Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bứt phá với CPTPP

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, dệt may, gỗ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp… đang sẵn sàng bứt phá với cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 
Thủy sản Việt Nam là một trong những ngành được dự báo sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác trong CPTPP. Thủy sản Việt Nam là một trong những ngành được dự báo sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác trong CPTPP.

MPC mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất chế biến tôm

Trong các ngành nghề, thủy sản và dệt may được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Theo ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC), MPC đã sẵn sàng chớp cơ hội này, đồng thời chuẩn bị những bước đi dài hạn nhằm “chinh chiến” trên thị trường quốc tế, vừa khẳng định thương hiệu, vừa tăng trưởng doanh thu.

“Chúng tôi đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2019 khoảng 10 - 15% so với năm 2018, nằm trong chiến lược 10 năm của Minh Phú, mỗi năm đạt mức tăng trưởng hai con số. Cơ hội từ CPTPP mở ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Minh Phú hiện thực hóa kế hoạch này”, ông Lê Văn Điệp nói.

Lãnh đạo Minh Phú cho biết, trong 11 nước CPTPP, Công ty đang có tôm xuất khẩu vào Canada, Úc, Nhật Bản, tổng sản lượng tại ba thị trường này tính đến hết tháng 11/2018 đạt tỷ trọng hơn 33%.

Với riêng thị trường Nhật Bản, sản phẩm tôm của Minh Phú đã hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu 0% từ Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản, nên CPTPP không có nhiều ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của Công ty sang xứ sở Hoa anh đào. Hiện sản lượng xuất khẩu của Minh Phú sang Nhật chiếm 20,15% trong cơ cấu các thị trường. Trong 11 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật đạt 136,3 triệu USD.

Hiện nay, Mỹ - nước không tham gia CPTPP, vẫn là thị trường chủ lực của Minh Phú khi 42,1% tổng sản lượng của doanh nghiệp xuất đi xứ Cờ hoa, đem về hơn 280 triệu USD trong 11 tháng năm 2018.

Sang năm 2019, Minh Phú sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tung sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao vào thị trường chủ lực này. Tuy nhiên, cùng với đó, khối các nước CPTPP sẽ được Công ty chú trọng hơn để khai thác lợi thế.

Cụ thể, với thị trường Úc, từ trước đến nay, Minh Phú gặp nhiều khó khăn khi Úc có rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt, không chấp nhập nhập khẩu tôm tươi. Tôm vào Úc phải trải qua khâu kiểm duyệt gắt gao nên sản lượng tôm của Minh Phú xuất đi Úc mới chiếm 3,53% trong tổng sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp, doanh thu 11 tháng vừa qua đạt gần 24 triệu USD. Con số này khá khiêm tốn so với tiềm năng hiện có.

“Để đưa tôm vào Úc nhiều hơn, chúng tôi đã nhập máy kiểm tra virus đáp ứng nhu cầu kiểm dịch của Úc, kiểm tra được bệnh đốm trắng, đầu vàng, đảm bảo tôm đạt chuẩn trước khi xuất đi. Đồng thời, các vùng nguyên liệu cũng được kiểm tra nghiêm ngặt”, ông Lê Văn Điệp chia sẻ. Theo đó, Minh Phú đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho năm 2019.

Lãnh đạo Minh Phú cho biết, năm 2019, doanh nghiệp sẽ thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) hai nhà máy để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời nâng cao công suất ở nhà máy tại Cà Mau lên 15.000 tấn/năm, tiếp tục phát triển nhà máy tại Hậu Giang phục vụ nhu cầu tăng trưởng xuất khẩu.

Sẵn sàng phát huy tiềm năng nội lực và chớp thời cơ, Minh Phú có thể bứt phá trong năm tới, khi Hiệp định CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang giúp Công ty hưởng lợi. 

TNG tập trung vào thị trường Canada

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đã có sự chuẩn bị từ lâu nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP. Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG Nguyễn Văn Thời chia sẻ, Công ty đã “gõ cửa” các thị trường trong khối CPTPP từ 3 năm trước, thời điểm Hiệp định TPP (tiền thân của CPTPP) còn đang “rình rang” những kỳ vọng. Nhờ đó, đến nay, TNG đã có trong tay một số khách hàng và kinh nghiệm nhất định.

