Nhộn nhịp M&A bất động sản

(ĐTCK)  Không quá rầm rộ, song trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản năm 2024 có xu hướng gia tăng.

Đón đầu cơ hội

Bất động sản là một trong những lĩnh vực chứng kiến sự nhộn nhịp của hoạt động M&A. Các hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nguồn vốn cũng như tính chuyên nghiệp, bài bản từ quá trình hợp tác, chuyển nhượng dự án giữa các doanh nghiệp.

Một số thương vụ M&A nổi bật trong 9 tháng đầu năm 2024 như Công ty Sycamore thuộc Tập đoàn CapitaLand (Singapore) mua lại dự án Khu đô thị và nhà ở Tân Thành Bình Dương (thuộc thành phố mới Bình Dương) từ Becamex IDC, với giá trị 553 triệu USD; Gamuda Land mua lại một dự án có quy mô 3,7 ha tại TP. Thủ Đức, TP.HCM từ Công ty cổ phần Tâm Lực nhằm phát triển dự án căn hộ cao cấp Eaton; thương vụ hợp tác đầu tư và chuyển nhượng cổ phần tại dự án Khu đô thị Một Thế Giới giữa Kim Oanh Group và các đối tác của Nhật Bản (Tập đoàn Sumitomo Forestry, Tập đoàn Kumagai Gumi và Công ty NTT Urban Development) trị giá 350 triệu USD; nhóm công ty có trụ sở tại Việt Nam chi 982 triệu USD mua lại 55% cổ phần của Công ty Phát triển Đầu tư và Thương mại SDI, một công ty con của Vingroup sở hữu gián tiếp 41,5% cổ phần tại Vincom Retail.

Các chuyên gia và doanh nghiệp tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 đánh giá, nhu cầu M&A trong lĩnh vực bất động sản hiện nay rất lớn. Ảnh: Tăng Triển

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức chiều 27/11/2024, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam đánh giá, năm 2024, thị trường M&A không tốt như kỳ vọng, song so với năm 2023 đã tốt hơn nhiều. Trong 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự cải thiện đáng kể về giá trị giao dịch M&A, với mức tăng 45,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về cơ cấu, hoạt động M&A chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực bất động sản (53%), công nghiệp (21%) và tiêu dùng thiết yếu (14%), chiếm tổng cộng 88% giá trị giao dịch và nằm trong Top 5 thương vụ M&A lớn nhất.

Theo ông Nguyễn Công Ái, dù vẫn đan xen giữa thách thức và cơ hội, song với nhiều yếu tố tích cực như kinh tế Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%, cơ sở hạ tầng phát triển với nhiều dự án lớn như Sân bay Long Thành, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư sơ bộ 67 tỷ USD, mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc sắp hoàn thành, Luật Đất đai 2024 đang được đưa vào cuộc sống, trong đó làm rõ phương pháp định giá đất…, thị trường M&A năm 2025 có thể sẽ “nở hoa”, đạt các con số ấn tượng.

“Số lượng thương vụ M&A dự kiến sẽ tăng lên trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ và bất động sản. Trong đó, bất động sản dự kiến sẽ có động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định”, ông Nguyễn Công Ái nhấn mạnh.

Gamuda có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam trong 5 năm tới.

Ảnh: Tăng Triển

Gỡ vướng pháp lý dự án sẽ thúc đẩy M&A

Các chuyên gia và doanh nghiệp tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 đều cho rằng, nhu cầu M&A trong lĩnh vực bất động sản giữa bên mua và bên bán hiện nay rất lớn. M&A là con đường “đi tắt, đón đầu” hiệu quả mà các doanh nghiệp tận dụng, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Lee Leong Seng, Giám đốc Bộ phận Phát triển bất động sản nhà ở, Khối Bất động sản, Keppel Việt Nam - doanh nghiệp đã đầu tư 25 dự án bất động sản với quy mô vốn lên đến hơn 3 tỷ USD tại Việt Nam nhìn nhận, thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

“Tôi mất nhiều năm để tìm mua các dự án tốt và với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, với nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường Việt Nam thì M&A là tốt nhất. Tôi khuyến khích nhà đầu tư mới thông qua M&A để tìm được nhiều đối tác tốt, có nhiều thị trường tốt, nhiều tài sản tốt”, ông Lee Leong Seng nói.

M&A là con đường “đi tắt, đón đầu” hiệu quả mà các doanh nghiệp tận dụng, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tương tự, ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Gamuda Land Việt Nam cho biết, Gamuda đã có mặt ở Việt Nam 17 năm, với nhiều dự án được đầu tư thông qua còn đường M&A.

“Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng cơ hội cũng không ít. Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong danh mục đầu tư của chúng tôi và chúng tôi có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong 5 năm tới”, ông Angus Liew chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, không chỉ với các doanh nghiệp nước ngoài, mà với các doanh nghiệp địa ốc trong nước, nhu cầu M&A dự án bất động sản cho cả bên mua và bên bán cũng rất lớn. Song vướng mắc lớn nhất trở thành rào cản của hoạt động M&A hiện nay là nút thắt về pháp lý.

Tổng giám đốc một tập đoàn đang sở hữu nhiều dự án bất động sản cho hay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn với bài toán tạo dòng tiền. Thời gian qua, doanh nghiệp đã chào bán một số dự án cho đối tác, quỹ đầu tư nước ngoài và nhận được sự quan tâm, nhưng khi vào giai đoạn đàm phán, họ đều từ chối mua với lý do dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.

“Chúng tôi có một dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu được một đối tác nước ngoài đồng ý bắt tay rót vốn hợp tác phát triển . Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, dự án vẫn chưa hoàn thiện pháp lý nên dự án không thể triển khai, dẫn đến nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài muốn rút khỏi thương vụ này”, vị tổng giám đốc trên nói và khẳng định, hiện nhu cầu M&A dự án bất động sản rất lớn, chỉ cần dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý sẽ nhanh chóng được chuyển nhượng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm đánh giá, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ông Tâm chia sẻ, Quốc hội vừa thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, là năm cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2025, là năm có ý nghĩa quan trọng, được xác định là năm bứt phá để về đích, tạo tiền đề đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện mục tiêu này, Quốc hội đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn thủ tục pháp lý các dự án.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, hiện có hàng ngàn dự án bị vướng thủ tục pháp lý, nếu thủ tục được tháo gỡ sẽ là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển và thúc đẩy hoạt động M&A.

Tăng Triển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục