Nhiều doanh nghiệp niêm yết gán đất trả nợ ngân hàng

(ĐTCK) Khó tìm đầu ra, thậm chí là bế tắc trong triển khai dự án khiến nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY) không thể trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Cực chẳng đã, các nhà băng cũng phải xiết tài sản đảm bảo bằng nhà đất, rồi tìm mọi cách bán ra nhằm thu hồi vốn.

Năm 2013, Sudico đã hoàn trả Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) khoản nợ đến hạn 400 tỷ đồng bằng cách cắt đất dự án Nam An Khánh, với giá 14 triệu đồng/m2. Năm 2014, theo ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch Sudico, Công ty này đã làm việc với Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) để giải quyết khoản nợ 1.100 tỷ đồng, bằng cách bán hàng thứ cấp cho các nhà đầu tư thông qua Techcombank. Mức giá, theo ông Hùng, không thấp hơn giá bán cho nhà đầu tư thứ cấp hồi năm 2013.

Vinaconex ITC có khoản vay Agribank 400 tỷ đồng, đảm bảo bằng tài sản hình thành từ Dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá - Cát Bà. Hiện nay, Công ty này đang tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan đến việc thế chấp tài sản hình thành từ Dự án.

Sau khi PVX chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại CTCP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) cho CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) và các doanh nghiệp liên quan, OGC đã đưa người vào đảm nhận các chức vị chủ chốt tại PVR. Tuy nhiên, năm 2013, PVR cũng không có một đồng doanh thu nào. Với khoản nợ ngắn hạn lên tới 1.018 tỷ đồng, lỗ lũy kế 20 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong năm từ hoạt động kinh doanh âm, kiểm toán nhận định, PVR gần như không có khả năng trả nợ. Với hàng tồn kho 693 tỷ đồng, chủ yếu là sản phẩm căn hộ, diện tích thương mại dở dang tại Dự án Văn Phú, PVR đã phải bán diện tích thương mại tại đây cho OGC.

Đó chỉ là vài ví dụ về tình trạng các DNNY trong lĩnh vực bất động sản đang phải gán nhà, đất trả nợ ngân hàng. Theo ước tính của phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán, nếu các ngân hàng đều chấp nhận cho doanh nghiệp gán đất trả nợ, con số doanh nghiệp có các động thái như trên có thể lên tới cả trăm đơn vị.

Trên thực tế, ngân hàng cũng không mấy hào hứng với việc nhận gán đất kể trên. Lãnh đạo một ngân hàng nói rằng, nghề của họ là kinh doanh tiền, không có kinh nghiệm đầu tư và triển khai dự án bất động sản, bởi vậy, cực chẳng đã mới phải tính đến việc nhận đất thay nợ. Dẫu vậy, những dự án được ngân hàng chấp nhận gán nợ cũng phải đảm bảo không ít tiêu chí. Quan trọng nhất là dự án “còn sạch”, tức là doanh nghiệp chưa bán sản phẩm ra thị trường và chưa nhận tiền trả trước từ khách hàng. Khó ai có thể lường được hậu quả từ việc bán nhà trên giấy dưới dạng các hợp đồng góp vốn, bởi vậy, nếu ôm dự án dạng này, ngân hàng sẽ khó giải quyết được các hậu quả phát sinh như đề nghị được rút vốn của khách hàng, hoặc các kiện cáo về tiến độ, phạt chậm hợp đồng…

Ngoài ra, những ngân hàng dám chấp nhận ôm đất thay nợ thường có mối liên kết với các doanh nghiệp bất động sản khác để từ đó có thể triển khai việc đẩy tiến độ dự án và bán hàng thu vốn về. Đơn cử như 2 trường hợp của Maritime Bank và Techcombank, đất dự án Nam An Khánh sẽ được đẩy qua một đơn vị kinh doanh thứ cấp, triển khai việc bán hàng chứ ngân hàng không trực tiếp đứng ra kinh doanh, bán nhà.

Thị trường bất động sản được nhận xét khởi sắc hơn, tuy nhiên, giao dịch chỉ ấm lên ở những khu vực có sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực, với những dự án có các chủ đầu tư uy tín đã được chứng minh qua những sản phẩm trước đây. Bởi vậy, vẫn còn vô số dự án đang đắp chiếu, dở dang. Đơn cử như Dự án Văn Phú của PVR, dù OGC có ngân hàng ruột là OceanBank cũng khó có thể xoay chuyển tình thế của hạng mục căn hộ tại dự án này. OceanBank đã từng triển khai việc cho khách hàng mua căn hộ tại dự án vay vốn, sau đó rót vốn này cho PVR triển khai tiếp việc hoàn thiện căn hộ để đủ điều kiện bàn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, sự đón nhận của khách hàng không được như mong đợi, không ít khách hàng đang tìm mọi cách để rút vốn khỏi dự án này. Hơn 2 năm qua, PVR đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan: vay tiền ngân hàng để hoàn thiện tiếp dự án e khách hàng không nhận nhà (vì đã để chậm tiến độ quá lâu), mà không triển khai dự án tiếp, khách hàng càng có cớ để đòi rút vốn. Đây có thể là lý do ngân hàng cũng không dám đổ vốn vào dự án này.

Theo một khảo sát sơ bộ của CTCK FPTS, số DNNY trong lĩnh vực bất động sản có tiềm năng hồi sinh trở lại không nhiều do gánh nặng nợ nần quá lớn. Hiện những DN có dự án mà sản phẩm mang tính đầu cơ cao một thời như Nam An Khánh, Splendora, Bắc Quốc lộ 32… vẫn tiếp tục khó khăn trong việc bán hàng. Điều này đồng nghĩa, tới đây, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục nhận đất thay nợ nếu muốn đẩy nhanh việc thu hồi vốn.          

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục