Nhóm cổ phiếu công nghệ trượt dốc sau báo cáo lạm phát của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Năm (10/02), khi tâm lý giới đầu tư chịu tác động mạnh từ báo cáo lạm phát của nền kinh tế số một thế giới.
Nhóm cổ phiếu công nghệ trượt dốc sau báo cáo lạm phát của Mỹ

Theo đó, dữ liệu mới được công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 7,5% trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 1/2022, tốc độ tăng hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 2/1982. Ngay lập tức, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 2% so với mức 1,51% vào cuối năm ngoái.

Lãi suất ngắn hạn thậm chí tăng mạnh hơn, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ nhanh chóng hành động để kiềm chế lạm phát. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 0,26 điểm phần trăm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ 2009.

Dù lạm phát tăng mạnh đã được dự báo từ trước và phù hợp với con số từ giới phân tích, nhưng thông tin vẫn gây ra áp lực bán lớn đến nhóm cổ phiếu công nghệ bởi thu nhập trong tương lai trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

Theo đó, cổ phiếu Microsoft mất 2,8%, cổ phiếu Shopify giảm 3,4%, cổ phiếu Adobe sụt 5%, cổ phiếu, cổ phiếu Amazon giảm 1,4%, cổ phiếu Apple giảm 2,36%, cổ phiếu Meta (Facebook) rơi 1,7%, cổ phiếu Alphabet (Google) mất 2,1%.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số Dow Jones giảm 526,47 điểm (-1,47%), xuống 35.241,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 83,10 điểm (-1,81%), xuống 4.504,08 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 304,73 điểm (-2,10%), xuống 14.185,64 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, do lợi suất trái phiếu tăng và kết quả yếu kém từ Atos của Pháp làm ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ, mặc dù kết quả kinh doanh tích cực của Linde và Siemens cùng với xu hướng cải thiện đối với cổ phiếu du lịch đã giúp hạn chế đà đi xuống.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,23% xuống 472,24 điểm, với lĩnh vực công nghệ giảm 1,1%, sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ tạo điều kiện cho Fed sớm tăng lãi suất.

Phiên này, cổ phiếu Atos giảm 4,5% đã đè nặng lên lĩnh vực công nghệ, dù thông báo thu về tổng cộng 2,4 tỷ euro (2,74 tỷ USD) trong nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, sức bật trong các lĩnh vực nhạy cảm với kinh tế đã giúp ngăn chặn sự sụt giảm lớn hơn của cổ phiếu châu Âu, với cổ phiếu du lịch và giải trí dẫn đầu mức tăng, nhờ việc Mỹ nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Mùa thu nhập quý IV khả quan đã giúp STOXX 600 thu hẹp đáng kể đà giảm sau một đợt giảm mạnh vào đầu năm do ảnh hưởng từ đà bán tháo ở nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đáng chú ý, cổ phiếu của Siemens tăng 4,7%, đánh dấu mức tăng một ngày tốt nhất của họ trong gần 13 tháng, sau khi nhóm kỹ thuật và công nghệ cho biết họ nhận thấy lượng đặt hàng cao “bất thường” từ khách hàng.

Kết thúc phiên 10/2: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 28,98 điểm (+0,38%) lên 7.672,40 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 8,43 điểm (+0,05%), lên 15.490,44 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 29,33 điểm (-0,41%), xuống 7.101,55 điểm.

Tại châu Á, Chứng khoán Nhật Bản tăng, với cổ phiếu công nghệ theo chân các đồng nghiệp cùng ngành qua đêm trên Phố Wall.

Chỉ số bluechip của Trung Quốc tiếp tục chịu sức ép, khi nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology và các công ty tiêu dùng trượt dốc, trong khi các nhà đầu tư vẫn lo lắng về các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ dẫn đầu bởi cổ phiếu công nghệ, nhưng mức tăng bị hạn chế trước dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố.

Chứng khoán Hàn Quốc giằng co và tăng nhẹ, do các nhà đầu tư thận trọng trước việc công bố dữ liệu lạm phát của Mỹ vào cuối ngày.

Kết thúc phiên 10/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 116,21 điểm (+0,42%), lên 27.696,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,96 điểm (+0,17%), lên 3.485,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 94,36 điểm (+0,38%), lên 24.924,35 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 3,08 điểm (+0,11%), lên 2.771,93 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Năm suy yếu do áp lực từ CPI của Mỹ được công bố khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt gây sức ép.

Kết thúc phiên 10/2, giá vàng giao ngay giảm 6,6 USD xuống 1.826,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm hơn 11 xuống 1.826,1 USD/ounce.

Giá dầu thế giới ít thay đổi trong phiên 10/2 do các thị trường cân nhắc khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất mạnh trong khi nhu cầu năng lượng vẫn ở mức cao.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới có thể còn tăng mạnh hơn trong năm nay khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ.

Kết thúc phiên 10/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,22 USD (+0,24%), lên 89,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,14 USD (-0,15%), xuống 91,41 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