Mặc dù thị trường vẫn chưa xuất hiện lực cầu giá cao, nhưng dòng tiền lan rộng thị trường tiếp tục giúp chỉ số chung duy trì đà tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 24/7. Trong đó, các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là điểm đến chính của dòng tiền, giúp thị trường có thêm phiên giao dịch sáng vượt mốc 10.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên sàn HOSE.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu bất động sản dù cũng trải qua đợt phục hồi khá tốt, nhưng theo giới phân tích thì vẫn thấp so với mặt chung và thua xa nhóm tài chính ngân hàng, dầu khí khi có nhiều mã thậm chí tăng bằng lần trong 6 tháng đầu năm, sẽ có nhiều cơ hội tăng khi ngành này đã trải qua những giai đoạn khó khăn nhất.
Trong phiên sáng nay, thị trường chứng khoán nóng hơn bởi những thông tin đồn đoán về bên trúng thầu gói 5.10 xây dựng sân bay Long Thành trị giá 35,2 tỷ đồng, đã khiến nhóm cổ phiếu có liên quan trái chiều.
Trạng thái phân hóa vẫn tiếp diễn trong phiên chiều với các mã CC1, VCG, HAN và PHC đóng cửa duy trì đà tăng trần, trong đó VCG khớp lệnh 11,93 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị; trái lại CTD kết phiên nằm sàn với khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị và dư bán sàn gần nửa triệu đơn vị, HBC thoát giá sàn nhưng đóng cửa vẫn giảm khá mạnh khi mất 3,2% với khối lượng khớp hơn 6 triệu đơn vị.
Giá cổ phiếu các doanh nghiệp tham gia gói thầu 5.10 xây dựng sân bay Long Thành "tím lịm"
Tuy nhiên, đột biến đến từ một mã khác trong ngành là NVL, bởi thông tin UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản về ý tưởng quy hoạch Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao Nguyên Lâm Viên tại huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc gửi tới Sở Xây dựng, Novaland và các đơn vị liên quan.
Theo đề xuất của NVL trước đó, Công ty sẽ đầu tư xây dựng một khu đô thị phức hợp trên diện tích 30.000 ha, bao gồm nhà ở, biệt thự du lịch, trung tâm thương mại, trường học, công viên cây xanh tại địa điểm trên, Tổng mức đầu tư cho dự án lên tới khoảng 10 tỷ USD.
Cổ phiếu NVL nhanh chóng kéo trần thành công với khối lượng khớp lệnh vượt trội trên thị trường khi đạt gần 63 triệu đơn vị. Giao dịch tiếp tục sôi động hơn trong phiên chiều khi lực cầu tung ra bao nhiêu đều được hấp thụ hết, giúp NVL vững vàng ở mức giá trần 16.200 đồng/CP, là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong khoảng 7 tháng qua.
Đồng thời, thanh khoản của NVL cũng ấn tượng, đạt tới hơn 95,94 triệu đơn vị, gấp hơn 3 lần so với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây, và cũng cao nhất trong gần 8 tháng qua, chỉ thua 2 phiên khớp kỷ lục vào ngày 22/11/2022 khớp 128,5 triệu đơn vị và 28/11/2022 khớp hơn 104 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ cũng có phiên giao dịch ấn tượng như ITA đóng cửa tăng kịch trần với khối lượng khớp 11,89 triệu đơn vị, LCG tăng 5,8% và khớp hơn 20 triệu đơn vị, BCG tăng 3,6% và khớp hơn 25 triệu đơn vị, DXG tăng 2,7% và khớp 22,24 triệu đơn vị, HQC tăng 4,4% và khớp 16,66 triệu đơn vị, PDR, HHV, LDG đều tăng mạnh và khớp lệnh hơn chục triệu đơn vị…
Tuy nhiên, ở top vốn hóa lớn như VHM, VIC, VRE lại có diễn biến thiếu tích cực, trong trạng thái lình xình giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu, nên nhóm cổ phiếu bất động chỉ đóng cửa tăng nhẹ.
Tương tự, ở nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng và chứng khoán cũng có diễn biến tương đồng với các mã lớn như VCB hay SSI, VCI… giảm điểm, khiến đà tăng bị hạn chế. Các nhóm này đều đóng cửa tăng nhẹ.
