Nhọc nhằn như nhà thầu đòi nợ

(ĐTCK) Trong điều khoản thanh toán của các hợp đồng thi công công trình xây dựng, thông thường, chủ đầu tư sẽ giữ lại 10% giá trị hợp đồng trong thời gian bảo hành công trình. Không ít nhà thầu đã rơi vào tình cảnh vác đơn kiện ngược xuôi đòi nợ vì chủ đầu tư nhất định không chịu trả khoản tiền này.
Nhà thầu thường đối mặt với rủi ro chủ đầu tư chậm thanh toán, đặc biệt với khoản tiền bảo hành công trình Nhà thầu thường đối mặt với rủi ro chủ đầu tư chậm thanh toán, đặc biệt với khoản tiền bảo hành công trình

Vào khoảng năm 2007, Dự án Keangnam Hà Nội Landmark 79 do Tập đoàn Keangnam Enterprises làm chủ đầu tư là dự án trọng điểm của Hà Nội. Với tổng diện tích mặt sàn thi công gần 700.000 m2, đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam và được coi là biểu tượng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Thủ đô.

Năm 2009, khi bắt đầu triển khai dự án này, Keangnam đã ký hàng loạt hợp đồng với các nhà thầu phụ để đảm bảo tiến độ thi công. Trong đó, Công ty ký hợp đồng thực hiện thiết kế kỹ thuật cung cấp lắp đặt nhôm với hai nhà thầu phụ là Công ty Shenyang Yuanda và Shanghai.

Đến năm 2012, dựa trên khối lượng công việc đã hoàn thành, các bên ký giấy chứng nhận tạm thời, quy định giá trị hợp đồng là 18,4 triệu USD. Tổng số tiền giữ lại là hơn 900.000 USD sẽ được thanh toán trong 60 ngày theo các điều kiện và điều khoản cụ thể.

Hơn một năm sau, nhà thầu phụ được thanh toán tổng số tiền là 16,6 triệu USD và số tiền còn bị treo lại là 1,78 triệu USD. Chủ đầu tư nhiều lần hứa hẹn nhưng không thanh toán.

Năm 2015, Keangnam gặp khó khăn về tài chính và đứng trước nguy cơ phá sản. Cuối năm đó, theo thông tin từ tờ Thời báo Kinh tế Hankyung Hàn Quốc, AON Holdings mua lại tòa tháp Landmark 72 và trở thành ông chủ mới.

Mặc dù tòa tháp đi vào hoạt động và thay tên đổi chủ, nhưng việc thanh toán cho nhà thầu vẫn chưa hoàn tất và nhà thầu phụ vẫn mòn mỏi đi đòi nợ. Năm 2016, Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC đã chấp nhận đơn khởi kiện, buộc Keangnam phải thanh toán cho các nhà thầu phụ số tiền 1,7 triệu USD và tiền lãi 266.000 USD. Keangnam không đồng tình quyết định trên vì cho rằng phán quyết của trọng tài trái với quy định pháp luật Việt Nam về thời hiệu khởi kiện.

Đầu năm 2018, Hội đồng xét đơn - Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xem xét và nhận định ngày 9/8/2016 - thời điểm các nhà thầu phụ nộp đơn nằm trong thời hiệu khởi kiện theo quy định pháp luật. Do đó, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội bác đơn kháng cáo của Keangnam.

Việc nhà thầu phụ bị chủ đầu tư “treo” nghĩa vụ thanh toán trong nhiều năm như hai nhà thầu phụ trên không phải là hiếm trên thị trường. Chẳng hạn như Dự án khu công nghiệp Cái Mép, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ năm 2011, nhưng cho đến nay, nhà thầu phụ vẫn mòn mỏi đợi tiền.

Năm 2010, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (nay là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn – TNHH một thành viên) ký kết các hợp đồng thi công 4 gói thầu san lấp nền với một công ty xây dựng và phát triển đô thị ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các bên thực hiện xong và thanh toán 3 gói thầu, còn lại gói thầu số 17 giá trị hơn 85 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.

Năm 2011, hai bên nghiệm thu hoàn thành công trình. Chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu số tiền 76,6 tỷ đồng, tương đương 90% giá trị quyết toán. Theo hợp đồng thì 10% còn lại tương ứng là 8,5 tỷ đồng, chủ đầu tư có trách nhiệm trả khi hết thời hạn bảo hành vào ngày 15/6/2012.

Tuy nhiên, đến thời điểm trên, dự án bị thanh tra. Đoàn thanh tra TP. HCM kết luận các gói thầu có sai lệch so với hợp đồng hai bên ký kết và chuyển hồ sơ tài liệu cho cơ quan điều tra. Vụ việc kéo dài đến năm 2016. Cơ quan điều tra công văn thể hiện không có cơ sở xác định chính xác khối lượng vật tư san lấp của các gói thầu. Hợp đồng các bên ký kết thực hiện và không có khiếu nại, thắc mắc. Do đó, chủ đầu tư có nghĩa vụ trả số tiền còn lại là 8,5 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả (từ năm 2012 - 2017).

Mới đây (ngày 30/1/2018), Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận sự thỏa thuận của hai bên, buộc chủ đầu tư phải thanh toán cho nhà thầu phụ số tiền 9,9 tỷ đồng gồm nợ gốc và lãi.

Việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán từ chủ đầu tư với 10% giá trị hợp đồng là rủi ro đáng kể của các nhà thầu xây dựng, đẩy nhiều doanh nghiệp xây dựng vào tình cảnh khó khăn. Nhiều doanh nghiệp để có vốn đầu tư thi công công trình đã đi vay vốn, lãi mẹ đẻ lãi con, nên dù kiện đòi nợ thành công thì “đền được vạ, má đã sưng”.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục