các lỗi như trên.
“Cùng với xử phạt lỗi dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định, các xe vi phạm còn bị Đội TTGT Hoàng Mai giữ bằng lái, các giấy tờ liên quan để tiếp tục xử lý theo quy định”, ông Tưởng Đỗ Hiển, Đội phó Đội TTGT Hoàng Mai cho biết.
Cũng theo ông Hiển, khác với taxi truyền thống thường phải tuân thủ chặt biển báo đối với xe kinh doanh vận tải, xe Grab, Uber do không đeo phù hiệu, logo- biểu trưng nên tại nhiều tuyến đường, khu vực cấm trước bến xe các xe này đang giả danh hoạt động như xe gia đình.
“Nếu không bị xử lý lỗi dừng đỗ, sau đó kiểm tra các lỗi khác thì chúng tôi rất khó phát hiện xe ra Grab, Uber”, ông Hiển nêu thực trạng hoạt động của xe công nghệ.
Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, đến cuối tuần qua, sau những ngày kiểm tra ban đầu, các đội TTGT của Sở đã phát hiện, xử lý 30 trường hợp phương tiện sử dụng phần mềm Uber, Grab kinh doanh vận tải hành khách vi phạm, phạt tiền 113 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 10 trường hợp.
Không được phép nhưng vẫn điều hành vận tải
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, Thanh tra Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý xe kinh doanh vận tải theo hình thức Uber, Grab.
Từ thực tế kiểm tra vừa qua, ông Hùng đánh giá, hầu hết xe Uber, Grab kiểm tra là vi phạm.
“Xe Grab, Uber kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử, và được kết nối qua thiết bị cầm tay, nhưng thực tế lại hoạt động giống như taxi nên làm tăng thêm lưu lượng ôtô tham gia giao thông, dẫn đến áp lực và nguy cơ gây nên tình trạng quá tải cho giao thông thủ đô Hà Nội.
Cùng với đó, khi hoạt động trên đường, xe không đeo phù hiệu, không niêm yết thông tin, biểu trưng nên gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ trên đường”, ông Hùng nêu.
Đề cập hoạt động của đơn vị chủ quản xe Grab, Uber, ông Hùng cho biết qua công tác kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội thấy rằng Grab, Uber là hai công ty cung cấp phần mềm ứng dụng cho các đơn vị kinh doanh vận tải.
“Về nguyên tắc, hai đơn vị này không được tham gia bất kỳ một khâu nào trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo quy định. Tuy nhiên trên thực tế Grab, Uber lại tham gia việc điều hành hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Cụ thể như: điều chỉnh giá cước bằng các chương trình khuyến mại, quảng cáo tuyển dụng lái xe trên các phương tiện thông tin đại chúng...”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, để làm rõ hơn Grab, Uber tại Hà Nội có hoạt động đúng pháp luật, số lượng xe thực tế là bao nhiêu, theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, thời gian tới TTGT có các kế hoạch sẽ thanh, kiểm tra theo chuyên đề riêng.
Trước đó, trong buổi đối thoại tại Bộ GTVT ngày 28/6, khi được lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu báo cáo về hoạt động, cả đại diện Cty Grab, Uber đều cho rằng đơn vị mình hoạt động đúng quy định và không vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải.