13 hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Dệt may, da giày, sữa, bia rượu-nước giải khát thực phẩm... nêu một loạt vấn đề chưa hợp lý trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đồng thời đề xuất nhiều nội dung, như giảm tỷ lệ đóng BHXH, giảm tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu...
Đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội
Các hiệp hội cho rằng, Dự thảo quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc, gồm BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và người sử dụng lao động có hợp đồng lao động vẫn giữ như Luật BHXH 2014. Có nghĩa, tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động lên tới 32%, là tỷ lệ đóng BHXH rất cao.
Cụ thể, tỷ lệ đóng BHXH của người sử dụng lao động ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước. Malaysia đóng 16,5%, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%, Campuchia 6,1%, Thái Lan 5%, Myanma 2%, Bangladesh 0%...
Trên cơ sở này, các hiệp hội đề nghị, đối với tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động, nên đưa về mức đóng của năm 2009, tức là người lao động đóng 5% và người sử dụng lao động đóng 15%, tổng cộng 20%, chứ không phải 25,5% hiện nay (người sử dụng lao động đóng 17,5%, trong đó 3% quỹ ốm đau thai sản, 14% quỹ hưu trí và tử tuất và 0,5% bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và người lao động đóng 8%).
Đối với tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp, hiện tại Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã kết dư quá nhiều, trong khi mục đích của Quỹ nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, và khi quỹ đã kết dư quá nhiều thì cần giảm mức đóng để điều chỉnh quỹ về mức cân bằng.
"Nên giảm tỷ lệ đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động còn 0,5% và của người sử dụng lao động còn 0,5% và có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế", 13 hiệp hội đề xuất.
Cho rằng, tỷ lệ đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam là quá cao so với các nước khác, nhưng người lao động tại các nước này vẫn đảm bảo chi tiêu cuộc sống khi về hưu, còn trên thực tế tại thời điểm đóng vào quỹ thì giá trị tiền người sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam đóng không hề thấp.
Do đó, các hiệp hội đề xuất, Việt Nam cần xem xét tổng thể việc quản lý một cách hiệu quả quỹ BHXH cũng như cách tính trượt giá nói riêng và nền kinh tế vĩ mô nói chung để tuy giảm tỷ lệ đóng BHXH nhưng vẫn đảm bảo lương hưu thực tế của người lao động đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống.
Về mức hưởng các chế độ thai sản, hưu trí, tử tuất chỉ theo 1 mức tiền cụ thể hoặc dựa trên mức lương cơ sở, các hiệp hội doanh nghiệp khẳng định: "Không hợp lý".
Bởi, nguyên tắc của bảo hiểm là có đóng có hưởng, việc hưởng phải dựa trên mức đóng. Nền đóng là lương tối thiểu vùng, tại sao chế độ hưởng lại theo mức lương cơ sở, trong khi Chính phủ tiến tới sẽ bỏ mức lương cơ sở. Như vậy, quy định hưởng các chế độ theo 1 mức tiền cụ thể thì qua mỗi năm các chỉ số CPI lại tăng thì mức tiền hưởng chế độ này không còn phù hợp thực tế.
Các hiệp hội đề xuất, quy định nền đóng BHXH và mức hưởng các chế độ đều căn cứ theo lương tối thiểu vùng.
Thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu
Cả 11 hiệp hội, ngành hàng cho rằng, cách tính trợ cấp 1 lần cho những năm vượt quá thời gian để hưởng BHXH 75% đang được tính bằng “mỗi năm đóng BHXH cao hơn thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH”, cũng như cách tính tỷ lệ nghỉ lương hưu của những người tham gia đóng BHXH vượt quá số năm quy định để được hưởng mức BHXH 75% là không hợp lý.
Bởi, đối với người lao động muốn rời quỹ BHXH và nhận trợ cấp BHXH một lần thì mỗi năm làm việc (sau 2014) được 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, trong khi đó, người lao động vẫn ở lại với quỹ BHXH và đóng góp hơn 30 năm chỉ được nhận 0,5 lần.
Vì vậy, các hiệp hội này đề xuất, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa nên tính dựa trên tổng thời gian tham gia BHXH tương ứng, không nên áp mức trần 75%.
Liên quan đến quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau, đề xuất chỉnh sửa quy định tại khoản 2 về chế độ người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Cụ thể, giữ nguyên như luật BHXH hiện hành theo khoản 2 Điều 26.
Người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng cũng là nội dung được đề cập trong công văn của các hiệp hội gửi các cơ quan ban ngành.
Đề xuất, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu) và có thời gian đóng BHXH trên 20 năm thì được quyền về hưu, mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi 01 tháng lương hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% tương ứng với 1 năm như Luật BHXH 2006.
Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu) và có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ và 32 năm đối với nam sẽ được về hưu ngay và hưởng hưu tối đa là 75%.
Thực tế, nhiều người lao động 50-55 tuổi, sức khỏe đã giảm sút, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công việc, thậm chí rất khó tìm được việc làm và có thời gian đóng BHXH đã đủ 20 năm thậm chí 30 năm, thời gian và số tiền đóng cho BHXH là đã đủ lớn. Nếu chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống.
Quan trọng hơn, việc để người lao động lớn tuổi về hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ có nhiều cơ hội việc làm.
"Các cơ quan xem xét, cân nhắc điều chỉnh và bổ sung mới để Dự thảo được ban hành không những phù hợp với thực tế của Việt Nam mà còn các nước cạnh tranh khác, là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động", 13 hiệp hội doanh nghiệp nhấn mạnh.