Trong 3 năm qua, cổ đông Southern Bank không hề nhận được một đồng cổ tức nào, lý do được nhà băng này đưa ra là do lợi nhuận sụt giảm so với chỉ tiêu xây dựng.
Thực tế, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng trong năm 2011, 2012 vẫn đạt trên dưới 100 tỷ đồng, nhưng nợ xấu tăng cao khiến Southern Bank phải trích dự phòng rủi ro cao và mất luôn khả năng chi trả cổ tức.
Tính đến ngày 31/12/2013, Southern Bank có hơn 1.600 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 3,71% tổng dư nợ, tăng 0,8% so với năm 2012; trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm khoảng 1.000 tỷ đồng. Nợ xấu tăng kéo theo trích lập dự phòng cao, khiến lợi nhuận sau thuế năm 2013 của Southern Bank chỉ đạt 18 tỷ đồng, nên HĐQT ngân hàng dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông về việc không chia cổ tức tại ĐHCĐ diễn ra vào ngày 16/4 tới.
Khoản lợi nhuận năm qua Southern Bank dự kiến sẽ giữ lại để hỗ trợ vốn cho hoạt động kinh doanh. Song trong tài liệu chuẩn bị ĐHCĐ, Ngân hàng dự kiến trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận 2013, trong đó thù lao cho HĐQT, Ban kiểm soát chiếm 66% tổng lợi nhuận, hơn 12 tỷ đồng. Riêng thư ký HĐQT được đề xuất trả thù lao hơn nửa tỷ đồng.
Cũng tại ĐHCĐ lần này, Southern Bank sẽ xin cổ đông thông qua việc sáp nhập với Sacombank. HĐQT đề xuất cổ đông ủy quyền để quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập, từ quyết định tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu đến các thủ tục để hoàn tất thương vụ. Kế hoạch này khiến không ít cổ đông Southern Bank lo ngại, vì số cổ tức mà họ đã không nhận được từ Ngân hàng trong nhiều năm qua có khả năng sẽ mất khi sáp nhập vào Sacombank. Dự kiến việc sáp nhập sẽ hoàn tất ngay trong năm 2014.
Theo kế hoạch trình cổ đông tại ĐHCĐ vào ngày 19/4 tới, Maritime Bank cũng không có chủ trương chi trả cổ tức năm 2013 cho cổ đông, cho dù lợi nhuận năm qua vẫn đạt trên 400 tỷ đồng và thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát dự kiến lên tới 13 tỷ đồng. Nhà băng này cho biết, năm 2014 dự kiến tiếp tục không chi trả cổ tức.
Một số nhà băng khác dù vẫn trả cổ tức, nhưng tỷ lệ rất thấp. Tại MeKong Bank, năm qua, nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, song kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, chỉ đạt 110 tỷ đồng so với chỉ tiêu ban đầu là 300 tỷ đồng trước thuế.
Vì thế, cổ tức chi trả cho cổ đông cũng chỉ ở mức khiêm tốn, 1,5% so với chỉ tiêu ban đầu là 3,5%. Kế hoạch cổ tức năm 2014 được HĐQT MeKong Bank dự kiến trình cổ đông trong kỳ họp ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 15/4 tới là 3,5%.
Trước tình hình khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, giảm số lượng ngân hàng yếu kém, MeKong Bank không thể tránh khỏi xu thế sẽ phải sáp nhập vào một ngân hàng khác, cụ thể là Maritime Bank.
Còn với SaigonBank, kế hoạch chi trả cổ tức năm 2013 cũng chỉ có 3,5%, cho dù năm qua nhà băng này đạt trên 228 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 2,75% chỉ tiêu sau điều chỉnh. Cổ tức dự kiến trong 2014 của SaigonBank ngang bằng so với năm 2013 và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 230 tỷ đồng.
Có thể nói, cổ tức là vấn đề luôn được các cổ đông ngân hàng quan tâm chất vấn trong mùa Đại hội. Tuy nhiên, do lợi nhuận ngân hàng những năm gần đây sụt giảm đáng kể, đặc biệt là với những ngân hàng đang tái cấu trúc trong thời kỳ hậu M&A, lợi nhuận chủ yếu dành để trích lập dự phòng rủi ro và phục vụ cho quá trình tái cơ cấu.
Tại ĐHCĐ NamA Bank diễn ra ngày 27/3, bà Nguyễn Thị Xuân Loan, nguyên Chủ tịch HĐQT NamA Bank cho biết, Ngân hàng sẽ trả cổ tức năm 2013 ở mức 7% cho cổ đông. Năm qua, NamA Bank đã tạm ứng tỷ lệ 3% cổ tức cho cổ đông.
Kế hoạch cổ tức dự kiến cho năm 2014 của NamA Bank cũng ngang ngửa mức trên. Theo lý giải của bà Loan, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành ngân hàng, NamABank chia cổ tức 7% là hợp lý, do tình hình tăng trưởng tín dụng trong những năm gần đây khó khăn, trích lập dự phòng cao và lợi nhuận không đạt kỳ vọng. Do đó, HĐQT NamA Bank mong muốn cổ đông cùng chia sẻ với Ngân hàng trong lúc này.