Nhìn xa trông rộng: Nhiều doanh nghiệp Việt công bố báo cáo ESG

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc lựa chọn khung tiêu chuẩn công bố thông tin phát triển bền vững phù hợp có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, thể hiện sự sẵn sàng và khả năng nắm bắt cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn xa trông rộng: Nhiều doanh nghiệp Việt công bố báo cáo ESG

Xu hướng tất yếu

Doanh nghiệp Việt đang phải chịu sức ép ngày càng tăng để bắt tay vào quá trình khử cacbon và phát triển bền vững. Hiện EU đã buộc các nhà xuất khẩu vào thị trường này phải trả một khoản thuế tương ứng với mức giá cho phép phát thải. Nhiều nước châu Á bắt buộc doanh nghiệp thực hiện báo cáo bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc) và Philippines đã yêu cầu các công ty đại chúng công bố hiệu quả hoạt động ESG. Trung Quốc cũng dự kiến đưa ra chính sách tương tự đối với các công ty đại chúng trong thời gian tới.

Không chỉ là quy định của các quốc gia, trong hoạt động kinh doanh, nhiều đối tác nước ngoài cũng xem ESG là một trong những yếu tố quan trọng để cân nhắc ký kết hợp tác.

“Xu hướng này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam, cả lớn và nhỏ. Trong tương lai gần, việc công bố dữ liệu ESG trở nên quy củ hơn, giống như như báo cáo dữ liệu kế toán tài chính”, ông Benjamin Soh, Người sáng lập và Giám đốc điều hành STACS - công ty công nghệ và dữ liệu ESG có trụ sở chính tại Singapore - cho biết.

Hiện tại Việt Nam đã có các quy định và hướng dẫn thực hiện báo cáo phát triển bền vững cho doanh nghiệp như Thông tư 96/2022/TT-BTC, Thông tư số 116/2022/TT-BTC, Sổ tay báo cáo bền vững cho các công ty Việt Nam, Hướng dẫn công bố về môi trường và xã hội, quy tắc thực hành tốt nhất về quản trị của Việt Nam…

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte cũng khuyến nghị khi tính tới câu chuyện phát triển tại những sân chơi lớn, thu hút nguồn vốn chất lượng, nhất là nguồn vốn xanh, trái phiếu xanh hay các khoản vay xanh, các doanh nghiệp Việt, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết cần thực hiện báo cáo phát triển bền vững phù hợp để có thể đáp ứng yêu cầu tuân thủ về việc công bố thông tin cho các cơ quan quản lý thị trường và nhà đầu tư.

Và lợi thế cạnh tranh từ ESG

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 được tổ chức mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT khẳng định, phát triển xanh, bền vững có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Bình lấy luôn FPT ra làm ví dụ: “FPT muốn ký hợp đồng, hợp tác với các doanh nghiệp lớn trên thế giới, đặc biệt là các hợp đồng có quy mô chục triệu, trăm triệu USD thì phải có chuyển đổi xanh. Nếu không có xanh thì đối tác không ký”.

Ở một góc nhìn khác, theo đại diện của Vinamilk, ESG không còn là lựa chọn, mà trở thành yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Còn theo nhận định từ giới chuyên môn, ngày càng nhiều thị trường trên thế giới nhất là những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ đều đang áp dụng các quy chuẩn sản xuất bền vững, sản xuất xanh với hàng hoá. Điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp nếu muốn gia nhập các thị trường lớn, tham gia, dẫn dắt chuỗi cung ứng thì phải phát triển xanh, phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp biến trách nhiệm tuân thủ thành lợi thế cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy những doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao hơn đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn 35% và định giá doanh nghiệp cao hơn 20% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp hơn.

Trên thực tế, nhiều DN Việt đã triển khai thực hiện báo cáo ESG quy củ. Theo báo cáo của PwC về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022-2023, 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới.

FPT, cổ phiếu công nghệ duy nhất được xếp trong danh mục 20 cổ phiếu thành phần chỉ số VNSI (Chỉ số phát triển bền vững) do HoSE đánh giá, từ năm 2021 đã triển khai báo cáo ESG tích hợp trong Báo cáo thường niên. Năm 2023, lần đầu tiên, FPT tách riêng báo cáo ESG và công bố cam kết về Net Zero cùng báo cáo các chỉ số về phát thải khí nhà kính ở phạm vi 1 và phạm vi 2. Đồng thời, Báo cáo ESG của họ cũng đưa ra các vấn đề trọng yếu, cam kết và mục tiêu cùng những chương trình hành động cụ thể như cam kết duy trì một môi trường làm việc bình đẳng, tôn trọng cá nhân, không phân biệt đối xử, với mục tiêu tỷ lệ nhân viên nữ luôn đạt trên 35% và số quốc tịch của CBNV luôn trên con số 70.

FPT luôn duy trì một môi trường làm việc bình đẳng, tôn trọng cá nhân, không phân biệt đối xử

FPT luôn duy trì một môi trường làm việc bình đẳng, tôn trọng cá nhân, không phân biệt đối xử

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT khẳng định: “ESG tạo thêm sức mạnh để FPT phát huy giá trị cốt lõi tiếp tục thực hiện sứ mệnh Tập đoàn toàn cầu trường tồn và hạnh phúc”.

Để đón đầu việc xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, Tôn Hòa Phát cũng vừa hoàn thành báo cáo kiểm kê khí nhà kính, nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Trong tháng 2/2024, Thép Hòa Phát Dung Quất đã được BSI kiểm tra xác nhận báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018.

Thảo Nguyên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục