Nhiều doanh nghiệp Việt vươn lên trở thành niềm tự hào quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường như VinFast, Hòa Phát, Viettel...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra tối 12/12 với sự tham dự của hàng nghìn doanh nghiệp trong nhóm ngành sản xuất và xuất khẩu tôm trên cả nước.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong suốt chiều dài lịch sử, tinh thần yêu nước và lòng tự tôn, tự hào dân tộc luôn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển của đất nước. Việc lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam, của người Việt Nam sản xuất, chính là biểu hiện cụ thể, sinh động của tinh thần ấy trong đời sống hàng ngày.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó có 3 lợi ích căn bản. Thứ nhất, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Thứ hai, khích lệ tinh thần sáng tạo và trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam. Thứ ba, góp phần gìn giữ bản sắc, truyền bá văn hóa, tạo dựng và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường, đơn cử như: VinFast trong ngành xe điện, Hòa Phát trong ngành thép, Viettel trong lĩnh vực viễn thông, Vinamilk, TH trong ngành sữa, GrowMax trong ngành tôm…

“Nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên đóng góp cho ổn định và tăng trưởng kinh tế, cũng như xuất khẩu, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và đã trở thành niềm tự hào quốc gia, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp đã biến áp lực thành động lực để ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, nỗ lực không ngừng nghỉ để cải tiến sản phẩm và dịch vụ khách hàng, dần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, từ sự nghi ngờ sang lòng tin tưởng và tự hào về thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tư duy sính ngoại còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự đổi mới sáng tạo, làm ra các sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa được kiểm soát cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Dẫn chứng bài học thành công của Hàn Quốc, Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ dựa trên xây dựng các thương hiệu bản địa có chất lượng, uy tín và bền vững, trở thành những thương hiệu toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn minh chứng cho sức mạnh nội lực của các quốc gia này.

Chính vì vậy, để tiếp sức đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi, mỗi người Việt Nam hãy trở thành những “đại sứ hàng Việt”, ưu tiên sử dụng và quảng bá sản phẩm Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, hãy tiếp tục nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến chất lượng sản phẩm; đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa nước ngoài, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo nên hệ sinh thái cùng phát triển, cùng hưởng lợi.

Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào kênh phân phối, quảng bá sản phẩm để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn; thực hiện các chính sách giảm giá thành, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về phía nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững; và với tư cách người tiêu dùng lớn nhất, cần tăng cường sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công.

Để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là một khẩu hiệu, không chỉ là một phong trào, mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế - xã hội sinh động, là một nét văn hóa, là ý thức tự hào và trách nhiệm của mỗi người dân, chúng ta hãy cùng nhau hành động đưa hàng Việt Nam trở thành lựa chọn số một của người Việt Nam, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục