Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn

(ĐTCK) Trong khi kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng nhỏ không thể hoàn tất, thì nhiều ngân hàng lớn có quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn lên kế hoạch phát hành thêm trong năm nay.
Kế hoạch tăng vốn thêm 6,12% của Eximbank cuối năm 2013 từ chia cổ tức bằng cổ phiếu không thực hiện được Kế hoạch tăng vốn thêm 6,12% của Eximbank cuối năm 2013 từ chia cổ tức bằng cổ phiếu không thực hiện được

Yêu cầu bức thiết

Sacombank đang có ý định tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, trước khi nhận sáp nhập Southern Bank, để nâng vốn điều lệ lên 13.483 tỷ đồng vào cuối năm 2014. Nếu hoàn thành việc sáp nhập Southern Bank trong năm nay, vốn điều lệ của Ngân hàng sau sáp nhập sẽ là 16.483 tỷ đồng. Sacombank lý giải, sở dĩ phải tăng thêm vốn trong năm nay là do kế hoạch tăng vốn năm 2013 chưa được thực hiện một cách đầy đủ.

Cụ thể, theo Nghị quyết ĐCHĐ thường niên 2013 của Sacombank, trong năm 2013, Ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 53%. Trong đó, phát hành cổ phiếu trả cổ tức 14%, phát hành cổ phiếu cho cán bộ cốt cán tỷ lệ 3%, chuyển nhượng cổ phiếu quỹ và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài 20% vốn điều lệ; phát hành cổ phiếu thưởng 15%. Tuy nhiên, Sacombank chưa thể hoàn tất được việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Nguyên nhân được cho là nhà đầu tư nước ngoài e ngại về sở hữu chéo của một số cổ đông lớn đang nắm cổ phiếu Sacombank.

Với SCB, tại ĐHCĐ diễn ra hôm nay (17/3), HĐQT Ngân hàng cũng trình cổ đông kế hoạch tăng thêm 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ so với mức 12.295 tỷ đồng hiện nay, để nâng cao năng lực tài chính, phục vụ quá trình tái cấu trúc.

Hàng loạt ngân hàng quy mô nhỏ (vốn điều lệ từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng) cũng đã lên kế hoạch tăng vốn trong những năm gần đây. Đầu năm nay, BacA Bank chào bán 70 triệu cổ phiếu, với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ dồng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng quản trị rủi ro, mở rộng mạng lưới.

Có dễ thực thi?

Mong muốn là thế, nhưng thực tế, việc tăng vốn trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng còn nhiều khó khăn là không dễ.

Chẳng hạn, tại BacA Bank, không ít ý kiến cho rằng, với giá chào bán 10.000 đồng/CP, khó có thể thu hút được nhà đầu tư. Kế hoạch tăng vốn của VietA Bank, Navibank, Southern Bank, NamA Bank được dự báo cũng không dễ thành công.

Hiện giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng chưa niêm yết, trong đó có cả nhà băng lớn, đã rời xa mệnh giá. Vì thế, việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ trong lúc này là điều không dễ. Còn phương án tăng vốn từ nguồn thặng dư, phát hành cổ phiếu thưởng, chi trả cổ tức cho cổ đông… của một số ngân hàng cũng không thể thực hiện, do lợi nhuận năm qua giảm mạnh.

Đơn cử, tại Eximbank, năm qua, nhà băng này không hoàn tất kế hoạch tăng vốn từ việc chia cổ phiếu thưởng và trả cổ tức theo Nghị quyết ĐHCĐ 2013. Cụ thể, Eximbank đặt kế hoạch phát hành trên 756 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 6,12%, để nâng vốn điều lệ lên trên 13.111 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Nguồn phát hành là lợi nhuận trong năm 2013. Nhưng đến nay, Eximbank vẫn chưa triển khai được kế hoạch tăng vốn đó. Lý do là năm qua, lợi nhuận của Ngân hàng khá thấp, chỉ hoàn thành hơn 30% so với chỉ tiêu đưa ra 3.200 tỷ đồng. Trong khi đó, HĐQT Eximbank quyết định dùng nguồn lợi nhuận để mua vào 62 triệu cổ phiếu quỹ và đến thời điểm này đã mua được hơn 6 triệu cổ phiếu quỹ. Năm 2014, HĐQT Eximbank đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng, cổ tức 8,5%.

Tương tự, VietA Bank năm qua cũng không thể thực hiện được kế hoạch phát hành 40,2 triệu cổ phiếu (tương đương 402 tỷ đồng) để tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng. Cụ thể, HĐQT VietA Bank dự kiến phát hành trên 12,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ lợi nhuận sau thuế năm 2012 để chi trả cổ tức năm 2013; phát hành trên 10,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần; phát hành gần 6,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ Quỹ dự trữ bổ dung vốn điều lệ và nhà băng này dự kiến phát hành trên 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, các cổ đông chiến lược.

Lý giải về việc này, một lãnh đạo của VietA Bank cho biết, do Ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu nên phải dùng mọi nguồn lực để phục vụ cho đề án này, vì thế, việc chi trả cổ tức cho cổ đông cũng phải được tính toán.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi giá cổ phiếu ngân hàng mất tính hấp dẫn, để huy động được 110 tỷ đồng (tương đương 11 triệu cổ phiếu) từ cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược rất khó. Tuy nhiên, HĐQT VietA Bank đang cố gắng hoàn tất kế hoạch tăng vốn này.

Sacombank có phần tự tin hơn trong việc thực hiện kế hoạch tăng vốn trong những năm qua và năm 2014 này. Lãnh đạo Sacombank cho hay, nguồn để tăng thêm vốn điều lệ vẫn từ việc chia cổ phiếu thưởng (trên 142,5 tỷ đồng); trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8% trên vốn cổ phần đã trừ cổ phiếu quỹ (hơn 914 tỷ đồng) nên Ngân hàng không chịu áp lực trong việc phát hành và huy động vốn từ cổ đông.

Tuy nhiên, khi vốn điều lệ tăng cao, áp lực về lợi tức chi trả cho cổ đông của Sacombank cũng sẽ tăng. Với mức vốn điều lệ dự kiến đạt 13.483 tỷ đồng vào cuối năm 2014, nhưng Sacombank chỉ đặt mục tiêu lãi 3.000 tỷ đồng trước thuế, chỉ tăng 6% so với năm ngoái; tỷ lệ cổ tức 10 - 12%. Trong khi đó, năm 2013, Sacombank chi trả cổ tức 16% cho cổ đông; trong đó, có 8% đã được thanh toán bằng tiền mặt, 8% còn lại sẽ được chi trả bằng cổ phiếu.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục