Chậm đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng, riêng khu vực doanh nghiệp FDI giảm

0:00 / 0:00
0:00
Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2022 của người lao động là hơn 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 0,55% so với năm 2021.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Trong năm 2022, tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp tục gia tăng, trong đó việc chậm đóng BHXH chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chiếm hơn 80% tổng số tiền chậm đóng.

Thông tin trên được nêu tại báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2022, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Theo báo cáo, tổng số đối tượng tham gia BHXH tính đến hết ngày 31/12/2022 là 17,5 triệu người chiếm 38,01% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Số tiền thu BHXH bắt buộc trong năm 2022 là hơn 299,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 35,8 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương với mức tăng 13,6%).

Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2022 của người lao động là hơn 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 0,55% so với năm 2021.

Trong đó, mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước là khoảng gần 6,69 triệu đồng/tháng, tăng 1,6% so với năm 2021

Khu vực khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài (FDI, tổ chức nước ngoài) là khoảng 6,23 triệu đồng/tháng, tăng 1,48% so với năm 2021;

Khu vực ngoài quốc doanh khoảng 5,27 triệu đồng/tháng, tăng 3,34% so với năm 2021.

Về tình hình chậm đóng vào quỹ BHXH, báo cáo nêu, tính đến ngày 31/12/2022 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 8.560,9 tỷ đồng, tăng 121,1 tỷ đồng so với năm 2021, tương đương mức tăng 1,44%. Lãi phạt chậm đóng là 3.438,3 tỷ đồng.

Trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước chậm đóng BHXH là 790,3 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021, chiếm 9,23% tổng số tiền chậm đóng.

Khu vực doanh nghiệp FDI, tổ chức nước ngoài chậm đóng BHXH là 663,1 tỷ đồng, giảm 9,83% so với năm 2021, chiếm 7,75% tổng số tiền chậm đóng.

Khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chậm đóng BHXH là 6.890,3 tỷ đồng, tăng 3,66% so với năm 2021, chiếm 80,49% tổng số tiền chậm đóng.

Như vậy, trong năm 2022, tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng, trong đó, việc chậm đóng BHXH chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm hơn 80% tổng số tiền chậm đóng.

Phân loại theo thời gian chậm đóng thì từ 3 năm trở lên là 4.822,6 tỷ đồng (tăng 654,79 tỷ đồng so với năm 2021), chiếm 56,33%.

Đáng chú ý là tính đến thời điểm ngày 30/5/2023, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan BHXH thu không đúng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với 3.567 chủ hộ kinh doanh. Tổng số tiền thu vào quỹ BHXH là khoảng 113 tỷ đồng.

Về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, theo báo cáo, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2022 là hơn 14,33 triệu người, tăng hơn 929,9 nghìn người so với năm 2021, tương đương với mức tăng 6,94%, chiếm 31,13% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Số thu bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2022 là hơn 14,42 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 2,59 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, tương đương với mức giảm 15,26%.

Năm 2022, có hơn 983.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 22,68% so với năm 2021 Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2022 là hơn 975,3 nghìn người, tăng 27,55% so với năm 2021 và chiếm 99,13% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo chương trình phiên họp thứ 26 (tháng 9/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến bằng văn bản các báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và việc quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá 2 năm 2021 và năm 2022; kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2022; tình hình thực hiện quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2022.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục