Nhiều tổ chức đã giải ngân

(ĐTCK-online) TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mới nổi hồi phục nhanh nhất thế giới trong tháng 7 vừa qua. Thị trường liệu có tăng trưởng bền vững khi phần lớn NĐT đã thay đổi chiến thuật đầu tư: thay vì nắm dài hạn là lướt sóng ngắn hạn? Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Phân tích và Nghiên cứu, CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF).
Ông Ngô Văn Minh Ông Ngô Văn Minh

Xin ông cho biết nền tảng tăng trưởng của thị trường giai đoạn này là gì, đâu là điểm tựa vững chắc cho thị trường?

Năm 2008, TTCK Việt Nam nằm trong nhóm những thị trường mất điểm nhiều nhất, bởi vậy khi phục hồi thì điều ngược lại xảy ra là có thể giải thích được. Có 3 lý do để giải thích cho việc niềm tin quay trở lại và ngày càng củng cố cũng như sự phục hồi mạnh của TTCK trong thời gian qua, đó là: hiệu ứng của gói kích cầu số 1; nội tại nền kinh tế vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định ở mức độ dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái; kỳ vọng về khả năng thoát khỏi suy thoái và dần phục hồi trở lại của nền kinh tế Mỹ và thế giới. Tóm lại, các yếu tố vĩ mô cải thiện là nền tảng cho sự phục hồi của TTCK trong thời gian qua. Xét về trung hạn, năm 2009 sẽ là năm thị trường có xu hướng tăng trưởng, tuy nhiên trong từng thời kỳ ngắn hạn, sau những đợt tăng nóng thì thị trường sẽ có những đợt điều chỉnh giảm.

Đến thời điểm này, các NĐT tổ chức (quỹ đầu tư) đã giải ngân ra sao? NĐT tổ chức có còn giữ vai trò ổn định thị trường khi họ cũng đầu tư lướt sóng?

Hiện khá nhiều tổ chức đã cơ bản hoàn thiện việc giải ngân với tỷ trọng thích ứng theo chính sách của từng tổ chức. Quan điểm đầu tư của các tổ chức hiện nay cũng đã có sự thay đổi mang tính linh hoạt và mềm dẻo hơn. Trên quan điểm tổ chức thì đầu tư trung dài hạn vẫn là nền tảng chính, tuy nhiên trong từng chu kỳ biến động theo sóng của thị trường thì việc tận dụng cơ hội để đầu tư ngắn hạn (lướt sóng) đối với tổ chức hiện nay là việc làm không có gì ngạc nhiên. Vai trò bình ổn thị trường, theo tôi, chưa thực sự có những tổ chức đủ điều kiện để thực hiện, nhưng tâm lý "bầy đàn" trên TTCK đã giảm thiểu khá nhiều so với trước đây. Bởi vậy, hoạt động giao dịch ngắn hạn của các tổ chức cũng phần nào góp phần làm cho thị trường giảm thiểu sự tăng - giảm đồng loạt như trước đây.

Hiện thông tin tài chính DN quý II hầu hết đã được công bố. Vậy trong thời gian tới, những thông tin nào có thể hỗ trợ thị trường? Ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế những tháng cuối năm và xu hướng trên TTCK?

Nhân tố chính hỗ trợ TTCK trong thời gian qua là các thông tin vĩ mô tích cực từ thị trường quốc tế: nền kinh tế Đức, Nhật Bản, Pháp đã tăng trở lại trong quý II, trong khi kinh tế Mỹ đang có hy vọng sẽ tăng trở lại trong quý III. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm lo ngại về khả năng phục hồi sớm của nền kinh tế Mỹ khi mà niềm tin của người tiêu dùng có dấu hiệu kém tích cực trở lại, giá nhà đất vẫn suy giảm, tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng Mỹ, đặc biệt nợ xấu bất động sản và tín dụng thẻ tiêu dùng vẫn còn nặng nề (hơn 150 tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 5%), sức mua tiêu dùng chưa được khẳng định có sự tăng trưởng ổn định trở lại.

Về nội tại của Việt Nam, khả năng sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt cho 6 tháng cuối năm cũng như tính khả thi của việc đưa ra gói kích cầu tiếp theo có thể là những thông tin hỗ trợ thị trường.

Triển vọng kinh tế thời gian tới nói chung là đáng được hy vọng và chúng ta có thể lạc quan một cách thận trọng về sự ổn định trở lại của nền kinh tế. Bởi vậy, TTCK sẽ có sự khởi sắc vào thời điểm cuối quý III, đầu quý IV, khi dòng tiền tín dụng được khơi thông để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm nay của Việt Nam.

Giai đoạn này bắt đầu có sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu. SHF đánh giá cao những nhóm ngành nào và ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu gì?

Trong xu thế tăng trung hạn thì việc mua và giữ các cổ phiếu tốt có thể hiệu quả hơn việc nhảy ra nhảy vào lướt sóng. Những ngành bị tác động mạnh nhất bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế sẽ là những ngành sẽ tăng trưởng nhanh nhất khi kinh tế phục hồi. Các ngành có ưu thế sắp tới có thể là tài chính - ngân hàng, chứng khoán, vận tải, bất động sản, vật liệu xây dựng, khoáng sản, dầu khí, các công ty có tỷ trọng đầu tư tài chính lớn (đặc biệt là đầu tư cổ phiếu trong những nhóm trên).

Nhóm ngành chúng tôi dành sự quan tâm nhiều nhất trong các ngành nêu trên là tài chính, bất động sản. Tuy nhiên, khi chưa có sự khẳng định suy thoái kinh tế chấm dứt thì phương án phòng ngừa được chúng tôi đề cao, nhìn chung là từng thời kỳ luôn có cách nhìn đa phương và biện pháp thực hiện cho từng kịch bản xảy ra.

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