Hai năm trôi qua, kế hoạch tăng vốn của VietA Bank vẫn dậm chân tại chỗ
Không thể tăng vốn
Nhắc đến kế hoạch tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, Southern Bank, VietA Bank, NamA Bank, NaviBank, KienLongBank… là những cái tên khá quen thuộc.
Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, các nhà băng này vẫn “bó tay” với việc phát hành cổ phiếu để tăng thêm vốn như kế hoạch đề ra. Nguyên nhân một phần là do TTCK sụt giảm, giá cổ phiếu ngân hàng, nhất là với các nhà băng nhỏ không còn sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Năm 2013, kế hoạch tăng vốn của nhiều nhà băng được dự kiến triển khai vào quý IV, nhưng dường như đều khó thành hiện thực.
Đơn cử như VietA Bank, kế hoạch nâng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng được Ngân hàng xây dựng từ đầu năm 2012 và tiếp tục được thông qua tại ĐHCĐ năm 2013. Nhưng gần hết năm 2013, VietA Bank vẫn chưa có động tĩnh gì đối với kế hoạch này.
Một trong những nguyên nhân khiến VietA Bank chưa nâng được vốn điều lệ là do cổ đông lớn của Ngân hàng, là Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thoái vốn. Hơn nữa, với diễn biến TTCK trong 2 năm qua, VietA Bank khó có thể thực hiện kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cho dù phát hành bằng mệnh giá.
NamA Bank cũng không hoàn tất được kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng trong nhiều năm, do cổ phiếu xuống giá.
Với KienLong Bank, áp lực thoái vốn của các cổ đông lớn, trong đó có ACB, cũng khiến nhà băng này không thể thực hiện kế hoạch tăng vốn. Hiện vốn điều lệ của nhà băng này vẫn ở mức 3.000 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác như DaiA Bank, Eximbank và VietBank… cũng chịu áp lực thoái vốn từ ACB khi ngân hàng này khủng hoảng vào cuối năm 2012 và buộc phải thoái vốn tại các ngân hàng đã đầu tư trước đây.
Kỳ vọng vốn ngoại
Đầu năm nay, khi ĐHCĐ KienLong Bank diễn ra đã có sự thay đổi bất ngờ về các thành viên chủ chốt trong HĐQT và Ban điều hành khi “bầu” Thắng (ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT gạch Đồng Tâm) trúng cử vào ghế Chủ tịch HĐQT.
Việc thay đổi này đã khiến nhiều người hoài nghi về việc KienLong Bank sẽ sáp nhập hoặc bán lại cho một tổ chức tài chính khác. Song HĐQT nhà băng này đã lên tiếng phủ nhận thông tin việc sáp nhập.
Tuy nhiên, để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, tránh tình trạng bị sáp nhập, thâu tóm khi làn sóng M&A ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ cho rằng, KienLong Bank cần thiết phải tìm cho mình đối tác chiến lược cả trong và ngoài nước, để hỗ trợ Ngân hàng trong việc tăng vốn. Hiện KienLong Bank vẫn chưa có đối tác chiến lược nước ngoài.
Không chỉ KienLong Bank, nhiều ngân hàng cũng cho biết đang tìm kiếm đối tác chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại.
Cụ thể, như VietA Bank, tuy không nằm trong danh sách 9 NHTM yếu kém phải cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN, nhưng trước bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp yếu… nợ xấu của VietA Bank tăng cao, lên xấp xỉ 5% trong năm 2012. Vì thế, VietA Bank cũng đang từng bước tự tái cơ cấu và tìm kiếm đối tác chiến lược.
NamA Bank cũng cho biết đang lên kế hoạch gọi vốn từ cổ đông ngoại và nếu tìm được đối tác phù hợp, Ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, thông tin mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào ngân hàng Việt Nam, nhất là ở những nhà băng nhỏ, yếu kém, lên 49% thay thế cho mức 30% hiện nay, thị trường kỳ vọng sẽ có một dòng tiền lớn, góp phần giúp các nhà băng nhỏ đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu.
“Nếu được phép nới ‘room’ lên 49%, SCB cũng sẽ tính đến việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ cho phép tối đa để nâng cao tiềm lực tài chính, đẩy mạnh quá trình cơ cấu đang triển khai”, một lãnh đạo SCB cho biết.