Trong các nước CPTPP, TNG tập trung vào thị trường Canada. Công ty đã có hai đối tác chiến lược tại thị trường này và sẽ tiếp tục mở rộng thị phần tại đây. TNG đã chuẩn bị sẵn sàng mọi yếu tố từ nguồn nguyên liệu, dây chuyền đến nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu gia tăng của đơn hàng. Sản lượng xuất khẩu sang thị trường Canada đang tăng mạnh, năm 2018 ước tăng 30 - 40% so với năm 2017 và dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019, khi CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.

Quý IV/2018, TNG tất bật với các đơn hàng được đặt từ trước đó 3 - 4 tháng, cổ phiếu của Công ty được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khi giá và thanh khoản đều tăng. 

TCM nhắm đến thị trường Úc và Canada

Nằm trong nhóm những doanh nghiệp hưởng lợi từ CPTPP, Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) có chiến lược nhắm đến thị trường Úc và Canada. Úc và Canada vốn là thị trường nhập khẩu hàng may mặc rất lớn trên thế giới, trong khi TCM có lợi thế chủ động nguồn nguyên liệu từ sợi đến sản xuất thành phẩm. Khi CPTPP được thông qua, thuế xuất khẩu sản phẩm dệt may vào hai thị trường này giảm về 0% sẽ là cơ hội lớn để TCM chinh phục khách hàng tại đây.

Để chuẩn bị đón đầu các cơ hội từ CPTPP, TCM đã mua một nhà máy may ở Trảng Bàng (Tây Ninh), công suất 5 triệu sản phẩm/năm, đồng thời chuẩn bị mọi nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng khả năng tăng sản lượng đơn hàng xuất khẩu. 

Cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bứt phá với CPTPP ảnh 1

 Dự báo tác động từ hiệp định CPTPP tới Việt Nam.

Truyền thông nhắc đến nhiều những cơ hội rộng mở xuất khẩu hàng hóa sang các nước trong CPTPP, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, vốn có nhiều lợi thế.

Tuy nhiên, chính sách thuế được nhận định là yếu tố đòn bẩy, cốt lõi nhất vẫn là chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt có thuyết phục được người mua hàng tại các nước này hay không.

Kinh nghiệm nhiều năm mang sản phẩm quế hồi Việt Nam đến với các thị trường khó tính của thế giới, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam cho biết, sản phẩm quế hồi của Công ty đã đi vào thị trường châu Âu và nhiều nước trong khối CPTPP.

“Chính sách hỗ trợ về thuế khi CPTPP được thông qua chỉ là một yếu tố, để sản phẩm xuất khẩu có tăng trưởng cao hay không phụ thuộc nhiều vào khách hàng và nhu cầu của thị trường. Nhưng có điều tôi chắc chắn rằng, khi khách hàng đang mua sản phẩm từ thị trường Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia…, họ sẽ chuyển sang ưu tiên đặt hàng Việt Nam hơn khi có ưu đãi về thuế”, bà Huyền nói.

Được biết, các sản phẩm của Công ty đã đạt tiêu chuẩn HACCP; hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa được đánh giá khắt khe trong an toàn thực phẩm và đạt chứng chỉ Pesticires (đáp ứng được 1.000 chỉ tiêu của châu Âu), chứng chỉ hữu cơ quốc tế.     

Hiệp định CPTPP có sự tham gia của 11 nước thành viên, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia, Peru, Chile, Malaysia, Brunei, Việt Nam.  CPTPP sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 với 6 nước: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia và có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Đây được xem là hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay. 

Một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tìm kiếm mở rộng thị trường ngoài nước, các doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ qua thị trường 95 triệu dân trong nước, không để tình trạng “ngồi trên đống vàng mà chưa tận dụng được” như hiện nay. Đặc biệt, dư địa phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất lớn, đầu tư nông nghiệp chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục