Nhiều ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có thể có hiệu lực từ 1/10/2025

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi được ban hành với chất lượng tốt nhất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, đảm bảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi với nhiều ưu đãi vượt trội cho khoa học, công nghệ có thể thi hành từ 1/10/2025 (sớm hơn ba tháng so với dự kiến).

Nhiều chính sách ưu đãi mới vượt trội

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 12/5 Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, thay mặt cho cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia phát biểu hết sức tâm huyết và trách nhiệm với nhiều nội dung có tính thực tiễn cao. Trên cơ sở các ý kiến của đóng góp, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo Luật được ban hành với chất lượng tốt nhất, theo lời Bộ trưởng.

Trong thời gian có hạn, Bộ trưởng cũng làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.

Về rà soát hệ thống các ưu đãi thuế để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển các lĩnh vực, ngành, địa bàn ưu tiên, theo Bộ trưởng, tại Kỳ họp thứ 8, trên cơ sở rà soát các pháp luật hiện hành và căn cứ vào tình hình chung, tránh ưu đãi dàn trải, gây xói mòn cơ sở thuế, Chính phủ cũng đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các đối tượng hưởng ưu đãi, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi.

Trong đó tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và thúc đẩy đầu tư vào các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và các vùng đặc biệt khó khăn.

“Việc rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại dự thảo luật cũng đã tính toán hợp lý để một mặt không ảnh hưởng đến tổng thể chung về chính sách ưu đãi mà chúng ta đang áp dụng, nhưng đồng thời cũng có những chính sách ưu đãi mới vượt trội để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn mà chúng ta cần phải khuyến khích”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải trình.

Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng đã chủ động rà soát kinh nghiệm của quốc tế, xu hướng áp dụng chính sách ưu đãi của các nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh phải thực hiện Trụ cột hai về thuế tối thiểu toàn cầu để xây dựng chính sách ưu đãi phù hợp nhằm tiếp tục thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các chính sách đảm bảo khuyến khích được sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân. Theo đó, Chính phủ đang nghiên cứu các phương thức để hỗ trợ gián tiếp, đảm bảo không vi phạm các cam kết, các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.

Ngoài ra, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách ưu đãi thuế, đảm bảo các chính sách thuế chỉ được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế, tránh việc quy định chính sách ưu đãi thuế dàn trải tại các văn bản luật chuyên ngành khác, tại dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp các luật khác có quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác với quy định của luật này thì thực hiện theo quy định của luật này.

“Về nguyên tắc các ưu đãi thuế chỉ nên được quy định trong các văn bản luật về thuế. Đồng thời chúng ta cần phải chấm dứt việc lồng ghép các chính sách ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành để đảm bảo cái tính tổng thể, nhất quán và dễ thực hiện”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Ưu đãi đột phá hơn cho khoa học công nghệ

Lần sửa đổi này, một nội dung rất được chú trọng là hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để góp phần thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ-TW của Bộ Chính trị. Tại dự thảo, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung tiếp nhiều ưu đãi đột phá hơn so với quy định hiện hành liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cụ thể là bổ sung khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là khoản chi được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; bổ sung khoản chi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định mức chi bổ sung, điều kiện và phạm vi áp dụng đối với khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp để có cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.

“Kinh nghiệm một số nước thì người ta không quy định cứng mà giao Chính phủ. Để đảm bảo linh hoạt, đảm bảo tính thực tiễn, chúng tôi cũng đề nghị tiếp tục giao nhiệm vụ này cho Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo Quốc hội.

Dự thảo cũng bổ sung quy định các khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khoản thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thuộc đối tượng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, nhiều chính sách ưu đãi cũng được bổ sung vào các Luật thuế khác như Luật Thuế xuất nhập khẩu, thuế xuất khẩu, nhập khẩu và dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân thay thế để trình Quốc hội trong thời gian tới. Ngay dự thảo luật sửa 7 luật trình Quốc hội tại kỳ này cũng tập trung vào việc sửa đổi các thể chế để thực hiện triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Liên quan đến khoản chi phí, chi phí được trừ, tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ trình Quốc hội quy định các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, trong thực tiễn thì khi thực hiện có một số khoản chi liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không tương ứng với doanh thu tính thuế như là chi phí đấu thầu, chi phí nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm… Ngoài ra, còn có những khoản chi không vì mục tiêu lợi nhuận và các quỹ đóng góp của doanh nghiệp theo theo pháp luật. Nếu thực hiện theo nguyên tắc trên thì doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ.

Qua rà soát, dự thảo luật cũng đã bổ sung một số khoản chi được tính vào chi phí được trừ. Đồng thời, tiếp thu ý kiến các đại biểu, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát để bổ sung đầy đủ nhất có thể, Bộ trưởng hồi âm.

Tiếp thu ý kiến đại biểu về thuế với lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công lập

Trong phiên thảo luận, ưu đãi thuế với lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công lập cũng là vấn đề được nhiều đại biểu phát biểu, tranh luận. Theo Luật hiện hành, đơn vị sự nghiệp công lập xác định được doanh thu, chi phí thu nhập thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp thông thường. Trường hợp xác định được doanh thu, nhưng không xác định chi phí, thu nhập thì kê khai nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu thực tế, hiện nhiều đơn vị sự nghiệp công lập vừa thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vừa cung cấp dịch vụ sự nghiệp không sử dụng kinh phí nhà nước hoặc sử dụng một phần.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết định mức giá theo nguyên tắc thị trường hoặc liên doanh, liên kết để thực hiện kinh doanh thu lợi nhuận thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định như hoạt động kinh doanh bình thường là phù hợp.

Tuy nhiên, với những đơn vị sử dụng kinh phí nhà nước nhưng giá dịch vụ chưa được tính đủ chi phí, ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ chi phí thì không phải hoạt động kinh doanh tạo lợi nhuận, Bộ trưởng nêu.

Ông khẳng định, việc các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ cơ bản, thiết yếu có ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động đến toàn bộ người dân phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện hành là chưa phù hợp.

Do đó, tại dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã có tính toán và đưa vào nhiều nội dung, trong đó có hai nội dung rất quan trọng.

Một là, miễn thuế với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công bao gồm dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền ban hành; dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước phải hỗ trợ đảm bảo kinh phí hoạt động do chưa tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ trong giá dịch vụ; dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Hai là, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được giảm 50 % số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở địa bàn có điều kiện xã hội khó khăn.

Tuy nhiên, từ ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng "hứa" sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh dự thảo để đảm bảo phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp nhưng đồng thời không để thất thoát thuế, thất thoát ngân sách nhà nước.

Đối với các chính sách ưu đãi liên quan đến Luật được nêu tại các Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội là Chính phủ sẽ tiếp tục tiếp tục trình Quốc hội để thể chế hoá sớm nhất các nội dung có thể đưa ngay vào Luật này cũng như các luật sắp tới trình Quốc hội.

Song, Bộ trưởng cũng nói thêm là, Chính phủ đang trình Quốc hội ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW. Một số chính sách được đưa vào Nghị quyết cũng là một hình thức thí điểm để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong thời gian thời gian tới.

Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị chỉ đưa vào Luật những nội dung đã chắc, đã chín. Còn lại, sẽ đưa vào Nghị quyết của Quốc hội ban hành ngay trong kỳ họp này. Sau khi chính sách được thực hiện ổn định, sẽ đưa vào trong các luật.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục