Chào ông, nhìn lại thị trường quý II vừa qua, theo ông đâu là “nét vẽ” điển hình?
Thanh khoản thị trường trong quý II đã có dấu hiệu cải thiện rõ nét so với quý I khi tăng tới 43,8% theo quý. Bên cạnh đó, theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 6 vừa qua có thêm 145.864 tài khoản chứng khoán được các nhà đầu tư cá nhân mở mới, mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội tăng mạnh sau nhiều tháng sụt giảm.
Tính riêng trong tháng 6 vừa qua, thanh khoản thị trường tiếp tục ghi nhận tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 877,51 triệu cổ phiếu và 16.889 tỷ đồng/phiên trên sàn HOSE, tương ứng tăng lần lượt 23,39% về khối lượng bình quân và 38,37% về giá trị bình quân so với tháng 5/2023.
Số tài khoản mở mới tăng mạnh đang phản ánh tâm lý gì của thị trường?
Lượng tài khoản mở mới tăng mạnh trong bối cảnh thị trường đang trên đà tăng giá, hồi phục cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã cải thiện tích cực hơn sau những động thái của Ngân hàng Nhà nước với 4 lần hạ lãi suất điều hành.
Chúng ta cũng nên nói một chút về khẩu vị của nhà đầu tư giai đoạn hiện tại. Theo ông, nên lướt sóng ngắn hạn hay tích lũy các cổ phiếu giá trị lâu dài; men theo sóng ngành hay chọn các cổ phiếu riêng lẻ...?
Thị trường đang vận động theo chiều hướng tích cực và liên tục vượt đỉnh trong thời gian gần đây. Điều này giúp thu hút cả dòng tiền đầu cơ ngắn hạn cũng như dòng tiền đầu tư, tích lũy dài hạn.
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, dòng tiền duy trì trạng thái phân hóa và liên tục luân chuyển giữa các nhóm ngành. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, lực cầu đã bắt đầu hướng đến nhóm cổ phiếu Bluechip. Trong đó, phải kể tới một số mã có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý II cũng như nửa cuối năm nay như HPG, VCB, STB, BID, VNM…
Ngoài ra, dòng tiền đầu cơ vẫn được đẩy mạnh ở một số nhóm cổ phiếu có độ nhạy giá cao và những thông tin tích cực hỗ trợ như tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, hóa chất, bán lẻ và đặc biệt là dầu khí…
Chúng tôi cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới nhóm vốn hóa lớn trong quý III này khi nhiều cổ phiếu đang cho kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Ngoài ra, các quỹ ETF có xu hứng đẩy mạnh mua ròng trở lại sẽ giúp nhóm này giao dịch sôi động hơn.
Làn sóng mở tài khoản mới đang khiến nhiều người tin vào một con sóng mới? Liệu điều này có xảy ra?
Chúng tôi đánh giá năm 2023 sẽ là năm hồi phục, tăng giá của thị trường chứng khoán Việt Nam sau năm 2022 trượt giảm mạnh mẽ. Chúng tôi dự báo VN-Index sẽ đạt 1.200 - 1.250 điểm trong năm 2023 này.
Những yếu tố nào đang chi phối diễn biến thị trường?
Chúng tôi nhận thấy thị trường sẽ mở rộng đà hồi phục, tăng giá trong 2 quý cuối năm nhờ những yếu tố sau:
Thứ nhất, chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng. Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cải thiện tâm lý hơn cho nhà đầu tư. Ngoài ra, việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cho thị trường chứng khoán.
Thứ hai, nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh mua ròng. Nhà đầu tư cá nhân đã đẩy mạnh mua ròng từ tháng 3 đến nay khiến thanh khoản thị trường chứng khoán cải thiện. Thậm chí, có phiên còn đạt trên 20.000 tỷ đồng. Nhìn chung, thanh khoản trên thị trường vẫn phụ thuộc khoảng 80% vào dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân nên khối này tham gia tích cực sẽ giúp thị trường tạo ra những con sóng rõ ràng hơn trong 2 quý cuối năm, không còn trạng thái phân hóa, đi ngang như những tháng đầu năm.
Thứ ba, kỳ vọng dòng tiền khối ngoại quay trở lại. Những phát biểu gần đây của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cho thấy xu hướng điều hành chính sách tiền tệ sẽ bớt “diều hâu” hơn. Theo đó, thị trường kỳ vọng đợt tăng lãi suất trong tháng 7 (nếu có) sẽ là đợt cuối cùng và Fed sẽ kết thúc chương trình tăng lãi suất trong năm nay. Nếu Fed hành động đúng như kỳ vọng thì đồng USD sẽ diễn biến ổn định hơn từ quý III. Điều này sẽ thu hút dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.