Trong đó, các mã giao dịch tích cực và khởi sắc ở nhóm chứng khoán có VND tăng 1,3% và khớp hơn 26 triệu đơn vị, VIX tăng 1,8% và khớp 18,59 triệu đơn vị; trong khi dòng bank có SHB tăng 3,3% và khớp xấp xỉ 23 triệu đơn vị, VPB tăng 2,1% và khớp 22,24 triệu đơn vị, MSB tăng 2,6% và khớp 21,82 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất thị trường là gạo. Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, thị trường trong nước đã đua gom cổ phiếu ngành này giúp các mã này nổi sóng, như AGM đóng cửa tăng kịch trần, PAN lỗi hẹn sắc tím nhưng đã tăng 6,5% lên gần trần 22.900 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu bán lẻ vẫn tăng tốt nhờ sự đảo chiều ấn tượng của MWG khi đóng cửa tăng 3,81% lên mức giá cao nhất ngày 54.500 đồng/CP, đồng thời tiếp tục lập đỉnh mới trong năm cùng thanh khoản đạt hơn 3,8 triệu đơn vị.
Thị trường có thêm phiên giao dịch khởi sắc và xác lập vùng đỉnh mới trong năm, tiếp tục tiến gần hơn với vùng kháng cự mạnh 1.200 điểm. Đáng kể, thanh khoản vẫn duy trì tích cực với giá trị giao dịch trên sàn HOSE tiếp tục vượt mức 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, niềm vui chưa được trọn vẹn do thiếu sự tham gia “nhiệt tình” của các mã đầu ngành khiến VN-Index chưa thể bứt mạnh.
Chốt phiên, sàn HOSE có 301 mã tăng và 154 mã giảm, VN-Index tăng 4,82 điểm (+0,41%) lên 1.190,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.043 triệu đơn vị, giá trị 20.049 tỷ đồng, tăng 5,57% về khối lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 21/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 54,3 triệu đơn vị, giá trị 1.364 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, dòng tiền sôi động giúp thị trường tiếp tục có thêm phiên giao dịch khởi sắc với sự hưởng ứng tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip.
Chốt phiên, sàn HNX có 104 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 1,55 điểm (+0,66%), lên 236,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 126,55 triệu đơn vị, giá trị 2.017,12 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,21 triệu đơn vị, giá trị 56,74 tỷ đồng.
Cổ phiếu ấn tượng nhất trên HNX là thành viên nhóm gạo – TAR khi đóng cửa tăng 9,8% lên mức giá trần 20.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt hơn 7 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, cổ phiếu giao dịch tốt nhất thị trường vẫn là SHS khớp gần 23,47 triệu đơn vị, đóng cửa tiếp tục có phiên khởi sắc khi tăng 3,4% lên mức giá cao nhất ngày 15.200 đồng/CP.
Trong khi đó, CEO giữ mức giá tham chiếu sau pha giảm sàn ở phiên sáng. Đóng cửa, CEO đứng tại mức giá 18.000 đồng/CP và khớp hơn 9,9 triệu đơn vị.
Các mã vừa và nhỏ cũng là điểm sáng trên HNX với MBG tăng 5,2%, IDJ tăng 3,5%, NRC tăng 3%, C69 tăng 5,4%... và khớp một vài triệu đơn vị.
Trên UCPoM, thị trường cũng giao dịch khởi sắc.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,62%), lên 88,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 68,14 triệu đơn vị, giá trị 960,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,18 triệu đơn vị, giá trị 33,69 tỷ đồng.
Thuộc nhóm cổ phiếu gạo, LTG cũng có phiên giao dịch ấn tượng khi đóng cửa tăng 8% lên mức 38.000 đồng/CP.
Một số mã đáng chú ý khác trên UPCoM là C4G tăng 3,5%, PAS tăng 9,4%, SBS tăng 3,8%, VHG tăng 5,9% và khớp lệnh trên dưới 3,-6 triệu đơn vị.
Cổ phiếu sôi động nhất thị trường vẫn là BSR đạt 8,98 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,8% lên mức cao nhất ngày 18.500 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó hợp đồng VN30F2308 đáo hạn gần nhất là ngày 17/8 đóng cửa tăng 6,5 điểm, tương ứng +0,5% lên mức 1.191,4 điểm, khớp lệnh 136.184 đơn vị, khối lượng mở 58.167 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh tràn ngập, với mã CVPB2214 giao dịch sôi động nhất, đạt hơn 1,6 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 9,4% lên mức 1.280 đồng/cq. Tiếp theo là CMSN2215 tăng 33,3% lên 120 đồng/cq và khớp 1,59 triệu đơn vị.