Nhọc nhằn “shipper thông tin”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phóng viên được ví như những “shipper” truyền tải thông tin của doanh nghiệp tới nhà đầu tư. Có những chặng đường thuận lợi, nhưng cũng không ít trường hợp nhọc nhằn, thậm chí bị “bom hàng”.
Minh bạch thông tin được coi là điểm mấu chốt để thị trường bất động sản phát triển bền vững. Minh bạch thông tin được coi là điểm mấu chốt để thị trường bất động sản phát triển bền vững.

1. Còn nhớ, trong lúc một dự án bất động sản tọa lạc tại quận 7 đang triển khai xây dựng được khoảng 80% thì bị cơ quan chức năng TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư ngừng việc huy động vốn. Khi đó, hàng trăm nhà đầu tư (người mua nhà tại dự án) như ngồi trên đống lửa vì không biết ngọn ngành câu chuyện như thế nào. Một số nhà đầu tư đã lập “group” riêng để bàn luận, chia sẻ thông tin về vấn đề này.

Là phóng viên được giao theo dõi mảng bất động sản, tôi không thể không tìm hiểu về vụ việc. Để thu thập thông tin và hiểu rõ hơn về tâm tư, nỗi lòng của các nhà đầu tư, tôi lập tức tham gia vào các group đó, rồi liên hệ trực tiếp với họ để phỏng vấn.

Chín người mười ý, nhưng tựu trung, các nhà đầu tư đều có chung thắc mắc là tại sao dự án lại bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, tài sản mà họ đã đầu tư vào đó sẽ như thế nào, liệu rằng dự án có được tiếp tục triển khai hay không, chủ đầu tư có kế hoạch gì tiếp theo trong thời gian tới?

Tiếp nhận thắc mắc của nhà đầu tư xong, tôi đến trụ sở làm việc của chủ đầu tư để đặt lịch phỏng vấn lãnh đạo công ty.

Khi thấy người của cơ quan báo chí tới đặt lịch làm việc, người tiếp nhận tỏ ra e ngại và chần chừ không muốn tiếp. Tuy nhiên, sau khi tôi giới thiệu mình là phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, kèm theo đó là giấy giới thiệu của cơ quan cùng nội dung làm việc cụ thể, vị giám đốc truyền thông của doanh nghiệp vui vẻ nói: “Em sẽ trao đổi với lãnh đạo rồi sắp xếp lịch phỏng vấn, có gì sẽ chủ động liên lạc với anh nhé”.

Sau đó 2 ngày, tôi nhận được điện thoại từ công ty để “chốt” lịch phỏng vấn. Cuộc trao đổi với vị tổng giám đốc doanh nghiệp diễn ra trong hơn 1 giờ, những thắc mắc của nhà đầu tư và của cả phóng viên đều được giải đáp.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp cho hay: “Trước đó, một số phóng viên cơ quan báo chí chỉ muốn giật tít rồi câu “view” nên không truyền tải hết ý mà doanh nghiệp chia sẻ, khiến vụ việc đã rối lại càng thêm rối, không giải quyết được vấn đề. Khi được biết phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán tới liên hệ thì chị hoàn toàn tin tưởng, sắp xếp thời gian để gặp em ngay”.

Lúc đó, tôi cảm thấy rất tự hào vì cơ quan mình công tác được các doanh nghiệp và nhà đầu tư tin tưởng. Để không phụ lòng tin đó, tôi nghe đi nghe lại băng ghi âm cuộc trao đổi nhằm đảm bảo mình thấu hiểu vấn đề.

Sau vài lần chỉnh sửa và bổ sung thông tin, bài viết về dự án đã được xuất bản. Những thắc mắc của nhà đầu tư đều được giải đáp như quyền lợi của khách hàng sẽ được bảo đảm, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện triển khai dự án và hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan…

Bài viết của tôi được các nhà đầu tư chia sẻ cho nhau và đăng tải trên các trang mạng xã hội, hội nhóm cư dân, nhờ vậy mà lượt xem bài viết tăng đáng kể, có người còn “comment” rằng: “Chắc tác giả bài viết cũng là khách hàng mua nhà tại dự án. Chỉ có “khổ chủ” mới hiểu rõ vấn đề và giải thích tường tận đến vậy”.

Không chỉ nhà đầu tư vui mừng vì được đáp ứng thông tin đúng nhu cầu, mà chính lãnh đạo doanh nghiệp cũng gọi điện cho tôi để cảm ơn vì đã truyền tải được hết các ý kiến mà doanh nghiệp muốn giải thích với đông đảo khách hàng và dư luận.

“Nhờ bài viết kịp thời của em mà khách hàng không kéo tới Công ty để đòi thanh lý hợp đồng nữa”, vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.

Khi thông tin đã thông suốt, doanh nghiệp tập trung xử lý các vướng mắc và tiếp tục triển khai dự án. Hiện nay, dự án đã hoàn thành và cư dân đã chuyển vào ở. Sở hữu vị trí đắc địa, gần ngã tư và trục đường lớn nên giá mỗi căn hộ ở đây đang được rao bán với giá 45 - 65 triệu đồng/m2 (cao hơn lúc xảy ra khủng hoảng từ 15 - 20 triệu đồng/m2).

2. “Phải đặt tâm thế của mình vào vị trí của những nhà đầu tư thì mới biết được nhu cầu của họ muốn gì, cần biết những thông tin gì…, từ đó tìm hiểu và đặt bút viết”, đây là lời căn dặn của lãnh đạo Tòa soạn ngay từ khi tôi mới vào cơ quan Báo Đầu tư và tập tành viết cho ấn phẩm Đầu tư Chứng khoán, chuyên mục Bất động sản.

Tính đến nay đã được 5 năm, tôi vẫn luôn đặt mình vào tâm thế của bạn đọc trước khi đăng ký đề tài viết bài. Trong đó, có không ít vấn đề hay, được nhiều người quan tâm, nhưng khi liên hệ với doanh nghiệp liên quan để lấy thông tin thì chỉ nhận được sự im lặng.

Có không ít trường hợp cần gặp doanh nghiệp để làm rõ vấn đề liên quan, nhưng khi đến liên hệ để lấy thông tin thì phóng viên nhận được lời hẹn “hôm khác”.

Chẳng hạn, một nhóm khách mua đất nền tại một dự án khu dân cư ở Long An phản ánh, nhiều sàn giao dịch và môi giới đăng tin rao bán với những thông tin khác nhau. Nhà đầu tư như lạc vào ma trận thông tin nên rất băn khoăn, thậm chí lo lắng. Lúc này, chỉ cần một lời minh định của chủ đầu tư là có thể làm sáng tỏ tình hình. Thế nhưng, việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin từ những người có trách nhiệm trong công ty này rất khó khăn.

Cụ thể, sau khi liên hệ với lãnh đạo công ty thông qua số điện thoại cá nhân và nhận được sự chấp thuận về một cuộc trao đổi trực tiếp để cung cấp thông tin, tôi chạy xe hơn 50 km từ cơ quan tới văn phòng công ty ở Long An. Tới nơi, tôi xuất trình các giấy tờ liên quan để được gặp lãnh đạo công ty thì nhận được câu trả lời: “Do có công việc đột xuất nên sếp em có nhắn lại là hẹn gặp anh vào hôm khác”. Hôm khác là hôm nào? Người nhân viên không cho biết mà chỉ nói: “Có gì sẽ thông báo sau”.

Tôi gọi điện cho vị lãnh đạo công ty để đặt lịch hẹn làm việc, nhưng máy báo bận. Không còn cách nào khác, tôi để lại thông tin và nội dung cần trao đổi rồi ra về, hy vọng sẽ sớm nhận được phản hồi.

Do doanh nghiệp im lặng, “cơn khát” thông tin của nhà đầu tư không được đáp ứng, nên nhóm khách hàng đã kéo tới trụ sở công ty, đề nghị thanh lý hợp đồng. Đến nay, dự án khu dân cư vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa được triển khai.

Thực tế, những “shipper thông tin” như chúng tôi bị “bom hàng” diễn ra khá thường xuyên, vì không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng ra mặt để nói về cái khó của họ. Vậy phải làm sao để giúp các nhà đầu tư lựa chọn được sản phẩm tốt, làm sao khơi thông được vướng mắc cho doanh nghiệp, kết nối nhà đầu tư với doanh nghiệp, làm rõ các vấn đề trên thị trường…? Đây là nỗi trăn trở thường trực với những “shipper thông tin”.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục